Xét tuyển bổ sung đìu hiu, trường lo thiếu chỉ tiêu

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến chiều 31-8, có gần 170 trường ĐH-CĐ còn thiếu chỉ tiêu và cần tuyển NV bổ sung.

Trong số này có 66 trường ĐH, học viện, gồm 28 trường đại học phía Nam và 38 trường phía Bắc. Số trường CĐ là 97 trường, gồm 44 trường phía Bắc và 53 trường phía Nam. Đó là chưa kể hơn 4.000 chỉ tiêu vào hệ dân sự các trường quân đội.

Với gần 170 trường, số chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung lên đến hàng trăm nghìn chỉ tiêu. Đa số các trường có điểm xét tuyển tương đối thấp, chỉ bằng điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định là 15 điểm với bậc ĐH, 12 điểm với bậc CĐ.

Ông Cao Quốc An, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Lâm nghiệp (Hà Nội), cho biết sau một nửa chặng đường tuyển bổ sung đợt một, trường mới nhận được khoảng 300 hồ sơ.

Theo ông An, số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ quá ít. Gần như không còn thí sinh. “Không rõ thí sinh đang ở đâu… Nếu như tính toán, còn lại ¼ số thí sinh chưa trúng tuyển thôi, mà 1 thí sinh được nộp ba trường thì tình trạng xét tuyển sẽ sôi động như lần 1. Nhưng tình trạng mấy ngày qua thậm chí còn đìu hiu hơn lần một, đây là vấn đề thực sự các trường lo” – ông An băn khoăn.

Còn theo GS-TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh công nghệ Hà Nội thì cho biết nhà trường mới nhận được 400 hồ sơ. “Hồ sơ đến rất ít, nguyên nhân thế nào không rõ” – ông Hóa đặt câu hỏi.

Theo ông Hóa, với tình trạng thí sinh đìu hiu như năm nay, trường chẳng biết cách nào, chỉ còn cách duy nhất là chờ đợi. “Nếu thí sinh không đến thì chúng tôi sẽ phải sa thải bớt giáo viên” – ông Hóa buồn rầu nói.

Cũng trong tình trạng đìu hiu, ông Phạm Ngọc Ánh, Phó giám đốc Học viện Tài chính Ngân hàng, cho biết mỗi ngày trường nhận 50 hồ sơ, đến nay trường nhận khoảng 300 hồ sơ. “Tuy nhiên số đấy chắc đến được 1/3 thí sinh vì đợt này các em có 3 nguyện vọng nộp vào 3 trường, xác suất đến trường chúng tôi chỉ 1/3 trong đó thôi” – ông Anh nói.

Ông Anh cũng cho rằng khó đạt được chỉ tiêu đăng ký cho đến đợt xét tuyển cuối cùng, nếu nhiều sẽ đạt 80% chỉ tiêu.

Xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Điểm cao vẫn có thể trượt

Hiện nhiều thí sinh đang làm hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung, nhiều chuyên gia giáo dục khuyến cáo thí sinh cần cân nhắc kỹ khi chọn ngành, chọn trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nhiều thí sinh đã chọn được trường để xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trải qua mấy ngày vừa qua có thể thấy việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung không còn căng thẳng như xét tuyển nguyện vọng 1.

Ông Trịnh Minh Thụ, Trưởng Phòng Đào tạo Đại học Thủy Lợi Hà Nội cho biết: Hầu hết các trường top đầu và top giữa đều đã tuyển đủ chỉ tiêu nên việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung chủ yếu tập trung vào các trường top dưới, các trường ngoài công lập và một số ngành không “hot” ở các trường top giữa. Trong khi đó, chỉ tiêu ở các trường  này rất dồi dào, đa số các trường đều nhận hồ sơ xét tuyển bằng mức điểm sàn của Bộ Giáo dục- Đào tạo là 15 điểm.

Thí sinh Lê Ngọc Hải (Thanh Hóa) đăng ký xét tuyển vào 3 trường Học viện Kỹ thuật quân sự, Đại học Điện lực, Đại học Mỏ- Địa chất cho biết: "Do đợt xét tuyển này thí sinh được đăng ký xét tuyển vào 3 trường như vậy cơ hội đỗ vào trường đại học cũng cao hơn nên em cũng không lo lắng như nguyện vọng 1".

Bác Nguyễn Thị Hương (Thanh Hóa) đang cùng con làm hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào trường Đại học Điện lực chia sẻ: "Đưa cháu đi đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 cũng bớt lo lắng hơn ở nguyện vọng 1, vì được lựa chọn 3 trường để xét tuyển. Hơn nữa, chúng tôi cũng không phải theo dõi xem cháu xếp hạng thứ bao nhiêu của trường để rút hồ sơ từ trường này nộp sang trường khác nữa".

