“Cửa hẹp” cho thí sinh điểm cao trượt ĐH đợt 1

Trong kỳ tuyển sinh 2015, do điểm chuẩn của nhiều trường tăng mạnh, cộng với những quy định đặc thù trong xét tuyển ở một số ngành đào tạo, không ít thí sinh điểm cao rớt ĐH.
Một số bạn cố tìm cơ hội ở đợt 2, nhưng nhiều em ngậm ngùi quyết tâm ôn lại để thi năm sau.

Ông Nguyễn Phong Điền - trưởng phòng đào tạo ĐH Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết có nhiều thí sinh đạt điểm thi cao, trong đó có những thí sinh đạt 26 điểm trở lên, cũng tìm đến trường hỏi về đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Dù mức điểm các em này hoàn toàn có khả năng trúng tuyển đợt 1 vào trường nhưng hiện tại, kết thúc đợt 1, trường đã tuyển đủ chỉ tiêu, không xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Theo ông Điền, những thí sinh điểm cao nhưng không đỗ ĐH đợt 1 này, khi tìm đến trường tư vấn đều là thí sinh trước đó đăng ký xét tuyển vào trường công an.

Tuy nhiên, theo quy định, thí sinh đăng ký vào trường công an chỉ có thể rút hồ sơ chậm nhất trước ngày 10-8 khi công an địa phương chưa chuyển hồ sơ về các trường ĐH, học viện (khác với lịch tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT là thí sinh có quyền thay đổi nguyện vọng, rút hồ sơ đợt 1 đến ngày 20-8).

Trong khi đó, điểm chuẩn các trường công an năm nay cao, nên nhiều thí sinh không tiên lượng được khả năng trúng tuyển của mình. Điều đáng nói là việc xét tuyển đợt 2 chủ yếu nằm ở khối trường ngoài công lập, hoặc ở những ngành kém hấp dẫn của trường công, nên những thí sinh có học lực tốt, điểm thi cao này không mặn mà, buộc phải chật vật tìm những cánh cửa hẹp.

Đặc biệt, thông tin ở một số trường công lập cho biết dù chỉ tiêu bổ sung đợt 2 rất hạn chế, nhưng ở một số ngành xuất hiện những thí sinh điểm rất cao, thậm chí cao hơn cả… thủ khoa trúng tuyển đợt 1.

Tại Học viện Báo chí và tuyên truyền, năm 2015 là năm đầu tiên trường xét tuyển nguyện vọng bổ sung với ngành “nóng”- quan hệ công chúng. Mức điểm nhận hồ sơ tương đối cao: 29,25 điểm (điểm môn tiếng Anh nhân hệ số 2).

Ông Mai Đức Ngọc, trưởng ban đào tạo học viện, cho biết trong số thí sinh nộp hồ sơ vào ngành này có những thí sinh đạt trên 35 điểm. Trong khi ở đợt 1, thí sinh trúng tuyển cao điểm nhất của ngành này cũng chưa chạm mốc 35 điểm.

Đậu ĐH hụt: Thí sinh được đăng ký lại nguyện vọng 1

Sáu thí sinh bị rớt nguyện vọng 1 đại học, do bộ phận nhập dữ liệu của Trường THPT Nguyễn Huệ cộng nhầm điểm ưu tiên, đã đến Sở nộp hồ sơ đăng ký lại nguyện vọng 1 vào sáng 1-9.

Chiều 1-9, ông Phạm Văn Cường, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, cho biết.

Sáu thí sinh này đều có hộ khẩu thường trú tại xã An Phú, TP Tuy Hòa, đăng ký vào ngành của các trường đại học, cao đẳng có điểm chuẩn phù hợp với điểm thực của từng thí sinh.

Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, chiều cùng ngày, Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên đã gửi về Bộ GD-ĐT để Bộ can thiệp với các trường có những thí sinh này đăng ký để xét tuyển lại nguyện vọng 1.

Theo tin đã đưa ngày 31-8 thông tin, 20 học sinh của Trường THPT Nguyễn Huệ bị cộng nhầm điểm ưu tiên, trong đó có sáu trường hợp bị ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển nguyện vọng 1 đại học 2015.

Cùng ngày, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận điện thoại cho giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên thông báo cho phép các thí sinh này được đăng ký lại nguyện vọng 1 với số điểm thực của từng thí sinh.

Nhiều trường còn chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 2

Học viện Ngân hàng xét tuyển bổ sung chỉ tiêu cho cả cơ sở Hà Nội và Phú Yên. Đại học Thủ đô còn 161 cho đợt xét tuyển thứ 2.

