Kỳ thi THPT quốc gia: Bắt đâu in, gửi giấy chứng nhận kết quả thi

Theo thông tin từ nhiều trường ĐH chủ trì cụm thi, việc in giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp 2015 đang được thực hiện. Dự kiến đầu tuần tới giấy chứng nhận được chuyển về các sở GD-ĐT để trả cho thí sinh.

Điểm tin tuyển sinh 2015 nổi bật ngày 26/7
Học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh tư liệu.

TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa, đơn vị phụ trách in giấy chứng nhận cho toàn cụm thi do ĐHQG TP.HCM chủ trì - cho biết trường bắt đầu in giấy chứng nhận kết quả từ ngày 24-7 và dự kiến hoàn tất trong ngày 25-7.

Sau khi đóng dấu đỏ, dự kiến thứ hai (27-7) giấy chứng nhận kết quả sẽ được chuyển về các sở GD-ĐT.

Trong khi đó, theo PGS.TS Đỗ Văn Xê - phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, trường dự kiến in giấy chứng nhận kết quả từ ngày 26 đến 27-7 nếu việc xét tốt nghiệp THPT do các sở GD-ĐT phụ trách hoàn thành vào ngày 25-7.

Dự kiến ngày 28-7 các sở GD-ĐT Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long sẽ nhận giấy chứng nhận kết quả thi và phát cho thí sinh tại các đơn vị giáo dục trong tỉnh.

Như vậy, sớm nhất ngày 29-7, thí sinh của cụm này mới có thể nhận được giấy chứng nhận kết quả thi.

Điểm sàn Đại học, Cao đẳng 2015 cao hơn năm trước

Theo đánh giá chung, kết quả đạt được năm nay cao hơn năm trước, bởi năm nay có 60% kiến thức cơ bản trong đề thi.
Nếu các thí sinh phát hiện bất kỳ sai sót nào trong bài thi của mình có thể nộp đơn xin phúc khảo từ nay đến ngày 30/7, kết quả phúc khảo sẽ được công bố trước ngày 6/8.

Các thí sinh có thể nộp đơn đề nghị phúc khảo tại sở Giáo dục - Đào tạo, trường THPT hoặc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - nơi nhận hồ sơ đăng ký dự thi hoặc trực tiếp tại trường đại học nơi tổ chức thi. Về phổ điểm thi năm nay, phổ điểm đẹp nhất thuộc về các môn xã hội Văn, Sử, Địa, thấp nhất là môn Toán và Tiếng Anh.

Dự kiến ngày 28/7 tới đây, sẽ xét duyệt ngưỡng điểm đầu vào ĐH-CĐ. Do kết quả làm bài của thí sinh khá tốt nên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm nay sẽ nhích lên hơn mọi năm, với dự báo điểm chuẩn vào các trường top giữa sẽ tăng lên khoảng 1 đến 2 điểm.

Xét tuyển Đại học 2015: Chọn phương án tối ưu qua phổ điểm

Thông qua phổ điểm chi tiết thí sinh sẽ dễ hình dung hơn khi quyết định nộp hồ sơ xét tuyển Đại học 2015.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố một phổ điểm chi tiết hơn của kỳ thi THPT Quốc gia. Theo lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng thì đây không phải là điều chỉnh lại phổ điểm mà là trình bày lại cho chính xác để thí sinh dễ nhìn.

Hình dáng phổ điểm mới cũng vẫn có dạng đồ thị, không có gì thay đổi so với hình vẽ phổ điểm công bố ngày 23/7.

Trước đó, ngày 23/7, Bộ công bố phổ điểm môn Ngữ văn và môn Toán có số liệu bị dịch sang một hàng khiến thí sinh khó tra cứu, dễ gây hiểu lầm.

Nhiều ý kiến cho rằng, năm nay điểm bài thi không quy tròn, để đến mức 0,25 điểm, nên đồ thị cần thể hiện cả mức điểm 0,25 và 0,75, mức dưới điểm liệt (1 điểm) và cùng với đó là mức 8,25-8,75.

Việc thể hiện chi tiết này có thể giúp các thí sinh có căn cứ chính xác hơn khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng (trong xét tuyển ĐH, CĐ chỉ chênh nhau 0,5 điểm là đỗ/trượt).

Phổ điểm cũng là một cơ sở để các trường xây dựng phương án xét tuyển của mình và thí sinh có thể dựa một phần vào đó để nộp nguyện vọng xét tuyển.

Gần 40.000 điểm liệt môn Toán: ‘Tôi thấy choáng!’

Phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia được đánh giá đã phản ánh sát hơn việc dạy và học hiện nay song vẫn còn những bất ngờ, băn khoăn.

