Đâu là chuẩn cho điểm sàn năm 2013?
Điểm sàn là mức điểm tối thiểu học sinh phải đạt được để có thể học ĐH và CĐ. Nguyên tắc đầu tiên xử lý điểm sàn là như vậy. Cho nên khi thực hiện kỳ thi “3 chung” như hiện nay, Bộ GD&ĐT cần phải quyết định một mức điểm sàn làm sao đảm bảo được những điều kiện đầu tiên như thế, trên cơ sở không để thiếu hụt nguồn tuyển cho các trường.
Tuy nhiên chất lượng và nguồn tuyển luôn mâu thuẫn nhau, giảm quy mô (điểm sàn tăng) thì chất lượng tăng lên, còn tăng quy mô thì chất lượng đầu vào sẽ thấp (điểm sàn hạ). Cho nên nhiệm vụ xây dựng điểm sàn là phải đảm bảo chất lượng đầu vào tốt, đồng thời đảm bảo nguồn tuyển cho các trường. Vì thế, mỗi một kỳ thi “3 chung” như thế này Bộ GD&ĐT phải làm sao xác định được ngưỡng mà thí sinh có thể vào học ĐH, CĐ được.
Trước đây, xác định điểm sàn dựa trên chỉ tiêu, khả năng dịch chuyển của thí sinh từ vùng này sang vùng kia, đồng thời phán đoán hệ số thí sinh ảo. Tuy nhiên, việc dự báo 2 thông số sau (thí sinh ảo, việc dịch chuyển vùng này sang vùng khác) là không thật chắc chắn và chính xác. Ví dụ, thí sinh ở TP HCM dịch chuyển về khu vực ĐBSCL thật sự khó để chúng ta biết cụ thể là có bao nhiêu em; hay các em không đậu ở khu vực Hà Nội nhưng lại lên vùng Tây Bắc để học thì cũng khó mà nắm được. Vì vậy, cách tính lâu nay, dựa vào sự dịch chuyển trên thông số 1,3 lần, 1,5 lần hay thậm chí là gấp 2,3 lần, đã không còn phù hợp với thực tiễn.
Chính vì vậy, nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT là phải làm sao xác định và đưa ra một mức điểm sàn khoa học và đơn giản nhất, làm sao để xã hội có thể chấp nhận được khi chất lượng đào tạo không bị giảm sút, trong khi nguồn tuyển của các trường vẫn đảm bảo. Do đó, việc tính điểm sàn có thể được căn cứ trên kết quả điểm thi của thí sinh, kết quả này phụ thuộc vào đề thi. Ví dụ đề thi khó, số lượng thí sinh làm bài tốt sẽ ít đi, đề dễ thì số lượng các em làm bài tốt sẽ nhiều hơn. Vì vậy, việc xây dựng điểm sàn đại học cần phải phân tích trên kết quả thi của thí sinh qua phổ điểm từng môn, trên cơ sở ấy xác định ngưỡng thế nào để các em có thể học đại học được. Cụ thể, sau khi có phổ điểm được công bố, có thể tính được điểm trung bình của các thí sinh. Ví dụ có 100 ngàn thí sinh thi điểm trung bình môn Toán là mấy điểm, môn Lý, môn Hóa là mấy điểm, từ đó các chuyên gia dựa vào đấy để xác định ngưỡng tối thiểu.
Gợi ý hay về xây dựng điểm sàn đại học
Việc xây dựng điểm sàn có thể căn cứ và dựa vào điểm số mà đa số các em đạt được từng môn, hay còn gọi là đỉnh của phổ điểm. Ví dụ, số thí sinh đạt điểm thi môn Toán 4,5 điểm là nhiều nhất, môn Lý 6 điểm là nhiều nhất, môn Hóa 5 điểm là nhiều nhất thì sẽ lấy điểm 3 môn đó cộng lại, làm ngưỡng để xây dựng điểm sàn. Phương án xây dựng điểm sàn trên khoa học, đơn giản, sát với thực tế. Bởi việc xây dựng điểm sàn dựa trên phổ điểm của thí sinh, chứ không tính đến hệ số thí sinh ảo, hệ số dịch chuyển của thí sinh. Do đó, khi có kết quả điểm thi của thí sinh, sẽ không cần hội đồng điểm sàn nữa. Bởi cứ theo quy định như thế và điểm ra như thế nào thì các chuyên gia xác định ngay trên cơ sở đó. Có nghĩa là năm nào đề dễ thì điểm sàn sẽ cao, đề khó thì điểm sàn sẽ thấp, và rõ ràng khi đưa mọi việc vào một nguyên tắc chung như vậy, cả xã hội ai cũng có thể tính được điểm sàn mà không cần phải có hội đồng điểm sàn ngồi họp bàn, tính toán như trước nữa.
Nguyên tắc xây dựng điểm sàn đó sẽ khoa học, đơn giản nhất và xã hội có thể chấp nhận, đồng thời ai cũng có thể kiểm tra được mức điểm sàn vì mọi thứ sẽ không phức tạp như trước đây.
Bạn muốn biết thêm thông tin về:
Điểm sàn đại học từ năm 2008 trở lại đây
Tin bài gốc: Giáo Dục & Thời Đại
Kenhtuyensinh
Theo: Giáo Dục & Thời Đại