Học viện Ngân hàng Hà Nội (mã trường NHH) xét tuyển bổ sung 79 chỉ tiêu vào hệ Cao đẳng trong đó 59 chỉ tiêu vào ngành Tài chính - Ngân hàng và 20 chỉ tiêu vào nghành Kế toán. Các thí sinh dự thi khối A00, A01, D01, D07 theo hình thức thi chung kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 do các trường đại học chủ trì đạt từ 12 điểm trở lên đều có thể nộp hồ sơ xét tuyển.

Học viện Ngân hàng Phân viện Phú Yên (mã trường NHP) xét tuyển bổ sung 160 chỉ tiêu hệ Đại học trong đó 66 chỉ tiêu vào ngành Tài chính - Ngân hàng, 94 chỉ tiêu vào ngành Kế toán. Điều kiện nộp hồ sơ: Thí sinh có hộ khẩu từ Quảng Trị vào phía nam dự thi khối A00, A01, D01, D07 theo hình thức thi chung kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 do các trường đại học chủ trì đạt từ 17 điểm trở lên.

Học viện Ngân hàng Phân viện Phú Yên (mã trường NHP) xét tuyển bổ sung 179 chỉ tiêu hệ Cao đẳng trong đó 87 chỉ tiêu vào ngành Tài chính - Ngân hàng, 92 chỉ tiêu vào ngành Kế toán. Điều kiện nộp hồ sơ: Thí sinh dự thi khối A00, A01, D01, D07 theo hình thức kỳ thi chung THPT Quốc gia năm 2015 do các trường đại học chủ trì đạt từ 12 điểm trở lên.

Đại học Thủ đô (mới nâng cấp từ Cao đẳng Sư phạm Hà Nội) xét tuyển bổ sung những thí sinh đạt từ mức điểm trúng tuyển như nguyện vọng 1 trở lên (trong đó điểm môn thi chính nhân hệ số 2) của tất cả ngành học theo khối thi. Thí sinh xét tuyển nguyện vọng ngành sư phạm phải có hộ khẩu tại Hà Nội. Và thí sinh dự thi năng khiếu các ngành Sư phạm Âm nhạc, giáo dục Thể chất ở các trường khác phải gửi kèm kết quả thi năng khiếu.

Trường còn chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho các ngành sau:

TT

Tên ngành

Mã ngành

Tổ hợp môn

SL chỉ tiêu

I. Các ngành sư phạm

1

Sư phạm Tin học

C140210

TOÁN, Vật Lý, Hóa học

TOÁN, Vật Lý, Tiếng Anh

08

2

Sư phạm Âm nhạc

C140221

Văn, Thẩm âm tiết tấu, Thanh nhạc

12

3

Giáo dục Thể chất

C140206

Toán, Sinh, NĂNG KHIẾU TDTT

18

II. Các ngành ngoài sư phạm

4

Việt Nam học

C220143

VĂN, Sử, Địa

VĂN, Toán, Anh

12

5

Công nghệ thông tin

C480201

TOÁN, Vật Lý, Hóa học

TOÁN, Vật Lý, Tiếng Anh

29

6

Mạng truyền thông và máy tính

C480102

TOÁN, Vật Lý, Hóa học

TOÁN, Vật Lý, Tiếng Anh

30

7

Công nghệ sinh học

C420201

HÓA HỌC, Toán, Vật Lý HÓA HỌC, Toán, Sinh học

30

8

Công nghệ kỹ thuật môi trường

C510406

TOÁN, Vật Lý, Hóa học

TOÁN, Vật Lý, Tiếng Anh

TOÁN, Sinh học, Hóa học

30

Hai ngày nữa, ĐH Quốc gia Hà Nội kết thúc xét tuyển NV2

Đại học Quốc gia Hà Nội đã kết thúc đợt xét tuyển thứ nhất ở hầu hết các đơn vị đào tạo, với số thí sinh nhập học đạt 70% chỉ tiêu.
Chỉ còn hai ngày nữa, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 2. Trong đợt này, các thí sinh dự thi đợt 1 vẫn được tham gia xét tuyển nếu chưa trúng tuyển trong đợt 1, tuy nhiên cần phải đặt ngưỡng điểm ứng tuyển theo qui định cho từng ngành đào tạo.

Trong tổng số gần 11.000 thí sinh tham gia dự thi đợt 2 vào ĐH Quốc gia Hà Nội, có hơn một nửa đạt điểm từ 70 trở lên. Thí sinh điểm cao nhất trong kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 đạt 122 điểm. Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển sinh theo phương thức riêng, các thí sinh thực hiện bài thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội thiết kế. Đơn vị này chỉ sử dụng kết quả của bài thi này để tuyển sinh vào các trường thành viên và các khoa trực thuộc của mình.

