Định hướng không đầy đủ cho HS, SV: Hệ lụy khôn lường

Chú trọng đến dạy kiến thức nhưng chưa đầu tư được bao nhiêu cho định hướng lối sống là điều đang được các chuyên gia giáo dục cảnh báo từ thực trạng tại các trường ĐH, CĐ. Điều đó đòi hỏi hoạt động giáo dục lối sống cần đầu tư thêm rất nhiều về cả kinh phí, nội dung và con người.

Cuốn hút theo trào lưu mạng xã hội

Theo TS Trần Thị Tuyết Mai, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL), từ năm 2008 đến nay, một số hình thức giải trí mới du nhập từ nước ngoài như: Flashmob (dân vũ), chơi game online, du lịch "bụi" (đi "phượt"), tổ chức offline (tụ họp) của các nhóm cư dân mạng cùng sở thích, chơi Facebook, tạo các video clip (Vlog) bày tỏ quan điểm cá nhân và đưa lên mạng... đã phát triển mạnh mẽ trong thanh niên, đặc biệt là thanh niên đô thị. Tỷ lệ thanh niên tham gia các mạng xã hội tăng mạnh và đây đã trở thành sân chơi có những hiệu ứng tốt cho xã hội.

Học sinh sinh viên dễ bị cuốn theo trào lưu từ Mạng Xã Hội

Định hướng lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên là việc làm cần thiết. Ảnh: Sơn Hà

Tuy nhiên, tính hai mặt của internet khiến một bộ phận thanh niên sử dụng mạng theo hướng thiếu lành mạnh như: Chơi game online bạo lực, xem phim sex, hiện tượng "cứu nét", mại dâm qua "chat", phô diễn hình ảnh nhạy cảm trên mạng... Cũng theo TS Trần Thị Tuyết Mai, tình trạng chạy theo lối sống thực dụng, thích hưởng thụ, sống gấp, sống vội, đua đòi, sử dụng bạo lực trong các quan hệ xã hội đang làm tha hóa một bộ phận giới trẻ. Các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy, mại dâm, cờ bạc... cũng xuất hiện trong đời sống sinh viên hiện nay. Cơ cấu và tỷ lệ tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm tới 70% và mức độ phạm tội ngày càng đa dạng, tinh vi hơn. Nhìn xa hơn, không ít sinh viên chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn, thiếu ý thức phấn đấu để cống hiến và trưởng thành, thụ động, thờ ơ không quan tâm đến tình hình kinh tế, xã hội của đất nước.

Trước rất nhiều cám dỗ từ văn hóa hội nhập thì vai trò định hướng của nhà trường lại chưa tạo được sự cân bằng. Vụ trưởng, Vụ Công tác HSSV Ngũ Duy Anh thừa nhận rằng, công tác tổ chức hoạt động văn hóa cho HSSV chưa được nhận thức và quan tâm đúng mức. Nhiều trường chỉ tập trung vào việc tổ chức dạy học các môn trên lớp, không đầu tư thỏa đáng cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội của người học.

Khai thác xã hội hóa

Mong muốn chung của cha mẹ, thầy cô giáo là thanh thiếu niên cần phải học cách làm người trong quá trình học chữ, nâng cao học vấn. Tuy nhiên, chuyên gia cao cấp của Bộ GD-ĐT Phùng Khắc Bình cho rằng trong thực tế, nhiều trường chưa quan tâm tới hoạt động giáo dục, rèn luyện văn hóa. Một trong những nguyên nhân dẫn tới vấn đề này là kết quả tổ chức, tham gia hoạt động văn hóa lại không kiểm định được chính xác, không đánh giá kết quả như các môn học. Trong khi đó, việc tổ chức các hoạt động này cần rất nhiều sự đầu tư cả về kinh phí, nội dung chương trình, con người, cơ sở vật chất.

Phó Trung tâm Hỗ trợ sinh viên - ĐH Thái Nguyên Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nguồn kinh phí cho đào tạo và cơ sở vật chất của các trường ĐH hiện chiếm tỷ lệ rất lớn từ ngân sách nên kinh phí chi cho văn thể mỹ rất eo hẹp. "Bài toán ở đây là phải thực hiện xã hội hóa trong hoạt động văn thể mỹ. Chúng tôi thường tổ chức vận động tài trợ từ các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng sinh viên của trường để tổ chức nhiều hoạt động phong phú nhằm giảm gánh nặng cho kinh phí sự nghiệp. Kết quả là hằng năm, giải bóng đá sinh viên cũng được chi 40-45 triệu đồng, lễ hội sách cũng do các doanh nghiệp đóng góp kinh phí để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu văn hóa đọc cho 12.000 sinh viên của trường" - ông Tuấn cho biết. Năm 2014, thống kê của ĐH Thái Nguyên cho thấy nguồn tài trợ cho sinh viên đã đạt 206 triệu đồng, đáp ứng cho các hoạt động văn hóa, cấp học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó. Đây được coi là cách làm hiệu quả với các trường kinh phí eo hẹp.

Ngoài việc xã hội hóa kinh phí thì việc tận dụng nguồn lực trong xã hội cũng được ông Phùng Khắc Bình nhấn mạnh: "Mọi người đều nhất trí cần phải phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục nói chung và hoạt động văn hóa nói riêng cho thanh thiếu niên, HSSV. Việc cụ thể hóa thành cơ chế còn phụ thuộc rất nhiều ở cơ sở. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn chung ở cấp trung ương về cơ chế này để tạo cơ sở cho nhà trường, tổ chức, đoàn thể, chính quyền cơ sở vận dụng thực hiện" - ông Phùng Khắc Bình cho biết.

Theo tác giả Khánh Vũ - Báo Hà Nội Mới, Tin gốc: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/736633/dinh-huong-khong-day-du-cho-hs-sv-he-luy-khon-luong