Chỉ một điểm sàn đại học

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, lãnh đạo bộ này đang cân nhắc phương án chỉ đưa ra một điểm sàn, nhưng theo hướng tiếp cận mới.

Ông Ga cho biết, cách tiếp cận xây dựng điểm sàn lâu nay dựa vào tổng chỉ tiêu. Trên cơ sở tổng chỉ tiêu, phán đoán số lượng thí sinh ảo và khả năng dịch chuyển thí sinh giữa các vùng miền, hội đồng xét điểm sàn của Bộ đề xuất một tỷ lệ dư dôi nhất định. Các yếu tố ưu tiên khu vực và vùng miền đã được quy định trong quy chế tuyển sinh.

Tuy nhiên, những năm gần đây, sự dịch chuyển của thí sinh giữa các khu vực, đặc biệt là từ các thành phố lớn về các trường địa phương ngày càng ít đi. Vì vậy, mặc dù số lượng thí sinh đạt điểm trên sàn lớn hơn nhiều so với tổng chỉ tiêu nhưng nhiều trường vẫn gặp khó khăn trong nguồn tuyển.

“Có nhiều ý kiến của các trường, nhất là các trường công lập, đề nghị giữ nguyên điểm sàn như hiện nay hoặc thậm chí tăng lên để đảm bảo chất lượng. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, những thí sinh đạt điểm dưới điểm sàn xác định lâu nay một hoặc hai điểm vẫn có khả năng học tốt ở bậc đại học. Vậy đâu là ngưỡng tối thiểu để đảm bảo thí sinh có thể học được ở bậc đại học? Đó là vấn đề cần được nghiên cứu xác định điểm sàn theo phương án mới”, ông Bùi Văn Ga nói.

Theo ông Ga, từ mùa tuyển sinh năm nay, Bộ dự kiến đưa ra hướng tiếp cận mới khi xác định điểm sàn là dựa vào năng lực tối thiểu mà thí sinh có thể học đại học thể hiện qua kết quả thi “3 chung”. “Có thể gọi đó là ngưỡng tối thiểu để học sinh có thể học đại học được.

Thực trạng giáo dục Việt Nam loanh quanh với điểm sàn

Có quá nhiều nghịch lý khi nói về giáo dục đại học nước nhà. Mong ước sẽ có một trường ĐH Việt Nam nằm trong tốp các trường ĐH hàng đầu thế giới. Hiện nay, khi mốc thời gian không còn nhiều nữa, vẫn chưa thấy một chiến lược nào cụ thể, rõ ràng để đạt mục tiêu. Chỉ thấy điều quan tâm nhất của ĐH nước ta hiện nay xoay quanh điểm sàn!

Điểm sàn, hiểu nôm na là ngưỡng tối thiểu để thí sinh đủ điều kiện vào ĐH, CĐ. Đây không phải là vấn đề quá lớn lao nhưng lại là điều quan tâm của phần lớn các trường ĐH, vì mối bận tâm hàng đầu của các trường hiện nay là làm sao có đủ người học. Nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên có một; có ý kiến 2 hoặc nhiều điểm sàn. Thậm chí có người còn đề nghị bỏ hẳn điểm sàn, mở rộng đầu vào, siết đầu ra…

Vấn đề ở đây chính là chất lượng. Điểm sàn đặt ra là để chọn lọc những người có đủ điều kiện vào ĐH, phân luồng học sinh vào các bậc học khác theo đúng thực lực của họ. Vì thế, không lý do gì có cả “điểm sàn dưới” để lấy cho bằng được người điểm thấp vào ĐH. Những trường ĐH nếu phải lấy sinh viên theo điểm sàn này (phần lớn sẽ là các trường ngoài công lập) chắc chắn gặp khó khăn khi đối diện với đánh giá của xã hội. Hiện nay, với cùng một điểm sàn mà nhiều đơn vị tuyển dụng còn từ chối sinh viên tốt nghiệp từ các trường ngoài công lập, huống chi nếu các trường này nhận đầu vào bằng “điểm sàn dưới”.

Còn nếu bỏ hẳn điểm sàn với quan điểm chỉ cần siết chặt đầu ra liệu có phù hợp với tình hình của VN hiện nay? Nhiều nước có nền giáo dục phát triển không sử dụng điểm sàn là một việc làm phù hợp với tính tự chủ của các trường. Thế nhưng, hệ thống giáo dục của họ được kiểm định chất lượng và phân tầng chất lượng một cách rõ ràng. Người ta sẽ đảm bảo chất lượng sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Nhưng với tình trạng của nước ta hiện nay, chưa có một cơ sở nào đảm bảo tất cả các trường sẽ thực hiện điều này.

Phần lớn các trường ĐH ở VN đang thiếu cả đội ngũ giảng dạy và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Tình trạng dạy và học theo kiểu “đại học dạy đại học” vẫn còn diễn ra. Trong nhiều năm qua, điểm đầu vào của rất nhiều trường ngoài công lập là rất thấp. Nếu bỏ điểm sàn thì các trường này sẽ đào tạo như thế nào với những thí sinh đầu vào chỉ đạt 3 điểm/môn là đậu ĐH? Liệu sau này nguồn nhân lực nước nhà sẽ ra sao? Hiện có không ít sinh viên tốt nghiệp ĐH ra để làm công nhân. Và cũng có sinh viên học mãi vẫn không ra trường được vì quá yếu kém!

Thực tế hiện nay đã tồn tại nhiều loại điểm sàn. Ngoài điểm sàn chung, còn có các loại “điểm sàn” tùy theo khu vực, đối tượng ưu tiên. Thế cho nên, có lẽ khi chưa tiến đến chuyện phân tầng ĐH (một việc rất nên làm), thì hãy xem mức điểm sàn như hiện nay là quá thấp rồi, không thể hạ xuống nữa để ít ra cũng để đảm bảo chất lượng ở một ngưỡng có thể chấp nhận được.

Thay vì đại diện các trường và nhà quản lý cùng chung tay đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH nước nhà, đằng này lại tập trung quan tâm hết sức nhỏ nhặt (cốt để tuyển đủ người học). Điều này có nghịch lý và đáng buồn quá không?

Tất nhiên, không nên xem lọt vào bảng xếp hạng các trường ĐH trên thế giới hay khu vực là điều quá quan trọng vì còn nhiều việc quan trọng hơn phải làm, như một số ý kiến. Thế nhưng, giáo dục ĐH chúng ta hiện nay có điều gì hãnh diện để so sánh với thế giới?

Trong khi chúng ta vẫn loay hoay với điểm sàn hay không sàn, tuyển sinh theo hướng nào… thì những nước bên cạnh như Thái Lan hay Malaysia ngày nào cùng xuất phát điểm mà nay đã đi quá xa so với ta.

 

Bạn cần biết thêm thông tin:


Phương án 2 điểm sàn không khả thi

Điểm sàn đại học từ năm 2008 trở lại đây

 

Kenhtuyensinh

Theo: Thanhnien - Tienphong