Sự kiện: Giáo dục, thông tin tuyển sinh, học đường, khoa giáo
“Trước hết, dự thảo Đề án đổi mới cơ bản toàn diện GD&ĐT trình Hội nghị T.Ư lần thứ 8 không thể viết văn bản theo kiểu thứ tự: thành tích, quan điểm, biện pháp, lãnh đạo... mà trước hết phải chấn chỉnh những thiếu sót lệch lạc”.
Đó là ý kiến của nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, GS Phạm Minh Hạc khi trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong.
Theo GS, đâu là những thứ cần chấn chỉnh?
Thứ nhất là vấn đề hệ thống. Thời gian vừa qua, trường đại học mở ồ ạt và mở quá nhanh. Nhiều trường thế, lấy thầy đâu dạy trong khi trường không có, thiết bị cũng... không.
Gần đây có thêm thông tin: Trước kia nước ta chỉ có 10 cơ sở đào tạo y-dược, nay có tới 26 cơ sở; ở tận Trà Vinh mà cũng có ĐH Y thì làm thế nào để đảm bảo chất lượng? Rồi nữa, các trường ĐH ngoài công lập không có sinh viên, tiền học thì cao, chất lượng thì thấp...
Thứ hai là vấn đề cơ sở vật chất (CSVC). CSVC như hiện nay làm sao đổi mới được. Ở Thủ đô mà một lớp có tới 60-65 học sinh thì khó học tốt. Thế mà Hà Nội còn đưa ra trường chất lượng cao đáng nhẽ phải xác định đào tạo loại học sinh nào, học để làm gì, đào tạo nhân tài hay năng khiếu... thì lại là điều kiện: cứ có 3 triệu đồng là vào học.
Vấn đề thứ ba là chương trình và sách giáo khoa (đừng lầm tưởng đây là vấn đề số 1). Chương trình hay, sách tốt mà thầy không dạy được; hay 65 học sinh ngồi một lớp cũng không đổi mới được. Học rồi học sinh lại phải đi học thêm 7 triệu, 10 triệu đồng/tháng thì chỉ con nhà giàu mới học được.
Một điều nữa là cần nói rõ hướng nghiệp và phân luồng từ lớp mấy đến lớp mấy; giảm tải cụ thể thế nào, không thể nói chung chung. Trong giáo dục hướng nghiệp, tôi nhấn mạnh theo hướng giá trị sống và kỹ năng sống cần thiết hằng ngày để sau khi ra trường phải ra được nguồn nhân lực có đạo đức và có tay nghề.
Những mặt cần củng cố
Những gì giáo dục Việt Nam có và chỉ cần củng cố, thưa GS?
Tổ bộ môn nào, khoa nào, trường nào giỏi thì phải củng cố. Giáo dục của ta đang “sống” theo kiểu: Các trường trong nước thì không đầu tư gì cả mà chỉ trông mong nhiều vào nước ngoài quá- đầu tư vào trường nội thì manh mún, tủn mủn nhưng lại vay của ngân hàng thế giới 800 triệu USD đầu tư cho 4 trường quốc tế và gắn luôn cái mác chất lượng cao cho chúng. Muốn đổi mới thì phải làm bằng nội lực của chính mình chứ không thể... nhờ nước ngoài đổi mới giúp!
Ông kỳ vọng gì vào những quyết sách cho giáo dục?
Nếu các cấp ủy đảng và các cấp chính quyền không thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì không hy vọng gì đổi mới cơ bản toàn diện được. Vấn đề cơ sở vật chất Bộ GD&ĐT không thể giải quyết được, vì Bộ GD&ĐT không quyết định được ngân sách. T.Ư Đảng, Quốc hội và Chính phủ mới quyết định được sự đổi mới lần này. Nếu chỉ đưa ra mấy quyển sách, một chương trình và khẩu hiệu này khẩu hiệu khác thì chả có hy vọng gì! Vận mệnh của cả dân tộc là ở đây, không hiểu vấn đề có được nhận thức ra không.
Cảm ơn GS.