Quá trình đổi mới thi cử bao giờ cũng thu hút sự quan tâm của dư luận vì nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh mà còn tác động trực tiếp đến tổ chức giảng dạy, ôn tập tại các trường phổ thông. Do vậy, việc các kỳ thi lớn liên tục đổi mới trong những năm gần đây khiến không ít người cảm thấy mỏi mệt, băn khoăn. Cả người dạy lẫn người học đều căng thẳng vì luôn trong trạng thái có thể phải thay đổi vào phút cuối.
Còn nhớ khi kết thúc môn Toán học lớp 10 năm 2017, hàng trăm thí sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bật khóc vì đề thi khó ngoài sức tưởng tượng. Chính sự đổi mới bất ngờ này khiến không ít thí sinh cảm thấy hụt hẫng, lo âu. Mới đây, Sở Giáo dục–Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi trong cách ra đề thi vào lớp 10 năm 2018. Đề thi cả ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ dự kiến sẽ đổi mới thông qua việc tăng cường các câu hỏi mang tính ứng dụng thực tiễn theo kiểu tích hợp, liên môn để đánh giá khả năng tư duy, vận dụng kiến thức của học sinh.
Một kỳ thi khác cũng có nhiều thay đổi khiến dư luận quan tâm chính là kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia. Sau 3 năm tổ chức, không chỉ quy chế thi mà dạng đề thi cũng liên tục thay đổi. Đề thi, cách thi thay đổi đồng nghĩa với việc học sinh, giáo viên tại các trường phổ thông phải “chạy đua” đổi mới. Như năm 2017, khi chuyển từ thi tự luận sang thi trắc nghiệm, học sinh và giáo viên tại các trường phổ thông chỉ có vài tháng để chuẩn bị. Thời gian ngắn, thay đổi nhiều, không ít giáo viên cảm thấy sốc vì để thay đổi phương thức dạy, ôn tập ngay tức khắc là việc không hề đơn giản. Do đó, điều mà nhiều học sinh và giáo viên lo lắng nhất hiện nay là kỳ thi Trung học phổ thông năm 2018 sẽ thay đổi như thế nào, có xáo trộn nhiều không?
Bà Lại Thị Thắm, giáo viên bộ môn tiếng Anh, Trường THPT Nhân Việt tâm tư: “Thay đổi trong thi cử là điều tất yếu và chắc chắn phải làm. Thế nhưng, việc thay đổi cần có lộ trình rõ ràng, có giai đoạn phân chia cụ thể để các bộ phận bên giáo dục chủ yếu là giáo viên và học sinh có thời gian thích nghi với sự thay đổi đó”.
Thấu hiểu sự vất vả của học sinh và giáo viên tại các trường phổ thông, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Bộ Giáo dục – Đào tạo cần chủ động hơn trong việc đổi mới thi cử chứ không thể tiến hành liên tục như thời gian qua: “Hy vọng năm 2018 kỳ thi sẽ tiếp tục có những cải tiến dựa trên cơ sở phát huy những thành quả đạt được và khắc phục những điểm yếu, đừng như những năm trước cứ thay đổi liên tục. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng cần sớm công bố phương án thi để khi học sinh vào lớp 12 đã nắm được để không bỡ ngỡ”.
Khẳng định không ngại đổi mới trong giáo dục, nhưng ông Nguyễn Lâm Quang Thoại, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nhân Việt mong muốn Bộ có thông tin sớm để các trường chủ động.
Ông cho biết: “Không chỉ riêng gì năm 2018 mà chúng tôi mong muốn có một hình thức và phương án thi cố định cho nhiều năm để nhà trường thuận lợi hơn trong việc giảng dạy. Như vậy, các em học sinh cũng thấy dễ hiểu hơn. Khi phương án thi quá phức tạp và thay đổi nhiều có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng truyền đạt kiến thức cũng như chất lượng làm bài thi của các em học sinh”.
Tiến sĩ Hỗ Hữu Nhựt, Ủy viên Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đổi mới thi cử là cần thiết nhưng làm thế nào để hiệu quả chứ không phải nay thay cái này mai đổi cái kia. Trong giai đoạn hội nhập như hiện nay, giáo dục Việt Nam cũng cần có sự so sánh, học tập kinh nghiệm từ các nước phát triển để có những điều chỉnh phù hợp. Hệ thống giáo dục của nước ta cũng nằm trong hệ thống giáo dục của khu vực ASEAN cũng như thế giới. Do vậy, chúng ta phải tham khảo đề thi của các nước trong khu vực và thế giới”.
Bản thân học sinh và các trường phổ thông rất sợ những xáo trộn ngay sát kỳ thi lớn. Do vậy, ai cũng mong rằng, nếu có thay đổi gì, Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ sớm thông tin để cả người học lẫn người dạy chủ động lên phương án thích nghi./.
Theo VOV