Điều chỉnh quy định đào tạo liên thông: Mở đối tượng, siết chỉ tiêu
Cách đây hơn một năm, Thông tư số 55 của Bộ GD-ĐT đã gây nên nhiều tranh luận khi siết chặt đầu vào đối với đào tạo liên thông với quy định: Người có bằng tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng muốn nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng (CĐ) hoặc đại học (ĐH) phải dự thi các môn văn hóa như thí sinh (TS) trung học phổ thông (THPT). Mới đây, trong dự thảo sửa đổi Thông tư 55, quy định này đã được Bộ GD-ĐT hủy bỏ đồng thời có nhiều điểm mới đáng chú ý.
Trường tự chủ tuyển liên thông
Những sửa đổi, bổ sung trong dự thảo, theo đại diện Bộ GD-ĐT, ngoài mục đích là để bảo đảm thống nhất với các văn bản pháp quy sau khi ban hành Luật Giáo dục nghề nghiệp, quy chế thi THPT, quy chế tuyển sinh... còn một lý do khác là Thông tư 55 đã có nhiều bất cập sau một thời gian đi vào thực hiện. Thậm chí có ý kiến cho rằng, thông tư này gần như sẽ khép lại hệ đào tạo liên thông. Đặc biệt, trong bối cảnh đầu vào của các trường CĐ, trung cấp khó khăn như hiện nay, việc "siết" đào tạo liên thông càng khiến các trường khó tuyển sinh. Số lượng học viên giảm sút cũng kéo theo sự sụt giảm của chất lượng đào tạo bởi rất khó thu hút sự đầu tư vào một hệ đào tạo không có nguồn tuyển.
Với việc hủy bỏ quy định buộc TS tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng phải thi như TS THPT, đối tượng thi liên thông không còn được phân biệt theo thời gian tốt nghiệp và không còn phải thi theo 2 phương thức tuyển sinh riêng biệt nữa. Như vậy, theo dự thảo, TS vừa tốt nghiệp trung cấp, CĐ nghề có thể thi liên thông ngay lên bậc CĐ hoặc ĐH. Vì vậy, đây là tin vui với các TS có nguyện vọng học liên thông cũng như các trường đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng về đầu vào do Thông tư 55.
Không chỉ mở rộng cửa cho TS, dự thảo thông tư còn cho phép các trường tự ra đề thi và tổ chức thi tuyển. Các môn thi tuyển gồm môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành hoặc thực hành nghề và phải được thông báo công khai trong thông báo tuyển sinh của trường. Nếu trường xét tuyển liên thông dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì không được xét tuyển những TS có kết quả thấp hơn ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy.
Ngay sau khi dự thảo được đưa ra, lãnh đạo nhiều trường đã tỏ ý đồng tình và cho rằng, Thông tư 55 đã hoàn thành sứ mệnh "chấn chỉnh" tình trạng đào tạo liên thông tràn lan trước kia và bây giờ đã đến lúc để cho các trường được tự chủ theo Luật Giáo dục ĐH. Theo ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH: Khi các cơ sở đào tạo đã có ý thức tốt hơn về quyền tự chủ trong việc bảo đảm uy tín, thương hiệu của mình thì họ có quyền quyết định ở mức độ cao hơn về đối tượng tuyển sinh liên thông, đồng thời phải sử dụng các biện pháp quản lý khác để bảo đảm chuẩn đầu ra tương đương với hình thức đào tạo chính quy.
Siết chỉ tiêu y, dược
Về phía Bộ GD-ĐT, để bảo đảm chất lượng đào tạo, song song với nới lỏng đối tượng đầu vào, ban soạn thảo đồng thời đưa ra quy định khống chế chỉ tiêu tuyển sinh liên thông không vượt quá 20% chỉ tiêu của ngành (trước kia được xác định theo tổng chỉ tiêu chung của nhà trường, dẫn đến một số ngành tuyển sinh tràn lan). Đặc biệt, với các ngành y dược, chỉ tiêu liên thông được giới hạn không quá 15% chỉ tiêu theo ngành.
Điều kiện văn bằng dự thi đào tạo liên thông cũng được bổ sung nội dung: "Những người có bằng tốt nghiệp y sĩ hoặc y sĩ đa khoa được đăng ký tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ ĐH các ngành y đa khoa, y học cổ truyền, y học dự phòng; Những người có bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng thuộc khối ngành sức khỏe được tuyển sinh đào tạo trình độ ĐH các ngành điều dưỡng, hộ sinh, y tế công cộng, kỹ thuật y học". Ngoài ra, "những người đăng ký tuyển sinh đào tạo liên thông vào các ngành y đa khoa, răng - hàm - mặt, y học cổ truyền, dược sĩ trình độ ĐH phải có thời gian làm việc liên tục đúng ngành đào tạo ít nhất là 12 tháng. Dự thảo cũng nêu rõ, năm 2015 sẽ không áp dụng đào tạo liên thông hình thức vừa làm vừa học đối với các ngành y đa khoa, răng - hàm - mặt, y học cổ truyền, y học dự phòng, dược sĩ trình độ cao đẳng, đại học. Những quy định nói trên được coi là một biện pháp nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo cho ngành y".
Những yêu cầu nói trên nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngành y dược. Mặt khác, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường phải có ít nhất một khóa tốt nghiệp chính quy trước khi mở liên thông. Hệ liên thông chính quy phải được tổ chức đào tạo theo tín chỉ, các sinh viên liên thông sẽ học chung với các sinh viên chính quy khác thay vì được tổ chức lớp đào tạo liên thông riêng như trước kia.
Với những quy định có chỗ thắt, có chỗ nới này, Bộ GD-ĐT hy vọng vừa trả cho các trường quyền tự quyết trong tuyển sinh liên thông vừa bảo đảm hệ đào tạo này sẽ không trở lại tình trạng dễ dãi như trước khi Thông tư 55 ra đời. Bản dự thảo hiện đã được công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến đóng góp từ người dân trước khi ban hành chính thức.
TIn gốc: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Tuyen-sinh/745812/dieu-chinh-quy-dinh-dao-tao-lien-thong-mo-doi-tuong-siet-chi-tieu