Ở môn Toán, theo thầy Trần Phương, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng (Hà Nội) phổ điểm năm nay phần nào phản ánh chất lượng dạy và học ở phổ thông. Đề thi mặc dù có những câu rất dễ và được ra “đảm bảo tính an toàn” nhưng vẫn gần 40000 bài thi đạt điểm dưới 1 là điểm liệt.

Riêng số thí sinh đạt điểm 10 chỉ 86 em và hơn 3000 em đạt từ 9 điểm trở lên là điều nằm trong dự đoán của thầy Trần Phương do đề thi năm nay có một số câu hỏi cực khó.

Còn theo thầy Đinh Hữu Lâm, tổ trưởng tổ Toán Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) phổ điểm môn Toán năm nay được đánh giá là khá đẹp.

Số thí sinh được điểm dưới 5 rất lớn, phổ điểm tập trung chủ yếu từ 5-7 điểm, số điểm từ 7-10 cũng ở mức độ giảm dần đều.

Tuy nhiên con số gần 40.000 bài thi đạt điểm liệt theo thầy Lâm là không hề nhỏ và đáng suy ngẫm về chất lượng dạy-học ở phổ thông hiện nay. “Toán học là môn cơ bản mà em nào cũng cần được trang bị. Với đề thi năm nay, việc đạt điểm 2 không có gì khó nếu thí sinh có đôi chút chú ý” – thầy Lâm phân tích. Theo thầy Lâm, nếu việc coi thi nghiêm túc hơn ở tất cả các cụm thi có lẽ số thí sinh này còn lớn hơn.

Thầy Hoàng Đức Đông, giáo viên Trường THPT Anh-xtanh (Hà Nội) nói bản thân thầy thấy choáng khi nghe đến con số này. “Gần 40.000 thí sinh tương đương với lượng người xếp đầy chỗ trống ở sân vận động Mỹ Đình. So sánh với gần 1 triệu thí sinh ở môn Toán có thể nhỏ nhưng đây là môn cơ bản, học sinh kém như vậy thì lo quá” – thầy Đông nêu ý kiến.

Tương tự, ở môn thi Vật lí, theo thầy Đào Tuấn Đạt, giáo viên Trường THPT Anh-xtanh: “Chỉ có thể kết luận là các em quá kém, không biết gì nhưng vẫn đi thi để tăng cơ hội hoặc cầu may mắn. Một số câu hỏi trong đề bài mang tính gỡ điểm, rõ như ban ngày nhưng điểm liệt ở môn này vẫn rất nhiều”

Ở môn Ngữ văn, theo cô Lan Anh, giáo viên Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết cô thật sự bất ngờ khi đề thi năm nay có những câu hỏi gần như “tặng điểm” mà thí sinh vẫn bị điểm liệt

* Kém vì đâu?

Theo lý giải của thầy Lâm: “Bên cạnh việc nhiều em học trung bình khá nhưng vẫn quyết đi thi ở cụm do các trường đại học tổ chức (thường việc coi thi nghiêm ngặt hơn) nên dẫn tới không làm được bài thì lí do quan trọng là các em đã mất gốc ngay từ tiểu học”.

Đồng ý với ý kiến này, thầy Đông bổ sung thêm: “Trường tiểu học đã vậy, lên THCS học sinh lại thiếu sự quan tâm gần gũi của nhà trường và phụ huynh nên kiến thức càng hổng. Nếu nhà trường, các lãnh đạo ngành giáo dục làm thật chặt khâu quản lí chất lượng giáo dục thì chắc chắn con số hàng chục ngàn bài thi điểm liệt sẽ không xảy ra”.

* Có nên duy trì thi để xét tốt nghiệp?

Điểm thấp nhưng nhờ điểm tổng kết cuối năm lớp 12 vẫn cao từ 7,0 đến 8,0 hoặc hơn nên không ít em chỉ cần 2 điểm/môn với cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT thì nhiều em đã đủ điều kiện. Thầy Đông, thầy Lâm, thầy Đạt và không ít ý kiến cho rằng như vậy không cần thiết duy trì kỳ thi THPT quốc gia trong đó có mục đích để xét tốt nghiệp THPT cho thí sinh.

“Nên làm chặt ở khâu quản lí, bàn giao chất lượng ở cơ sở. Cuối lớp 12 nếu thí sinh đủ điều kiện thì cấp giấy chứng nhận cho các em hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Sau đó thí sinh có thể chọn thi học lên tiếp hoặc rẽ hướng theo học nghề ngay” – thầy Lâm nêu quan điểm.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng: “Không thi học sinh sẽ càng không học. Nhưng việc thi để xét tốt nghiệp THPT nên bàn giao cho các sở GD-ĐT tự làm, tự ra đề sẽ nhẹ nhàng và giảm áp lực hơn cách làm hiện nay”.

Trong khi đó, thầy Trần Phương đặt vấn đề: “Đề thi như vậy mà thí sinh vẫn làm kém thì vẫn cần thiết duy trì kỳ thi để thí sinh có quyết tâm học tập”.

