>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


 Điểm ưu tiên khu vực gặp rắc rối
Thí sinh chỉnh sửa hồ sơ tại Trường ĐH Mở TP.HCM sáng 13-8 - Ảnh: Ngọc Tuyền

Ngay sau khi các trường ĐH công bố danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển, rất nhiều thí sinh gọi đến trường để xác nhận lại thông tin về sự thay đổi ưu tiên KV. Các thí sinh này lo lắng vì thông tin về KV ưu tiên nhà trường công bố khác với những gì thí sinh khai trong lúc làm hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Không hiểu vì sao được cộng điểm

Thí sinh H.C.Y. có hộ khẩu thường trú tại một xã thuộc KV1 của một huyện tỉnh Tây Ninh nhưng theo học ba năm lớp 10, 11, 12 tại Trường THPT Tây Ninh thuộc TP Tây Ninh. Khi đăng ký dự thi THPT quốc gia, thí sinh này được thầy cô hướng dẫn ghi KV ưu tiên là KV2.

Tuy nhiên, sau khi đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH ở TP.HCM và theo dõi danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển nhà trường công bố lại thấy mình thuộc KV1. Bất ngờ được cộng thêm 1 điểm ưu tiên KV, thí sinh này mừng nhưng vẫn lo “không biết nhà trường có nhầm lẫn gì không” nên đã gửi hồ sơ cá nhân (hộ khẩu, học bạ...) đến trường ĐH này nhờ xác nhận lại thông tin.

Sau khi kiểm tra hồ sơ, nhà trường xác nhận thí sinh này được hưởng ưu tiên KV1 là đúng theo phần mềm quản lý thi đã được Bộ GD-ĐT chỉnh sửa.

Còn H., học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), trong phản ảnh gửi về Tuổi Trẻ cho biết sau khi đăng ký thi THPT quốc gia và kiểm tra tài khoản online trên website của Bộ GD-ĐT thì được biết mình thuộc KV2.

Nhưng cách đây khoảng 10 ngày, có ba học sinh cùng lớp với H. và một học sinh Trường THPT Chu Văn An (TP Phan Rang - Tháp Chàm) sau khi xem bảng xếp hạng điểm xét tuyển trên website của một trường ĐH tại TP.HCM bỗng dưng thấy điểm ưu tiên tăng thêm 1 điểm. Kiểm tra lại thì thấy thông tin trên tài khoản cũ đã bị thay đổi thành KV1.

“Em lên Sở GD-ĐT hỏi thì được các thầy trả lời rằng ngoài những bạn ở xã Thành Hải (thuộc TP Phan Rang - Tháp Chàm) mới được hưởng ưu tiên KV1, toàn bộ những bạn khác nếu học ở TP Phan Rang - Tháp Chàm đều thuộc KV2. Em về hỏi lại thì cả bốn bạn đều không ở xã Thành Hải nhưng lại được cộng thêm 1 điểm (ưu tiên KV1). Tìm hiểu kỹ em được biết cả bốn bạn trên đều có hộ khẩu ở xã thuộc KV1 (thuộc huyện khác của tỉnh). Theo quy định các năm trước, những bạn này chỉ được hưởng ưu tiên KV1 khi học tại trường thuộc huyện có xã đó, còn nếu học tại TP thì phải thuộc KV2. Không chỉ có bốn trường hợp trên mà rất nhiều bạn khác cũng được hưởng ưu tiên tương tự như vậy” - thí sinh này cho biết thêm.

Trường hợp thí sinh H.C.Y. đề cập trên, sau khi chúng tôi rà soát với quy chế tuyển sinh năm nay thì thí sinh này được hưởng ưu tiên KV1.

Tương tự, các thí sinh thuộc Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Phan Rang - Tháp Chàm) nếu có hộ khẩu ở KV1 và theo học tại TP Phan Rang - Tháp Chàm (nơi có xã Thành Hải thuộc KV1 theo quyết định 447/QĐ-UBDT) nên đương nhiên được hưởng ưu tiên KV1 theo quy chế.

Rõ ràng các thí sinh này thuộc diện ưu tiên KV1, nhưng khi đăng ký dự thi THPT quốc gia đã ghi thành KV2, có nghĩa là các thí sinh này nếu không được chỉnh sửa kịp thời sẽ mất oan 1 điểm.

