Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Chỉ  tiêu trong phong trào thi đua là một tiêu chí quan trọng để phấn  đấu thực hiện, song phải đảm bảo tính khoa học, tính khả thi, nhất là các chỉ tiêu trong giáo dục ở mỗi nhà trường. Tránh việc đặt ra chỉ tiêu "trên trời” rồi cố gắng đạt được bằng mọi cách.

Cần thực tế các chỉ tiêu để thực hiện tốt đề án đổi mới giáo dục

Ngay từ đầu năm học, tất cả giáo viên (GV) đều phải đăng ký chỉ tiêu chất lượng của lớp, bộ môn mình giảng dạy. Các tổ chuyên môn cũng phải đăng ký các chỉ tiêu như tỉ lệ GV đạt các danh hiệu thi đua, tỉ lệ học sinh (HS) giỏi, tỉ lệ HS đạt tiên tiến, tỉ lệ hạnh kiểm…. Nhiều GV cho biết: Cuối học kỳ họ lại bị hạ một bậc thi đua vì chất lượng lớp học, bộ môn của họ chỉ đạt khoảng 80% - 83%, trong khi chỉ tiêu đăng ký đầu năm trên 90%.

Một vấn đề khác cũng làm cho nhiều GV bức xúc. Cuối năm học nếu tỉ lệ HS giỏi, khá không đạt chỉ tiêu đề ra, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp đó phải bị hạ bậc thi đua. Trong khi ai cũng biết rằng những vấn đề này hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của GVCN, còn phụ thuộc vào lực học của các em.

Điều đáng nói là chỉ tiêu này do Ban giám hiệu đưa xuống, buộc GV phải phấn đấu. Còn nếu căn cứ tình hình thực tế trường lớp, căn cứ lực học của HS để phấn đấu theo chỉ tiêu Ban giám hiệu đề ra là không thể. Vậy nên rất nhiều GV cho rằng: Thà dạy thêm một số tiết nữa hoặc được làm GV dạy các môn lẻ khỏi làm GVCN lớp còn hơn, vì làm GVCN nhiều "rủi ro” lắm.

thực hiện chỉ tiêu giáo dục thực tế

Đổi mới giáo dục cần bắt đầu từ cải cách chỉ tiêu

Để đạt được danh hiệu Chiến sĩ thi đua càng khó bởi GV phải đạt được tất cả những chỉ tiêu nhà trường đặt ra, rồi phải viết được sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) được Hội đồng khoa học Phòng Giáo dục huyện công nhận. Nhưng cũng có GV cho rằng: Để đạt được 2 tiêu chí trên không khó, chỉ cần biết lựa theo chỉ tiêu đề ra trong kiểm tra đánh giá HS là đạt tiêu chí đầu tiên. Còn viết SKKN chỉ cần chịu khó tìm trên mạng internet sẽ có được, chỉ việc tải về rồi chỉnh sửa cho phù hợp. Đã khá nhiều GV làm cách này và đã được Hội đồng Khoa học cấp trên công nhận.

Hiện nay phong trào viết SKKN được xem là một tiêu chí để xét danh hiệu thi đua nhiều hơn là vì mục đích nâng cao chất lượng dạy học. Thực tế mỗi năm học, Phòng Giáo dục của một huyện đã chấm và công nhận cho khoảng gần 100 SKKN của GV ở tất cả các bậc học. Nếu tính trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng SKKN được công nhận là con số không nhỏ. Tuy vậy, việc triển khai học tập hay ứng dụng các SKKN hay vào thực tế đạt hiệu quả tới đâu thì chưa rõ.

Chưa kể có sự trùng lặp đề tài, thậm chí trùng lặp nguyên xi cả SKKN khi mạng internet ngày càng phổ biến và tiện dụng trong công tác khai thác tài liệu để GV trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Nhưng học hỏi không có nghĩa là sao chép nguyên xi.

Để có được Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, những tồn tại, yếu kém trong thực tế giáo dục nước ta đã được chỉ ra, là chưa theo kịp với đà phát triển kinh tế - xã hội cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế. Còn thực tế ở mỗi nhà trường lại có nhiều bất cập khác ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy, gây tâm lý bức xúc cho đội ngũ GV làm công tác giảng dạy.

Như đã nói trên, các chỉ tiêu trong phong trào thi đua của ngành giáo dục hiện còn nhiều nghịch lý cần được xem xét nghiêm túc. Đổi mới, cải cách toàn diện cần bắt đầu từ thực tế của mỗi nhà trường mà đề ra các "chỉ tiêu” trong phong trào thi đua, không nên đặt ra chỉ tiêu "trên trời” rồi cố gắng đạt được bằng mọi cách, mọi giá. Ngành giáo dục nói riêng, chính quyền và các ban, ngành nói chung cần nhìn thẳng sự thật, sớm xóa bỏ những bất cập đã tồn tại lâu năm trong ngành.