SGK phải “nhẹ bớt” kiếm thức hàn lâm

Đó là gửi gắm của nhiều giáo viên, HS Đà Nẵng khi chúng tôi đề cập đến SGK mới và những nội dung cần đổi mới trong chương trình dạy cũng như SGK giáo dục phổ thông. Không phải bây giờ mà đã nhiều năm qua, HS đã phải gồng gánh quá nhiều một lượng kiến thức quá tải trong SGK, thậm chí nhiều môn học có những phần không áp dụng, thi cử vẫn có trong chương trình dạy học. Lượng kiến thức HS và giáo viên phải đánh vật trong tiết học 45 phút đôi khi không xuể.

Thẳng thắn đánh giá những mặt được và chưa được của SGK hiện nay và “hiến kế” cho bộ SGK mới, thầy giáo Phan Văn Tánh, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: “Việc đổi mới SGK là cần thiết vì hiện nay chương trình học quá nặng. Tại sao buộc HS phải ôm khư khư cả khối lượng kiến thức khổng lồ mà không chắt lọc những cái cốt lõi nhất? Cần có một chương trình nhưng với nhiều bộ SGK để HS có quyền lựa chọn bộ sách phù hợp với khả năng của mình. Sách mới phải bảo đảm sự kế thừa và bổ sung kiến thức thực tế. Mục tiêu cuối cùng là làm sao HS tốt nghiệp 12 phải có đủ kiến thức cơ bản và có nhân cách”.

Sách giáo khoa mới cần giảm tải kiến thức hàn lâm

Học sinh lớp 11A9 trường THPT Hoàng Hoa Thám và cô giáo trong giờ học văn.

Trao đổi với các em HS nhiều trường về mong muốn của các em đối với một chương trình dạy học mới, SGK mới, nhiều em hồ hởi đón nhận thông tin và cho rằng, chương trình học hiện nay là “rất nặng”. Em Hoàng Mai Trâm, lớp 11/1 trường THPT Hoàng Hoa Thám đề xuất cụ thể: Đối với toán thì phải giảm phần phép dời hình, văn thì bỏ bớt phần văn học trung đại vì khó hiểu. Các môn học bài và tư duy nhiều như sử, địa thì SGK cần cô đọng hơn, môn giáo dục công dân nên mềm hoá kiến thức thay vì quá khô cứng, khó hiểu như hiện nay. Còn em Võ Hoài Nam, học sinh lớp 10/1 trường THPT Trần Phú lại gửi gắm, nếu có được nhiều bộ SKG mới để HS lựa chọn học theo khả năng thì sẽ hay hơn và hứng thú hơn bởi sẽ phát huy được tính tự học của bản thân.

SGK hiện nay quá nhiều kiến thức hàn lâm mà thiếu đi phần thực tiễn, nhiều giáo viên cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi tư duy dạy và học, mà căn cơ nhất là SGK. Theo cô Ngô Thị Thục Trang, giáo viên dạy hoá, trường THCS chuyên Nguyễn Khuyến, Đà Nẵng: Đối với môn hoá, phải bỏ bớt phần kiến thức hàn lâm, tăng kiến thức thực tiễn, hình ảnh minh hoạ để thu hút HS say mê học. Chúng ta cứ nói là phải để các em phát huy tính chủ động, sáng tạo trong khi bài tập thì quá nhiều, HS lo giải cho hết bài tập chứ không có thời gian tự tìm tòi, sáng tạo. Cần có tiết học cho HS tự làm việc, tự làm các thí nghiệm để hiểu hơn về môn học chứ không phải nhồi nhét quá nhiều lý thuyết mà không có sức hấp dẫn HS.

Cô giáo Lê Thị Thu Hà, giáo viên dạy sử trường THPT Hoà Vang (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) với 16 năm gắn bó với môn lịch sử, đề xuất: Hiện bộ môn lịch sử có nội dung, sự kiện quá nhiều dẫn đến sự nhàm chám trong dạy và học. Tôi mong muốn bộ SGK mới sẽ được xây dựng theo chủ đề, ngoài những mốc sự kiện trọng đại quan trọng nhất, thì cần xoáy sâu, bổ sung thêm các nhân vật lịch sử, điển hình như cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào SGK mới. Soạn sử phải thật và sinh động, dễ hiểu và minh hoạ hình ảnh, nhân vật lịch sử thì mới có sức thuyết phục HS học và khơi gợi đam mê học trong HS.

Cần chú trọng giáo dục nhân cách học sinh

Lâu nay, việc dạy và học của các bậc học thường chạy theo cho kịp một khối lượng chương trình nặng nề, dày đặc mà “bõ ngõ” vấn đề rèn luyện nhân cách, đạo đức cho HS. Chạy theo hình thức quá mà quên đi cái lõi hay nói đúng hơn là bỏ quên phần dạy HS làm người. Với thâm niên 30 năm trong nghề, thầy Tánh cho rằng, SGK mới phải bổ sung nội dung thiết thực, đặt bộ môn giáo dục công dân, lồng ghép việc dạy nhân cách cho HS vào các môn học phù hợp. Đây là lỗ hổng cần sớm khắc phục trong việc biên soạn bộ SGK mới để làm sao kết quả của giáo dục gắn liền với hoàn thiện nhân cách HS. Các em phải được tiếp thu, lĩnh hội kiến thức cơ bản để bước lên các bậc học cao hơn nhưng không thể bỏ qua nhân cách. Phải đặt mục tiêu cuối cùng của giáo dục phổ thông là HS biết vận dụng kiến thức, liên kết với nhau để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và hoàn thiện nhân cách.

Chia sẻ về điều này, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên dạy Văn trường THPT Hoàng Hoa Thám cho biết: “Tôi đang chờ đợi một sự thay đổi, dù biết trước sẽ vất vả hơn khi tiếp cận với cái mới. Trong giai đoạn này, mục đích giáo dục, quan niệm về dạy học, đối tượng HS, điều xã hội và thời đại cần ở sản phẩm của giáo dục ít nhiều đã thay đổi. Muốn vậy, đầu tiên và cần thiết là chương trình và SGK môn Văn THPT chú trọng hơn các kĩ năng để HS hiểu biết sâu sắc về tiếng Việt và sử dụng tiếng mẹ đẻ thành thạo cho nhiều mục đích giao tiếp khác nhau. Học văn, dạy văn là học nhân cách làm người và hướng thiện. Nên đưa vào chương trình những tác phẩm bồi dưỡng giàu giá trị thẩm mĩ và giáo dục”.

Giáo viên, HS đều đang kỳ vọng vào sự lột xác thật sự của chương trình dạy học và SGK phổ thông, bởi đối với sự nghiệp trồng người, thì 12 năm học là cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu của mỗi một công dân nhỏ đến tuổi trưởng thành, đây là thế hệ tương lai của đất nước. Chất lượng đi liền với sản phẩm, đúng hơn là căn cốt từ chương trình học, SGK các cấp phải phù hợp và mang lại cho niềm hứng thú học, tiếp thu kiến thức một cách hợp lý và phát triển cân bằng nhân cách.

Theo Báo Nhân dân, tin gốc: http://www.nhandan.org.vn/giaoduc/tin-tuc/item/25106502-doi-moi-sach-giao-khoa-bo-nhoi-nhet-kien-thuc-mo-sang-tao-tu-duy.html