 Điểm ưu tiên khu vực gặp rắc rối
Thí sinh trao đổi với nhau về khu vực ưu tiên khi nộp hồ sơ vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Hải Quân

Thay đổi bất hợp lý

Một cán bộ đào tạo một trường ĐH công lập tại TP.HCM cho biết: “Trước thời điểm xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã chỉnh sửa KV ưu tiên của thí sinh trong hệ thống dữ liệu điểm thi quốc gia.

Khi các trường lấy dữ liệu điểm thi về thì đồng thời lấy luôn thông tin về ưu tiên KV và đối tượng. Khi đó, ưu tiên này đã được bộ chỉnh sửa dẫn đến thí sinh không hề biết KV ưu tiên của mình đã được thay đổi”.

Trước đó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã thông báo đến các trường ĐH, CĐ về sửa ưu tiên KV và đối tượng cho thí sinh đăng ký xét tuyển.

Theo đó, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: “Mức ưu tiên KV của thí sinh đã được tự động xác định trong phần mềm theo quy định của quy chế, dựa vào thông tin về hộ khẩu (tỉnh, huyện, xã) và trường THPT.

Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hiện hành, hưởng ưu tiên theo KV có nhiều ràng buộc, đặc biệt đối với thí sinh hưởng ưu tiên KV1 theo hộ khẩu, một trường đóng trên địa bàn KV2, KV2 - nông thôn, thậm chí KV3 vẫn có thể có thí sinh được hưởng ưu tiên KV1”.

Điều đáng nói, với quy định mới về các trường hợp được hưởng ưu tiên KV theo hộ khẩu thường trú của quy chế năm nay đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý.

Cụ thể như trường hợp của thí sinh H.C.Y. mà chúng tôi nêu trên, vì tại xã mà thí sinh H.C.Y. có hộ khẩu thường trú không có trường THPT, theo quy chế trước đây thí sinh này phải theo học ngay tại huyện mà thí sinh này có hộ khẩu thường trú (vì huyện này có nhiều trường THPT) mới được hưởng ưu tiên KV1. Trong khi H.C.Y. đã theo học tại TP Tây Ninh vẫn được hưởng ưu tiên KV1 là quá ưu ái.

Thực tế, không ít học sinh có hộ khẩu ở KV1 nhưng gia đình có điều kiện kinh tế tốt nên theo học tại các thị xã, TP theo quy chế năm nay được hưởng ưu tiên KV1, trong khi bạn bè cùng lớp chỉ được hưởng KV2...

Cán bộ phụ trách tuyển sinh của một trường ĐH khác cho rằng việc áp dụng chính sách ưu tiên KV trong tuyển sinh năm nay là không công bằng.

Theo đó, thí sinh học ở thị xã, TP trực thuộc tỉnh (thậm chí TP trực thuộc trung ương), nơi có điều kiện học tập tốt, nhưng nếu năm lớp 12 thí sinh chuyển hộ khẩu về các địa phương vùng sâu vùng xa lại được hưởng ưu tiên KV1.

Không những thế, thông tư 03/2015/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về việc ban hành quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy (ngày 26-2-2015) không quy định về thời hạn có hộ khẩu thường trú để được hưởng ưu tiên KV1, mà chỉ ghi “Học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã KV I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015...; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015...; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của chương trình 135 năm 2014 và năm 2015... nếu học trung học tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có các xã trên... được hưởng ưu tiên KV theo hộ khẩu thường trú”. Nên nếu thí sinh chuyển hộ khẩu về một trong những xã được ưu tiên nói trên thì nghiễm nhiên được hưởng ưu tiên KV1

Ví dụ một thí sinh có hộ khẩu thường trú tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) nhưng học tại Trường THPT Long Khánh (xã Xuân Hòa, thị xã Long Khánh) thuộc KV2. Đến học kỳ II năm lớp 12, thí sinh này chuyển hộ khẩu đến xã Bảo Quang, thị xã Long Khánh (xã nằm trong bốn quyết định nêu trên) sẽ được điều chỉnh ưu tiên từ KV2 sang KV1 và được cộng thêm 1 điểm.