Nhiều trường dân lập lo tuyển thiếu chỉ tiêu

Hiện nhiều trường top trên và top giữa đã tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ nguyện vọng 1, tuy nhiên, nhiều trường top dưới lại đang lo không tuyển đủ chỉ tiêu.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục- Đào tạo đến ngày 1-9, có 169 trường đại học, cao đẳng trên cả nước xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Đa số các trường có điểm xét tuyển tương đối thấp, chỉ bằng điểm sàn do Bộ Giáo dục- Đào tạo quy định là 15 điểm với bậc đại học, 12 điểm với bậc cao đẳng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên tại nhiều trường ngoài công lập, số hồ sơ xét tuyển bổ sung vẫn ít hơn rất nhiều so với chỉ tiêu.

Ông Phạm Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng cho biết: Năm 2015, nhà trường tuyển 1.200 chỉ tiêu, trong đó, nguyện vọng 1 đã tuyển được 450 chỉ tiêu, còn lại 750 chỉ tiêu sẽ tiếp tục tuyển sinh ở nguyện vọng bổ sung. Tuy nhiên, từ ngày 26- 8 đến ngày 31- 8, mỗi ngày nhà trường chỉ nhận được khoảng từ 40 đến 50 hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Tính đến hết ngày 31- 8 nhà trường cũng chỉ nhận được khoảng 300 hồ sơ.

Ông Phạm Ngọc Ánh cho biết: Xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh có 3 giấy đăng ký nguyện vọng, lượng hồ sơ “ảo” sẽ rất nhiều. Tôi nhận định chỉ có khoảng 1/3 thí sinh đến làm thủ tục đăng ký nhập học so với chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung”.

Trường dân lập Thăng Long cũng đang lo lắng tỷ lệ thí sinh đến nhập học sẽ thấp hơn chỉ tiêu đề ra. Đại diện trường dân lập Thăng Long cho biết: Nguyện vọng bổ sung nhà trường còn 700 chỉ tiêu, đến ngày 31- 8 nhà trường cũng đã nhận được khoảng 600 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, ở nguyện vọng bổ sung sẽ có một lượng thí sinh ảo, nên nhà trường sẽ gửi giấy báo nhập học cho thí sinh vượt so với chỉ tiêu. Mục đích giảm được lượng thí sinh “ảo” và hy vọng thí sinh nhập học sẽ đủ so với chỉ tiêu đề ra.

Ông Vũ Phán, Phó Hiệu trưởng trường dân lập Phương Đông cho biết: “Xét tuyển nguyện vọng bổ sung, nhà trường còn tất cả chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành đào tạo. Hiện các trường đại học, cao đẳng mọc ra như nấm sau mưa, số lượng thí sinh có hạn nên việc tuyển đủ chỉ tiêu sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Còn theo ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh công nghệ Hà Nội lượng thí sinh đến nộp hồ sơ còn rất ít nên nhà trường chỉ còn cách chờ đợi.

Để tránh tình trang thiếu vắng thí sinh đến xét tuyển ở các trường dân lập, ông Phạm Ngọc Ánh đưa ra giải pháp: “Tôi nghĩ ở nguyện vọng 1 Bộ Giáo dục- Đào tạo nên phân tầng các trường đại học, cao đẳng. Như những trường top trên nhận xét tuyển những thí sinh từ 25 điểm trở lên, tốp giữa từ khoảng 20 đến 24 điểm, top dưới lấy từ 20 điểm trở xuống và thời gian xét tuyển nên kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho những trường tư thục và trường dân lập có thêm điều kiều để tuyển sinh”.

Thay đổi NV1 nhưng chưa được cập nhật, xử lý thế nào?

Trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh Lê Huyền đã rút hồ sơ tại 1 trường và nộp vào 1 trường mới. Do đến ngày 22/8, trường cũ mới xoá tên nên thí sinh Huyền không kịp nộp hồ sơ vào trường mới. Vậy, có phải thí sinh Huyền đã trượt nguyện vọng 1 không? Trường hợp thí sinh được xem xét giải quyết thế nào?

Trong đợt 1 xét tuyển vào đại học, cao đẳng, có những trường hợp thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển (theo đúng thời hạn quy định) nhưng do các trường chưa cập nhật kịp thời vào danh sách xét tuyển.

Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường thống kê, lập danh sách những thí sinh này, báo cáo để được hướng dẫn xử lý đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Trường hợp nộp nhầm Giấy xét tuyển đợt 1

Thí sinh Nguyễn Bảo Ngọc nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào 1 học viện ở Hà Nội. Sau khi nộp hồ sơ tại trường, ngày 21/8/2015, thí sinh Ngọc kiểm tra không thấy tên mình trong danh sách hồ sơ xét tuyển.

