Điểm tiếng Anh thấp: Liệu có học được đại học?

Số liệu này không chỉ làm cho những người công tác trong ngành giáo dục lo lắng mà cả phía học sinh và phụ huynh bắt đầu cảm giác ‘tính có vấn đề’ trong công tác giảng dạy ngoại ngữ hiện nay tại các trường trong bậc học phổ thông. Trong khi đó kỹ năng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của các em sinh viên trong thời kỳ hội nhập. Vậy khi điểm thi tiếng Anh quá thấp: liệu có học được đại học?

Là người công tác trong ngành giáo dục và tham gia giảng dạy tiếng Anh ở nhiều bậc học trong đó có giảng dạy đại học trong hơn 10 năm, tôi cho rằng mối nghi ngờ trên là hoàn toàn có cơ sở vì “thế hệ sản phẩm” mà  chúng ta tạo ra khó có khả năng hội nhập khi các ràng buộc TPP bắt đầu hiệu lực từ năm 2018. Phải hiểu rằng TPP không phải là những tuyên bố suông mà là những cam kết có ràng buộc, trong đó không chỉ mở cửa cho lĩnh vực thương mại mà cả những vấn đề phi thương mại như chất lượng lao động, môi trường,…Khi đó liệu nguồn nhân lực qua đào tạo từ thế hệ sinh viên nhập học hôm nay có đáp ứng được các yêu cầu của thị trường thương mại tự do của TPP?

Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề trong một Hội thảo Ứng dụng Công nghệ thông tin trong dạy học Ngoại ngữ tại trường đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh thì PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Phó Hiệu trưởng trường đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh có chia sẻ:”Khả năng ngoại ngữ của sinh viên sau khi ra trường hiện nay là mối quan tâm hàng đầu trong công tác đào tạo của Nhà trường. Cụ thể, ngoài việc Trường đã có những quy định về chuẩn đầu ra của tiếng Anh và tin học theo chuẩn quốc tế cho tất cả các hệ đào tạo và công bố đến sinh viên ngay khi từ đầu khóa học để các em sinh viên có sự chuẩn bị. Bên cạnh đó, Trường hiện đang áp dụng Chương trình Blended Learning kết hợp giữa đào tạo truyền thống và trực tuyến nhằm giúp các em có cơ hội thực hành nói và viết trực tuyến với giáo viên bản ngữ nhiều hơn, hiệu quả hơn”.

Thực tế qua tìm hiểu trong chương trình đào tạo của trường đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh thì sinh viên khi học thực hành trực tuyến phải có điểm số từ 4.0 trở lên mới được tính điểm nếu không sẽ quy điểm đó là 0. Do đó, nếu sinh viên không chịu nỗ lực thì nhiều khả năng phải học lại học phần này. Điều này làm cho sinh viên của trường có thái độ nghiêm túc hơn trong thực hành nói và viết tiếng Anh hơn là học qua bài tâp trong sách. Môi trường học tập trực tuyến giúp các em sinh viên có thể học tập bất cứ lúc nào, bất cứ địa điểm nào.

Tăng cường Tiếng Anh … như ngôn ngữ thứ hai.

Để giúp sinh viên có môi trường thực hành Tiếng Anh cách hay nhất là các trường cao đẳng, đại học  phải tạo ra môi trường nói tiếng Anh ngay chính trong giao tiếp hàng ngày của đơn vị mình. Đối với một số khoa, bộ môn đặc thù mà công việc của các em sau này sử dụng nhiều Tiếng Anh như ngành Ngôn ngữ Anh, Du lịch lữ hành, Quản trị kinh doanh, Biênphiên dịch, Quản trị du lịch, Tài chính, Công nghệ thông tin, các khoa thực hiện các chương trình đào tạo quốc tế hay liên kết quốc tế,… phải có quy định ràng buộc tăng cường giao tiếp tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong quy trình đào tạo thì may ra sinh viên mới có môi trường rèn luyện, học tập Tiếng Anh theo một cách đúng nghĩa.

Về vấn đề này theo PGS. TS Nguyễn Xuân Hoàn – Phó Hiệu trường trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM thì bước đầu khi chưa chuẩn hóa bộ phận phục vụ đào tạo giao tiếp bằng tiếng Anh thì có thể thuê nhân sự nước ngoài tiếp sinh viên như là một phương án mà các trường nên nghiên cứu, tiếp cận vì đây là bước đệm cần thiết giúp sinh viên làm quen với môi trường làm việc quốc tế, và đồng thời tăng cường đội ngũ giảng viên dạy tiếng Anh là người nước ngoài để tạo môi trường cho sinh viên và giảng viên giao tiếp thuận lợi.

Sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai đối với một số khoa, phòng ban đặc thù trước hết giúp các em sinh viên sau khi nhập học hiểu được tầm quan trọng của việc học Tiếng Anh và tính cần thiết của ngôn ngữ này đối với công việc học tập sắp tới của các em. Từ đó, góp phần thay đổi tư duy vốn dĩ ngại nghe – nói của các em ở bậc học phổ thông!

Không nên coi tiếng Anh…là một môn học hay chứng chỉ!?

Nếu coi tiếng Anh như là một môn học trong bậc đại học là chúng ta đang đánh giá tiếng Anh trên giấy như các bậc học phổ thông hiện nay đang vướng phải. Hơn hết phải cho sinh viên nhận thấy môn tiếng Anh là kĩ năng ngôn ngữ, kĩ năng mềm, đồng thời là kĩ năng nghiên cứu. Tích hợp tiếng Anh trong các môn học khác hay sử dụng giáo trình nước ngoài thay cho giáo trình tiếng Việt là một giải pháp tốt mà hiện nay các trường đang tiến tới, có như vậy việc nghiên cứu và sử dụng tiếng Anh của sinh viên gắn với kiến thức chuyên môn và nghề nghiệp sau khi ra trường có giá trị thực tiễn hơn là điểm số của môn tiếng Anh trong bảng điểm.

Như vậy phụ thuộc vào cách tiếp cận và hỗ trợ của các trường cao đẳng, đại học nơi các em đăng kí nộp hồ sơ thì dù các em dù đạt điểm thấp trong kì thi THPT vừa qua vẫn có thể tận hưởng được môi trường học tập mà tiếng Anh được chú trọng và phát triển theo một cách đúng hướng, hơn là việc tiếp tục ‘dạy lại’ những kiến thức tiếng Anh mà các em đã không học được hoặc không chịu học ở bậc phổ thông thêm 3,4 năm nữa.

 

Theo Tiền phong