Trong khi đó những thí sinh cùng lớp chỉ được ưu tiên KV2 vì không có hộ khẩu ở xã Bảo Quang. Trong tuyển sinh ĐH, chỉ cần hơn nhau 1 điểm thì mức độ chênh lệch thứ tự xếp hạng rất lớn.

Nhiều thí sinh xin điều chỉnh từ KV1 sang KV2

Trong khi đó, mấy ngày qua nhiều thí sinh đến các trường ĐH ở TP.HCM xin điều chỉnh thông tin về KV ưu tiên từ KV1 sang KV2. Theo các thí sinh này, thực tế thí sinh có hộ khẩu tại KV1 nhưng theo học ba năm THPT tại các thị xã, thành phố thuộc tỉnh nên nghĩ mình thuộc KV2.

“Nhà trường công bố danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển với dữ liệu điểm thi lấy từ Bộ GD-ĐT. Khi thí sinh đến yêu cầu điều chỉnh KV ưu tiên, chúng tôi ghi nhận và sẽ kiểm tra lại” - một cán bộ phụ trách tuyển sinh của một trường cho biết.

Vì sao học khác nơi có hộ khẩu vẫn được ưu tiên KV1?

Tại sao lại có sự chênh lệch trong hưởng ưu tiên khu vực như vậy? Ngày 13-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - lý giải việc hưởng ưu tiên chênh lệch như vậy được thực hiện đúng theo tinh thần quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy, không có sự bất công mà dựa vào điều kiện thực tế.

Theo đó, từ năm 2013 trở về trước ưu tiên KV1 trong tuyển sinh được quy định theo huyện, nghĩa là thí sinh học THPT tại huyện thuộc KV1 sẽ được cộng 1,5 điểm ưu tiên KV theo quy định.

Song từ năm 2014, áp dụng quy định chung của Ủy ban Dân tộc và một số văn bản khác của Chính phủ về KV khó khăn không theo huyện mà chi tiết đến phạm vi từng xã, nên quy chế tuyển sinh cũng quy định việc hưởng ưu tiên KV1 theo xã.

“Tuy nhiên, có một bất cập là ở nhiều địa phương, các xã KV1 đặc biệt khó khăn lại hoàn toàn không có trường THPT. Như vậy nếu không có quy định rõ ràng, đặc thù hơn thì học sinh có hộ khẩu tại các xã này sẽ chịu thiệt thòi, không có cơ hội được hưởng quyền lợi ưu tiên của mình. Theo đó, bình thường thí sinh sẽ được tính điểm ưu tiên khu vực theo nơi mà thí sinh học THPT, tốt nghiệp THPT. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ GD-ĐT đã bổ sung quy định thí sinh có hộ khẩu tại xã thuộc KV1 đồng thời học THPT tại trường nằm trong huyện có xã KV1 sẽ được hưởng ưu tiên theo hộ khẩu (KV1), chứ không phải hưởng ưu tiên theo nơi học THPT, nơi tốt nghiệp THPT như thông thường. Đây là quy định hợp lý, phù hợp với thực tế” - ông Nghĩa lý giải.

Ông Nghĩa cũng cho biết việc để những trường hợp đặc biệt được hưởng ưu tiên theo hộ khẩu chứ không phải ưu tiên KV quy chiếu theo trường THPT thí sinh theo học là quy định mới, còn từ năm 2013 trở về trước chỉ quy định chung cho những trường hợp tương tự là hưởng ưu tiên theo trường THPT.

Vậy thí sinh hưởng ưu tiên theo hộ khẩu KV1 có bắt buộc phải học trường THPT thuộc huyện có xã KV1 là xã mà thí sinh có hộ khẩu thường trú hay có thể học ở bất kỳ trường THPT, kể cả trường THPT ở các tỉnh, thành khác, miễn là trường ấy thuộc huyện có xã KV1?

Ông Nghĩa cho biết theo quy chế tuyển sinh ĐH CĐ chính quy 2015 hiện hành, đây là điều không bắt buộc. Nếu quy định chỉ thí sinh có hộ khẩu tại xã KV1 nằm cùng huyện (thị) nơi đặt trường THPT mới được hưởng ưu tiên sẽ bất công bằng cho các thí sinh khác học cùng trường (có cùng điều kiện học tập), phải xa nhà mà gia đình lại ở xã thậm chí khó khăn hơn.