Kỳ thi THPT quốc gia: Khả năng phân loại tương đối tốt

Theo GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, kỳ thi THPT quốc gia 2015 về cơ bản đã có tính phân loại tốt. Tuy nhiên, cần có nhiều điều chỉnh để đạt được mục tiêu là một kỳ thi khách quan, công bằng, đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.

Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã phỏng vấn  GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng về kỳ thi này.

Ông đánh giá thế nào về mặt bằng chất lượng cũng như tính phân loại của kỳ thi năm nay so với công tác tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức 3 chung trước đây?

GS.TS Trần Văn Nam: Với kỳ thi 2 mục đích như kỳ thi THPT quốc gia, đề thi phải bảo đảm được việc đánh giá kiến thức phổ thông của học sinh, đồng thời phải bảo đảm được khả năng phân loại đối với các học sinh dùng kết quả thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Với yêu cầu như vậy, có thể nói hầu hết các môn có phổ điểm tương đối đạt được mục đích đề ra.

Tuy nhiên, do phải thực hiện đồng thời 2 mục đích nên tính phân loại của đề thi năm nay không rõ nét bằng đề thi ĐH, CĐ các năm trước.

Các môn Vật lí, Ngữ văn, Hóa học, Lịch sử, Địa lí có tính phân loại tốt, nhưng môn Toán và Ngoại ngữ thì kém hơn. Môn Toán là môn dành cho nhiều khối thi mà phổ điểm tập trung trải dài từ 1,5 đến 7,5, trong khi đó Ngoại ngữ lại lệch về điểm thấp. Ngay cả như điểm thi của cụm thi tại một đô thị lớn như Đà Nẵng mà điểm Ngoại ngữ cũng tập trung từ 1,75 đến 4,75.

Trong khi đó, Hóa học lại là môn có điểm khá cao. Do vậy, các trường xét khối A (Toán, Lý, Hóa) và A1 (Toán, Lý, Ngoại ngữ) có điểm tương đương như mọi năm sẽ gặp khó khăn.

Để cho kỳ thi hướng đến mục tiêu mong muốn, đáp ứng được kỳ vọng của ngời dân và xã hội, theo ông, Bộ GD&ĐT cần có những bổ sung, thay đổi gì?

GS.TS Trần Văn Nam: Tính nghiêm túc và công bằng của kỳ thi tập trung chủ yếu ở khâu coi thi, sau đó đến chấm thi và ra đề thi. Chúng ta đã thống nhất quy chế, cách tổ chức ở mọi khâu của kỳ thi nhưng lại phân ra cụm thi liên tỉnh và cụm thi địa phương, nên có thể dẫn đến những kết quả khác nhau. Do đó, cá nhân tôi cho rằng nên tổ chức thi thống nhất không phân ra thành 2 loại cụm thi.

Để giảm đi lại cho các học sinh các huyện xa, có thể mỗi tỉnh tổ chức một cụm thi và giao cho trường đại học trên địa bàn chủ trì. Nếu đại học ở tỉnh chưa có nhiều kinh nghiệm thì tăng cường thêm các đại học khác có kinh nghiệm hơn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Bộ cũng như giám sát chéo giữa các cụm thi để bảo đảm tính nghiêm túc và tạo sự công bằng cho thí sinh.

Ngoài ra, cũng cần có một đánh giá khách quan của xã hội về tỉ lệ tốt nghiệp THPT, tránh tình trạng chạy theo thành tích thì kỳ thi THPT quốc gia mới có thể tiến tới là một kỳ thi khách quan, công bằng cho thí sinh.

Trở lại vấn đề liên quan đến kỳ thi năm nay, theo ghi nhận, tình trạng nhiều thí sinh vẫn lúng túng trong vấn đề nộp đơn xin phúc khảo. Ông có thể cho biết tại cụm thi do ĐH Đà Nẵng chủ trì, tình trạng này ra sao?

GS.TS Trần Văn Nam: Thực hiện quy chế của kỳ thi THPT quốc gia, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã chủ động gửi hướng dẫn phúc khảo gửi đến Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, cũng như thông báo trên website của ĐHĐN về thời gian, địa điểm nộp đơn, mẫu đơn.

Sau khi nhận được mẫu đơn phúc khảo của Bộ GD&ĐT, ĐHĐN đã sử dụng mẫu đơn thống nhất của Bộ. Vì vậy, thí sinh ở cụm thi ĐHĐN không gặp khó khăn khi muốn làm đơn phúc khảo bài thi.

Đối với các thí sinh có nguyện vọng vào học các trường thành viên của ĐHĐN, cần theo dõi thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, nhất là trên website chính thức về tuyển sinh của ĐHĐN và các trường thành viên tại địa chỉ ts.udn.vn để kịp thời nắm bắt các thông tin mới nhất về tuyển sinh.

Tổng hợp