Hiện có rất nhiều thí sinh đạt mức điểm từ 20 trở lên làm hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Ông Phạm Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Học viện Tài chính Ngân hàng khuyến cáo: "Có nhiều em mức điểm 21, 22, 23 nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại trường. Do điểm cao nên các em vẫn đang tính toán chọn trường, chọn ngành và nếu tính toán không cẩn thận các em vẫn có thể tiếp tục bị trượt ở nguyện vọng bổ sung".

Ông Trịnh Minh Thụ, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Thủy Lợi Hà Nội cho rằng: “Với các thí sinh có điểm cao khoảng trên 20 điểm nhưng trượt ở các trường top đầu và top giữa, cửa để trúng tuyển nguyện vọng bổ sung là vô cùng rộng mở.

Tuy nhiên, những thí sinh có mức điểm 15-16 cần phải tính toán thật kỹ mới có cơ hội trúng tuyển vào các ngành phù hợp. Bởi số lượng thí sinh đạt mức điểm này rất nhiều trong khi chỉ tiêu tuyển sinh 2015 của một số ngành có hạn".

Ông Trịnh Minh Thụ khuyến cáo thí sinh: Bên cạnh việc cân nhắc điểm số để chọn trường và chọn ngành phù hợp, thí sinh cũng cần chú ý thêm đến vấn đề hướng nghiệp. Hiện nay, có nhiều ngành không "hot" nhưng dễ tìm việc làm khi tốt nghiệp. Nếu vào học các ngành này, thí sinh sẽ không phải lo tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường.

Sinh viên nhập học bằng cách quét mã vạch 3D

Khi hoàn thành đăng ký online trên website của ĐH Kinh tế - Luật, thí sinh mang giấy báo nhập học có kèm mã vạch 3D đến trường để xác nhận thông tin một cách nhanh chóng.

Hình thức nhập học online được một số trường đại học thí điểm trong vài năm gần đây nhằm cập nhật dữ liệu nhập học của tân sinh viên và rút ngắn thời gian nộp hồ sơ trong ngày nhập học chính thức. Đồng thời, việc này cũng giúp cho trường nắm được lượng thí sinh nhập học để dự kiến khối lượng công việc của mình.

Năm 2014, Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM) đã thí điểm nhập học online và ghi nhận có tới 80% lượng thí sinh sử dụng hình thức này.

Ông Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế - Luật cho biết, do thí sinh đã nhập học online từ trước, nên việc xác nhận thông tin của các em trong ngày nhập học chính thức sẽ đơn giản như quét mã vạch hàng hóa ở siêu thị.

"Trước đây, nhân viên thu hồ sơ nhập học sẽ phải kiểm tra thông tin, nhập dữ liệu cho thí sinh và làm giấy biên nhận. Với số lượng hàng ngàn thí sinh nhập học, việc này sẽ rất mất thời gian" ông Dương chia sẻ.

Trước khi thông báo nhập học online, Đại học Kinh tế - Luật đã hoàn tất gửi giấy báo trúng tuyển và gọi nhập học qua đường bưu điện. Tài khoản đăng ký nhập học online sẽ được cung cấp ngay trên giấy báo nhập học của thí sinh.

Với hệ thống mạng có thể tải được từ 1.500 đến 2.000 lượt truy cập cùng lúc, nhà trường cho biết, tình trạng thí sinh đăng ký nghẽn mạng sẽ không xảy ra.

Việc đăng ký nhập học online bắt buộc với tất cả thí sinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, do thí sinh hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện truy cập Internet, trường sẽ bố trí hệ thống máy tính giúp thí sinh làm thủ tục ngay tại trường.

Ngoài việc đăng ký online, thí sinh cũng phải nộp một số giấy tờ theo yêu cầu như giấy báo nhập học bản chính, bản sao bằng tốt nghiệp, bản sao học bạ... Đồng thời, các em cũng phải in phiếu thông tin sinh viên (có trên website của trường, người học tải file về dạng .pdf và in ra), điền thông tin theo quy định.

Bên cạnh Đại học Kinh tế - Luật, một số trường khác cũng áp dụng nhập học online trong năm nay như Đại học Bách Khoa TP HCM, Đại Học Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP HCM).