Thí sinh Ngọc lại thuộc danh sách hồ sơ bị loại do nộp nhầm Giấy chứng nhận kết quả thi của nguyện vọng bổ sung. Thí sinh Ngọc đề nghị giải đáp, trường hợp thí sinh cần giải quyết như thế nào?

Theo quy định, Giấy chứng nhận kết quả thi của lần đăng ký xét tuyển nào, có giá trị trong lần xét tuyển đó. Việc thí sinh Nguyễn Bảo Ngọc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 bằng Giấy chứng nhận kết quả thi của nguyện vọng bổ sung là lỗi của thí sinh. Hơn nữa, trước ngày 20/8 (thời hạn kết thúc xét tuyển nguyện vọng 1), thí sinh không theo dõi cập nhật trên mạng của trường nơi thí sinh đăng ký xét tuyển để xem có tên trong danh sách và có hướng xử lý.

Đến ngày 21/8 (sau 1 ngày kết thúc nộp hồ sơ xét tuyển), thí sinh mới lên mạng để xem thì đã muộn. Vì vậy, thí sinh Ngọc cần sử dụng 3 Giấy báo điểm còn lại để đăng ký xét tuyển bổ sung và phải thường xuyên cập nhật thông tin trên mạng để kiểm tra.

Hiệu trưởng nhận trách nhiệm vụ lập bài thi khống

Ngày 1-9, ông Nguyễn Minh Quốc, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, cho biết hiệu trưởng Trường TH Hàm Cường 1 (xã Hàm Cường) đã nhận trách nhiệm khi để xảy ra việc lập bài thi khống cho học sinh lên lớp.

Phòng GD-ĐT huyện Hàm Thuận Nam đã yêu cầu hiệu trưởng Trường TH Hàm Cường 1 làm kiểm điểm với những cán bộ, giáo viên liên quan sự việc.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền (hiệu trưởng) chỉ đạo việc thực hiện đánh giá học sinh tại các lớp linh hoạt không đảm bảo theo yêu cầu; bà Nguyễn Nữ Mai Trang (hiệu phó) phụ trách chuyên môn nhà trường nhưng không tham mưu cho hiệu trưởng việc thực hiện đánh giá học sinh tại các lớp linh hoạt theo quy định; bà Trần Thị Cúc (giáo viên chủ nhiệm lớp 4C) chấm bài kiểm tra định kỳ của em N.A.V. môn tiếng Việt không có ý kiến về bài làm nhiều nét chữ viết.

Một cán bộ của Sở GD-ĐT Bình Thuận cho biết nếu muốn giúp học sinh N.A.V. thì có thể linh hoạt dạy học sinh này trong hè, rồi cho học sinh làm bài kiểm tra để đánh giá cho lên lớp 5, còn việc đưa bài thi cho học sinh khác làm thay là không đúng, không thể hiện được quá trình thực học của học sinh.

Trong một diễn biến khác, bà Trần Thị Cúc (giáo viên chủ nhiệm lớp 4C) đã gửi đơn kiến nghị cho thanh tra Sở GD-ĐT Bình Thuận, trong đó có tường trình sự việc. Theo đó, khi chấm các bài của học sinh N.A.V., thấy điểm toán, tiếng Việt quá thấp, bà đã đem bài thi qua phòng của một vị lãnh đạo nhà trường xem. Vị này chỉ đạo bà Trần Thị Cúc cho học sinh khác sửa bài, hợp thức hóa để em N.A.V. đủ điểm lên lớp. Chính vì vậy bài thi có hai nét chữ viết.

Ngoài ra, bà Cúc còn phản ảnh vị lãnh đạo nhà trường này cũng chỉ đạo cho các giáo viên tin học, tiếng Anh, thể dục, âm nhạc tự làm bài và cho điểm khống bài thi để hợp thức hóa, nhận xét khống vào sổ theo dõi và học bạ. Bà Cúc cho hay việc này bà đã báo cáo cho chủ tịch công đoàn nhà trường khi sự việc xảy ra.

Thanh tra Sở GD-ĐT Bình Thuận đã chuyển kiến nghị của bà Trần Thị Cúc cho Phòng GD-ĐT huyện Hàm Thuận Nam để cơ quan này giải quyết theo quy định, báo cáo về Sở GD-ĐT trước ngày 15-9.

Như thông tin đã phản ánh, học sinh N.A.V., lớp 4C Trường TH Hàm Cường 1 (xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), trong năm học 2014-2015 chỉ học được 2 tháng rồi nghỉ nhưng vẫn được nhà trường cho lên lớp như các học sinh theo học bình thường khác. Các giáo viên của trường này đã đưa bài thi của học sinh N.A.V. cho học sinh khác làm giúp, một số bài thi khác được lập khống để hợp thức hóa cho em N.A.V. lên lớp 5.

Tổng hợp