Điểm chuẩn sẽ tăng hay giảm?Thí sinh tại Hà Nội trong giờ thi môn lịch sử. ẢNH: NGỌC THẮNG

Thí sinh nhiều cơ hội hơn


Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nói: “Năm nay đề thi có sự phân hóa tốt hơn, điều này sẽ giúp phân loại trình độ thí sinh (TS) tốt hơn. Nếu năm ngoái phổ điểm bài thi tập trung ở mức 6 - 7, năm nay sẽ rải đều ra nhiều mức khác nhau”.

Còn tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhìn nhận, việc đề phân hóa tốt hơn sẽ giúp TS và trường xét tuyển dễ dàng hơn. Việc quá nhiều TS tập trung vào một khoảng điểm như năm ngoái khiến các trường khó khăn trong xét tuyển 2016. Nhiều trường phải sử dụng tiêu chí phụ, thậm chí 2 - 3 tiêu chí khác nhau mới tuyển được TS.

Ông Thông cho rằng việc đề phân hóa tốt hơn sẽ không tác động đến điểm chuẩn xét tuyển các trường. “Điểm chuẩn các trường chỉ bị tác động bởi phổ điểm cao hoặc thấp của TS (trong trường hợp chỉ tiêu không đổi). Năm nay một yếu tố có thể tác động đến điểm chuẩn có thể là ít TS dự thi hơn năm ngoái, con số này giảm tới gần 20%. Trong khi chỉ tiêu tuyển không đổi thì cơ hội trúng tuyển của TS sẽ cao hơn”, tiến sĩ Thông nói.

Tăng giảm tùy ngành


Các trường đưa ra dự kiến điểm chuẩn đại học 2016 theo đặc thù từng trường. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, dự đoán điểm chuẩn của trường sẽ tiếp tục tăng so với năm ngoái. Tiến sĩ Lý nói: “Với định hướng nâng cao chất lượng đầu vào, điểm chuẩn của trường những năm gần đây năm sau luôn cao hơn năm trước với mức tăng từ 1 - 6 điểm tùy ngành”.

Ông Lý cho biết điểm sàn nhận hồ sơ năm nay sẽ không thấp hơn mức này. Tuy nhiên điểm chuẩn từng ngành có thể thay đổi do việc điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh. So với năm ngoái, chỉ tiêu năm nay chỉ giảm 100 nhưng khác nhau ở từng ngành. Trong đó, trường tăng chỉ tiêu các ngành khối công nghệ và giảm chỉ tiêu ngành sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, các ngành thuộc 2 phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận.

Trong khi đó theo nhận định từ lãnh đạo và cán bộ đào tạo của nhiều trường ĐH khác, điểm chuẩn năm nay vào các trường về cơ bản sẽ không tăng so với năm trước. Một số ngành khối A có khả năng giảm do đề thi được đánh giá là khó hơn so với năm 2015. “Chỉ có thể dự đoán điểm trúng tuyển ở mức tương đối sau khi công tác chấm thi hoàn tất”, tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhận định.

Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ cho biết năm nay mức độ khó của đề thi không khác nhiều so với năm ngoái trong khi chỉ tiêu và tổ hợp môn xét tuyển của trường không đổi, khả năng điểm chuẩn trung bình sẽ dao động từ 21 - 22 điểm (năm ngoái là 21,75 điểm). Tuy nhiên, ở từng ngành mức điểm chuẩn sẽ có sự khác biệt nhưng cũng sẽ không thay đổi nhiều so với năm ngoái. Năm 2015, khối ngành kinh tế - kinh doanh - quản lý điểm chuẩn 21,75; ngôn ngữ Anh 22,31 và luật kinh tế 21,69.

Ông Sĩ phân tích thêm: “Năm nay TS đã quen với dạng đề tự luận của môn tiếng Anh, phổ điểm thi tốt nghiệp 2016 môn này có thể cao hơn năm ngoái. Tuy nhiên đề thi môn toán được đánh giá tương đối khó nên điểm chuẩn tổ hợp toán - văn - tiếng Anh khả năng vẫn không cao hơn”.

PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết năm nay trường xét 2.700 chỉ tiêu, bằng mức năm ngoái với tổ hợp xét tuyển không đổi. Vì vậy khả năng điểm chuẩn các ngành của trường sẽ khó tăng. Năm 2015 một số ngành khối kinh tế điểm chuẩn ở mức 19 - 20 (điểm 3 môn), trong khi ngành có điểm chuẩn thấp nhất thuộc khối kỹ thuật chỉ cao hơn điểm sàn của Bộ. Ông Hướng lưu ý, năm nay trường bỏ việc nhân hệ số môn chính khi xác định điểm chuẩn cho tất cả khối ngành, thay vì nhân hệ số 2 môn toán cho các ngành kỹ thuật như năm ngoái. Dù không tác động đến sự thay đổi điểm chuẩn nhưng TS có điểm môn toán cao hơn sẽ bớt lợi thế hơn so với cách tính có nhân hệ số.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Các ngành sư phạm và ngoài sư phạm có các môn chính như toán, văn, lý, hóa, ngoại ngữ, sử, sinh… sẽ tiếp tục nhân hệ số môn chính”. Tiến sĩ Mỵ Giang Sơn cũng cho biết những ngành sư phạm như toán, lý, hóa, văn, sử của Trường ĐH Sài Gòn môn chính sẽ nhân hệ số 2.

Tránh sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh

Làm việc tại Đà Nẵng sáng 4.7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, cho biết để hạn chế tình trạng quá tải đường truyền khi công bố kết quả thi, Bộ đã làm việc với Bộ Thông tin - Truyền thông và chỉ đạo các địa phương làm việc với những đơn vị cung cấp đường truyền để TS coi điểm được thuận lợi.
Trước đó, khi kiểm tra công tác tổ chức thi tại tỉnh Ninh Thuận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng khâu vận chuyển bài thi từ các tỉnh về trường ĐH, tổ chức làm phách rồi chấm thi đòi hỏi rất cao sự an toàn. Ông Nhạ yêu cầu tuyệt đối tránh việc nhầm lẫn, sai sót, ảnh hưởng tới quyền lợi trực tiếp của TS và chất lượng kỳ thi nói chung.


Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/diem-chuan-se-tang-hay-giam-720068.html