Sáu thí sinh bị cộng nhầm điểm ưu tiên

Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên, cho biết trưa 31-8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã trực tiếp điện thoại cho giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên thông báo cho phép các thí sinh (TS) ở tỉnh này bị rớt nguyện vọng 1 (NV1) do cộng nhầm điểm ưu tiên được đăng ký lại NV1.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Luận, ngay trong chiều cùng ngày, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên đã tổ chức họp với TS, phụ huynh của sáu trường hợp từ trúng tuyển thành rớt NV1 do cộng nhầm điểm ưu tiên. Theo đó, sáng 1-9, những TS này sẽ nộp hồ sơ đăng ký lại NV1 với điểm thực của mình vào các ngành, trường phù hợp để Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên gửi gấp về Bộ GD&ĐT; sau đó Bộ sẽ can thiệp với các trường ĐH có những TS này đăng ký để xét tuyển lại NV1 đối với các em. “Hiện nay các em đã biết điểm chuẩn của tất cả trường ĐH, CĐ rồi nên với số điểm thực hiện có của mình, các em đăng ký vào ngay ngành, trường có điểm chuẩn phù hợp thì chắc chắn sẽ đậu ngay thôi!”- ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, qua rà soát, trong 20 TS của Trường THPT Nguyễn Huệ bị cộng nhầm điểm ưu tiên, chỉ có sáu trường hợp từ trúng tuyển thành rớt NV1 ĐH sau khi được phát hiện. Phần lớn những TS còn lại đã tự phát hiện Trường THPT Nguyễn Huệ nhập sai đối tượng nên các em đăng ký NV1 đúng với điểm thực của mình và không bị ảnh hưởng.

Như  đã thông tin, trong đợt làm thủ tục cho TS đăng ký xét tuyển NV1 vào các trường ĐH, CĐ, Trường THPT Nguyễn Huệ đã cộng nhầm điểm ưu tiên đối với 20 TS từ 1,5 điểm thành 3,5 điểm. Sau khi phát hiện sai sót, có sáu TS từ trúng tuyển trở thành rớt.

Đại học FPT xét tuyển nguyện vọng bổ sung

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, Trường Đại học FPT tiếp tục xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2) từ 26/08 đến hết ngày 07/09 và công bố danh sách trúng tuyển nguyện vọng bổ sung này trước ngày 10/09.

Khác với đợt xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1), trong các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, sau khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng và không được rút hồ sơ để chuyển sang trường khác.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh và thí sinh sẽ không phải lo lắng về việc cân nhắc nộp nguyện vọng bổ sung vào các trường bởi với Đại học FPT, nhà trường sẽ tuyển thẳng các thí sinh tốt nghiệp THPT và có tổng điểm 3 môn đạt từ 21 điểm trở lên (bao gồm điểm ưu tiên) trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015 theo tổ hợp các môn xét tuyển của ngành đăng ký học tại trường.

Các thí sinh dưới 21 điểm cần vượt qua kỳ thi tuyển sinh riêng của trường để đủ điều kiện xét tuyển nguyện vọng 2 vào Đại học FPT. Kỳ thi tuyển sinh đợt 3 sẽ diễn ra vào ngày 6/9.

- Thí sinh tham gia kỳ thi cần nộp hồ sơ Đăng ký dự thi trước ngày 3/9.

- Kỳ thi tuyển sinh đợt 3 của Đại học FPT sẽ diễn ra vào ngày 6/9.

- Danh sách thí sinh đủ điều kiện xét tuyển nguyện vọng 2 được nhà trường cập nhật thường xuyên trên website của trường tại đây.

Năm 2015, trường Đại học FPT tuyển sinh 1600 chỉ tiêu cho 4 khối ngành: CNTT, Kinh tế, Ngôn ngữ và Mỹ thuật. Trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1), trường đã tuyển 926 thí sinh. Hiện trường chỉ còn hơn 600 chỉ tiêu xét tuyển Nguyện vọng 2 cho cả 4 khối ngành.

Để chính thức trở thành sinh viên Đại học FPT, thí sinh cần đạt các điều kiện:
- Tốt nghiệp THPT.

- Đạt từ 15 điểm trở lên các tổ hợp môn theo từng ngành do Đại học FPT công bố. Thông tin chi tiết ngành học và tổ hợp môn xét tuyển, xem chi tiết tại đây.

- Trúng tuyển các kỳ thi tuyển sinh của Đại học FPT.

Thí sinh thuộc một trong các đối tượng sau được tuyển thẳng vào Đại học FPT

- Thí sinh thuộc diện tuyển thẳng vào Đại học theo quy định về tuyển thẳng của Bộ Giáo dục và đào tạo năm 2015.

- Thí sinh tốt nghiệp THPT, có tổng điểm 3 môn đạt từ 21 điểm trở lên (đã tính điểm ưu tiên) trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015 theo tổ hợp các môn xét tuyển của ngành đăng ký học tại Trường Đại học FPT.

Tổng hợp