Lý giải thắc mắc vì sao chính các trường cũng không chỉnh sửa được chế độ ưu tiên, ông Nghĩa cho biết đối với ưu tiên theo khu vực, do phần mềm tự so sánh cơ sở dữ liệu quy định vùng của từng trường THPT và xã KV1 theo các văn bản hiện hành với dữ liệu thí sinh đã đăng ký (bao gồm: trường phổ thông mà thí sinh đã học và xã, huyện - theo hộ khẩu thường trú của thí sinh) để tính ra chế độ ưu tiên KV, nên các trường không trực tiếp sửa được KV ưu tiên mà phải sửa các thông tin về trường THPT, hộ khẩu của thí sinh khi các em cung cấp đầy đủ minh chứng và đề nghị trường sửa.

Đồng thời, một số thí sinh chưa được giáo viên giải thích đúng về quy định của quy chế khi đăng ký dự thi ghi là KV2, KV2-NT, nhưng đến khi xét tuyển được hưởng chế độ ưu tiên KV1 cũng là do phần mềm kiểm tra được lỗi logic khi thí sinh đăng ký chế độ ưu tiên.

Và trong thực tế cũng có thí sinh khai được hưởng ưu tiên KV1, nhưng phần mềm sau khi rà soát chỉ ra thí sinh chỉ được hưởng chế độ KV2-NT.

Cách tính điểm ưu tiên ĐH, có bất công?

Mặc dù năm nay Bộ GĐ-ĐT ra hướng dẫn từ khá sớm, nhưng do có 2 cách áp dụng tính điểm ưu tiên mà các trường có thể tùy chọn nên khiến phụ huynh và thí sinh khá bối rối. Chưa kể, có trường còn áp dụng theo cách của riêng mình.

Mỗi trường một kiểu

Các trường đang có những cách thực hiện cộng điểm ưu tiên khác nhau.

Vào xem danh sách thí sinh ĐKXT nguyện vọng 1 ngành Ngôn ngữ Anh (thương mại và du lịch) của Trường ĐH Sài Gòn, với tổ hợp Toán – Ngữ văn – Tiếng Anh với môn Tiếng Anh nhân hệ số 2, có khá nhiều thí sinh có mức điểm ưu tiên được cộng là 4,67 điểm.

Theo cán bộ tuyển sinh nhà trường, đối với ngành có môn chính nhân hệ số 2, điểm ưu tiên được tính theo cách mức điểm ở thang 30 nhân 4 chia 3. Một thí sinh được cộng điểm ưu tiên tối đa theo quy định ở thang điểm 30 là 3,5 điểm. Lấy điểm này nhân 4 chia 3 sẽ ra điểm 4,67.

Cũng theo cách tính này mà số điểm ưu tiên của những thí sinh ở ngành này khá… lẻ loi, 0.67, 1,33 điểm…

điểm ưu tiên, xét tuyển, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH sài Gòn, ĐH Kinh tế quốc dân
Danh sách thí sinh ĐKXT vào Trường ĐH Sài Gòn có điểm ưu tiên quy đổi theo công thức "nhân 4 chia 3"

Tất cả các ngành của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đều xét tuyển với tổng điểm tối đa là 30, trừ ngành Ngôn ngữ Anh nhân hệ số 2 đối với môn Tiếng Anh. Ông Trần Đình Lý, Trường phòng Đào tạo nhà trường cho biết trường cũng áp dụng cách tính điểm ưu tiên “nhân 4 chia 3”…

Trong khi đó, Trường ĐH Cần Thơ quy đổi các ngành nhân đôi môn chính về thang điểm 30, sau đó mới cộng điểm ưu tiên không quy đổi.

Sở dĩ có sự không thống nhất này là do quy định của Bộ cho các trường năm nay được chọn cộng điểm theo cả hai cách.

Tại công văn Hướng dẫn tổ chức công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015 ban hành ngày 25/4, Bộ GD-ĐT xác định mức điểm ưu tiên ưu tiên như sau: Mức điểm ưu tiên xác định theo quy định tại khoản 5, điều 7 được tính đối với thang điểm 10 và tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển là 30.

