Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng Phòng đào tạo, Đại học Luật TP.HCM cho biết trong kỳ tuyển sinh 2021, một số ngành thế mạnh của trường có thể sẽ tăng mạnh.
Ngày 9/9, báo Người Lao Động tổ chức chương trình toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Dự báo điểm chuẩn và chuẩn bị nhập học” để giải đáp các thắc mắc của thí sinh về vấn đề tuyển sinh năm học 2021.
Trước câu hỏi về dự báo và đánh giá điểm chuẩn nhóm ngành Luật, thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng Phòng đào tạo, Đại học Luật TP.HCM, đưa ra dự báo về điểm chuẩn và lý giải chi tiết cho từng vấn đề.
1. Dự kiến điểm chuẩn nhóm ngành Luật tăng
Tính đến tháng tám, cả nước có 92 cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành học trong lĩnh vực pháp luật. Một số ngành nổi bật bao gồm: Luật, Luật thương mại quốc tế, Luật dân sự và tố tụng dân sự, Luật quốc tế, Luật kinh tế,...
Ông Hiển nhận định điểm chuẩn năm 2021 dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Việc tăng, giảm hay giữ nguyên điểm chuẩn của các trường còn phụ thuộc dữ liệu đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh.
Dữ liệu này hiện được Bộ GD&ĐT bảo mật, các trường rất khó dự báo chính xác điểm chuẩn của từng tổ hợp môn đối với nhóm ngành Luật.
Tuy nhiên, căn cứ 4 yếu tố gồm tình hình xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của từng trường, tình hình thí sinh xác nhận nhập học bằng phương thức xét học bạ, phổ điểm từng môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, sự quan tâm của xã hội và nhu cầu nguồn lực ngành luật, ông Lê Văn Hiển dự báo điểm chuẩn nhóm ngành này sẽ tăng so với năm 2020. Đại học Luật TP.HCM sẽ có mức tăng khá, một số ngành thế mạnh của trường sẽ tăng mạnh.
Lý giải cho vấn đề này, ông Hiển cho biết Đại học Luật TP.HCM tuyển sinh theo hai phương thức là xét tuyển thẳng và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021.
Tính đến ngày 3/9, trường đã xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng 659 thí sinh (chiếm 33,1% tổng chỉ tiêu) cho 5 ngành Luật, Luật Thương mại quốc tế, Quản trị - Luật, Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Anh - chuyên ngành Anh văn pháp lý.
67% tổng chỉ tiêu còn lại sẽ xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021. Dựa vào điểm thi năm nay có mức tăng khá so với năm 2020, rất có thể một số ngành thế mạnh sẽ có mức điểm chuẩn tăng mạnh.
Dự báo một số nhóm ngành thế mạnh của Đại học Luật TP.HCM có thể tăng mạnh
2. Nguyên tắc xét tuyển đại học 2021
Một người đặt câu hỏi vì sao phải lọc ảo khi xét tuyển và việc điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh có ảnh hưởng đến cơ hội được xét trúng tuyển hay không. TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, đã có câu trả lời cho việc này.
Về nguyên tắc xét tuyển, thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng và được điều chỉnh, thay đổi, bổ sung nguyện vọng sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT.
Các trường xét tuyển nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký đều bình đẳng như nhau, thí sinh chỉ được xét trúng tuyển một và chỉ một nguyện vọng theo thứ tự từ trên xuống dưới.
Căn cứ nguyên tắc thí sinh chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng, các trường khi xét tuyển phải tiến hành lọc ảo để nắm được con số chính xác. Từ ngày 12 đến 15/9, các trường sẽ có nhiều phiên lọc ảo định kỳ.
Qua đó, trường sẽ xác định được thí sinh nào đủ điểm trúng tuyển trường này nhưng lại đậu trường khác ở nguyện vọng cao hơn. Quá trình này sẽ loại được những thí sinh tương tự để xét tuyển thí sinh khác.
Dự tính đến 17h này 15/9, các trường hoàn thành việc lọc ảo cơ bản, từ đó xác định danh sách thí sinh trúng tuyển và đủ cơ sở để công bố điểm chuẩn.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa nhấn mạnh trên cơ sở điểm thi thực tế, nếu thí sinh sắp xếp nguyện vọng hợp lý, các em có thể trúng tuyển ngành học mong muốn.
> Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021
> Tuyển sinh 2021: Thí sinh cần lưu ý gì khi điều chỉnh nguyện vọng?
Theo ZING News