Đổi mới đào tạo y khoa: 6 năm đầu học chương trình như nhau

Đổi mới chương trình đào tạo

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, mô hình đào tạo y khoa hiện nay rất phức tạp, ở bậc giáo dục ĐH, 3 ngành đào tạo khác hẳn nhau là bác sĩ y khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ y học dự phòng. Ba “dòng” không trộn vào nhau từ đầu vào đến đầu ra. Bậc sau ĐH có bác sĩ nội trú, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2. “Mô hình hiện tại quá phức tạp, các trường phải có 2 chương trình song song, đến bệnh viện lại phân biệt công dân hạng 1, công dân hạng 2” - ông Hinh cho biết.

PGS Nguyễn Đức Hinh cho rằng, thời gian tới, 6 năm tất cả sinh viên cùng học một chương trình như nhau. Sau đó người học có thể học tiếp chuyên khoa 3 năm và chuyên khoa sâu khoảng 2 năm.

Cũng theo ông Hinh, thời gian tới cơ quan chức năng sẽ quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề. Nội dung đổi mới chủ yếu là chứng chỉ hành nghề cấp có thời hạn, không cấp suốt đời như hiện nay và thời gian thực tập là 12 tháng, không phải là 18 tháng. Từ hai đổi mới này sẽ tác động đến khung chương trình đào tạo. Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết các môn học sẽ được xây dựng theo hướng tích hợp.

PGS Vũ Minh Phúc, ĐH Y dược TPHCM cho hay, ĐH Y dược TPHCM chính thức áp dụng chương trình mới từ năm học 2016-2017. Các môn học được dạy theo hình thức tích hợp.

Khó nâng chất lượng nếu bác sĩ tự kiếm sống

Thách thức đầu tiên mà PGSNguyễn Đức Hinh đề cập tới khi thực hiện đổi mới đào tạo y khoa đó là thay đổi tư tưởng của đội ngũ giảng viên. Bà Phạm Thị Minh Đức, nguyên phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội đưa ra 6 hạn chế của đào tạo y khoa hiện hành. Theo bà Đức, nhiều năm qua, chúng ta chưa khảo sát nhu cầu đào tạo một cách nghiêm túc mà dựa theo các văn bản vì thế rất khó xác định chuẩn năng lực.

Cũng theo bà Đức, phương pháp dạy học chủ yếu là truyền thống. Sinh viên đông cũng là một thách thức vì quá tải nên giảng viên không đủ tâm huyết để giảng dạy dẫn đến sinh viên thụ động. Bà Đức cũng khẳng định hiện đang thiếu đội ngũ giảng viên giỏi và tâm huyết. “Chừng nào vẫn còn để thầy giáo và bác sĩ tự kiếm sống thì chừng đó còn khó nâng cao chất lượng đào tạo và khám chữa bệnh. Chế độ lương cho thầy thuốc còn thấp” - bà Đức băn khoăn.

Theo Tiền phong, nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/doi-moi-dao-tao-y-khoa-6-nam-dau-hoc-chuong-trinh-nhu-nhau-1074299.tpo