Các trường sử dụng thang điểm khác thang điểm 10 hoặc tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển khác 30 (ví dụ trường hợp nhân hệ số môn thi chính), phải quy đổi điểm xét tuyển về thang điểm 10 trên sau đó tiến hành cộng điểm ưu tiên hoặc phải quy đổi điểm ưu tiên về thang điểm mà trường đang sử dụng.

Tuy nhiên, Trường ĐH Luật Hà Nội lại không áp dụng cả hai cách tính trên. ở ngành Ngôn ngữ Anh, trường này nhân hệ số 2 đối với môn Tiếng Anh, nhưng khi tính tổng điểm xét tuyển vẫn duy trì cách cộng điểm ưu tiên như ở thang điểm tối đa 30…

điểm ưu tiên, xét tuyển, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH sài Gòn, ĐH Kinh tế quốc dân
Trường ĐH Luật Hà Nội không quy đổi điểm ưu tiên ở ngành có nhân hệ số môn chính

Cách tính có “bất công”?

Theo mức điểm ưu tiên xác định theo quy định tại khoản 5, điều 7 Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm.

Nhưng nếu điểm ưu tiên khu vực và đối tượng đều tính theo phương thức nhân 4 chia 3 thì đối với các trường có môn thi chính hoặc ngành có môn thi chính mức chênh lệch giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,33; giữa hai khu vực kế tiếp là 0,66.

Theo ông Trần Đình Lý, việc trường quy đổi điểm ưu tiên như vậy là thực hiện theo hướng dẫn của Bộ. “Ngay cả phần mềm của Bộ cũng tự động quy đổi theo cách này nếu các trường khai báo các ngành nhân 2 điểm môn chính” – ông Lý cho biết.

Còn ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “Việc cộng điểm ưu tiên với các thí sinh năm nay vẫn theo quy định, và năm nào cũng vậy, các thí sinh thuộc diện ưu tiên khoảng 3 điểm và rất ít, và không có trường hợp nào được ưu tiên tới 6,5 điểm cả”. Theo ông Dong, “Thí sinh vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… được cộng điểm ưu tiên là điều tất yếu, vì các em này chịu rất nhiều thiệt thòi”.

Cách các trường áp dụng mỗi nơi mỗi kiểu khiến cho phụ huynh, thí sinh người buồn, người… nhẹ nhõm.

Chị Hoàng Thanh có con đang nộp hồ sơ ĐKXT vào Trường ĐH Luật Hà Nội nhận xét: Cách tính điểm ưu tiên của trường này khiến chị cảm thấy đỡ… bất công hơn nếu so với việc các trường khác “nhân 4 chia 3”. “Tôi không phản đối cộng điểm ưu tiên cho các đối tượng chính sách. Nhưng may mà trường này không nhân hệ số điểm ưu tiên. Vì nếu nhân hệ số đối với ngành Ngôn ngữ Anh như con tôi đang nộp vào, khoảng cách tối đa giữa một thí sinh không có điểm ưu tiên như con tôi với thí sinh được cộng điểm ưu tiên tối đa đã nâng từ 3,5 lên 4,67 điểm. Trong cuộc đua vào đại học thì 0,25 điểm đã rất giá trị, chứ đừng nói tới 1,17 điểm”.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, không ít thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT vào Trường ĐH Ngoại thương lại lo ngay ngáy về việc trường tính điểm ưu tiên quy đổi đối với những ngành nhân hệ số môn chính. “Việc cạnh tranh vào trường này vốn dĩ đã rất khốc liệt, bây giờ trường lại nhân điểm như vậy em thật sự lo lắng vì bỗng nhiên các bạn thuộc đối tượng và khu vực ưu tiên lại “được thêm” từ hơn nửa điểm tới hơn 1 điểm” – một thí sinh đã nộp hồ sơ ĐKXT vào ngành Ngôn ngữ Anh của trường này chia sẻ.

Theo:

  • Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150814/diem-uu-tien-khu-vuc-gap-rac-roi/948822.html
  • Vietnamnet, tin gốc: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/256426/cach-tinh-diem-uu-tien-dh--co-bat-cong-.html