Điểm sàn chỉ có thể có một mức duy nhất cho tất cả các trường. Điểm sàn phải rơi vào khoảng cực đại trong phổ điểm tổng quát ba môn thi cho từng khối ngành.

Các triết gia đã tổng kết ba nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến trong thế giới động vật (kể cả loài người) là: Tranh giành thức ăn, tranh giành lãnh thổ và tranh giành ... "con cái". Cuộc chiến trong thế giới loài người không bao giờ tách rời khái niệm "nhóm lợi ích".

Khi mà kỳ thi tuyển sinh cao đẳng- đại học năm 2013 đã cận kề thì tranh luận về điểm sàn và "nhóm lợi ích" chắc sẽ mang lại lợi ích không phải cho số ít các trường CĐ, ĐH ngoài công lập mà là cho toàn xã hội. Có hai câu hỏi cần đặt ra:

Có cần điểm sàn đại học?

Điểm qua hàng loạt ý kiến, đặc biệt là ý kiến trên báo Giáo dục và Thời đại thì thấy quan điểm cần điểm sàn được đề cập khá nhiều.

Ví dụ: Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: "Không thể bỏ điểm sàn vì nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng GD ĐT, "Bỏ điểm sàn nhiều HS sẽ mất động cơ học tập".  " Bộ GD&ĐT khẳng định, không thể vì số lượng tuyển sinh mà hy sinh chất lượng đầu vào bằng cách bỏ điểm sàn và có nhiều mức điểm sàn khác nhau", "Bên cạnh tâm lý băn khoăn, lo lắng trước quy định về điểm sàn của Bộ GD&ĐT còn có nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định này của Bộ". ... Thậm chí còn có quan điểm "cần gạt bỏ lợi ích nhóm khi quyết chuyện điểm sàn" .

 

Đi tìm lời giải cho điểm sàn đại học năm 2013

 

Đi tìm lời giải cho điểm sàn đại học năm 2013

 

Có thật "bỏ điểm sàn học sinh sẽ mất động cơ học tập"? Các trường phổ thông năm nào cũng  ngóng chờ khi nào Bộ công bố danh sách sáu môn thi tốt nghiệp. Có danh sách rồi học sinh lớp 12 sẽ học dồn nhiều môn (thậm chí là bớt xén chương trình) để dành thời gian cho các môn theo công bố.

Biết không thi tốt nghiệp môn Lịch sử, lập tức học sinh... xé bỏ đề cương ôn tập vứt trắng sân trường (Vnexpress). Lẽ tự nhiên động cơ học tập của học sinh sẽ  theo đó mà biến đổi. Cái "động cơ học tập" chỉ vì điểm sàn ấy, góp phần hình thành một lớp người không chỉ lệch lạc về kiến thức mà còn yếu kém về văn hóa ứng xử.

Với cách dạy và học như vậy nền GD có cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao cho quá trình GDĐH, có giúp cho nền GD nước nhà cất cánh? Với bản thân từng học sinh khi đã đạt điểm sàn liệu họ có còn "động cơ học tập"?

Điểm sàn có góp phần nâng cao chất lượng ĐT? Năm 2004 Bộ GD& ĐT quyết định áp dụng điểm sàn. Cứ cho rằng gần 10 năm qua chất lượng đầu vào nhờ điểm sàn mà được đảm bảo, thì phải hiểu thế nào về các ý kiến mới đây trên diễn đàn Quốc hội:

"Trước thực trạng ngày càng nhiều học sinh đi học nước ngoài trong khi các trường trong nước không tuyển đủ sinh viên, đại biểu Phan Văn Tường đặt câu hỏi phải chăng do chất lượng GD ĐH yếu kém?

... Đại biểu Lê Nam cho rằng "Chất lượng đào tạo thấp, nhiều trường cung cấp hàng giả, hàng nhái. Vậy Bộ trưởng (Phạm Vũ Luận) có biện pháp gì?", ông Nam đặt câu hỏi".

Nếu 10 năm qua điểm sàn đã đảm bảo chất lượng đầu vào nhưng lại không góp phần nâng cao chất lượng ĐT thì nó có còn tác dụng? Rõ ràng điểm sàn không phải là yếu tố làm cho học sinh, sinh viên say mê học tập. Nó cũng không hề góp phần nâng cao chất lượng GDĐH như một số người ngộ nhận.

Tác dụng duy nhất của điểm sàn là loại bớt một số thí sinh để số lượng người học CĐ, ĐH phù hợp với quy mô trường lớp, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên hiện có.

Khoản 2 Điều 34 Luật GDĐH quy định: "Cơ sở GDĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh". Các trường được tự chủ tuyển sinh theo một trong ba hình thức "thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển".

Quy định này đã loại bỏ khái niệm "điểm sàn" khi các trường (cả công lập và ngoài công lâp) tự chủ tuyển sinh. Níu kéo "điểm sàn" tức là níu kéo kỳ thi "ba chung", không chỉ trái luật mà còn là vô cảm trước bao khó khăn của hàng triệu gia đình mỗi khi kỳ tuyển sinh đến gần.

Điểm sàn gắn với nhóm lợi ích nào? Kêu về điểm sàn chủ yếu là Hiệp hội các trường CĐ-ĐH ngoài công lập, vì vậy nhiều ý kiến cho rằng "Hiệp hội chỉ quan tâm đến lợi ích nhóm." Về việc này có lẽ cần phân tích theo nhiều góc độ để đi đến một kết luận thỏa đáng cho các bên liên quan.

Trong bài "Chính sách GD đang bị lợi dụng?" người viết đã đề cập đến phổ điểm tuyển sinh năm 2011-2012 của trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, một trường tạm gọi là thuộc tốp ba (khối nông lâm ngư) phổ điểm đạt cực đại ở mức 9-13 điểm. Như vậy khi không coi trọng điểm sàn cũng không thể có chuyện "những thí sinh thi ĐH chỉ đạt vài ba điểm" cũng có thể vào học ĐH.

Bảng dưới đây là số liệu thống kê năm 2012 của Bộ GD&ĐT

 

Số trường công

Số trường tư

Sinh viên công

Sinh viên tư

Giáo viên công

Giáo viên tư

187

28

613933

142359

20690

3747

ĐH

150

54

1258785

189236

49742

9930

Tổng

337

82

1872718

331595

70432

13677



Tỷ lệ sinh viên/ giảng viên lần lượt là: Toàn quốc 26,20;  trường ĐH công lập 26,6; trường ĐH ngoài công lập 24,2. Nếu các trường công thực hiện đúng tiêu chí 25 sinh viên/ giảng viên thì số dôi dư sẽ là 111918 người. Con số này tương đương 37 trường ngoài công lập với quy mô 3000 sinh viên. Cũng cần nói thêm quy mô đào tạo 3000 sinh viên đang là mơ ước của không ít trường ngoài công lập.

Sự không minh bạch trong việc xác định chỉ tiêu và sự không kiên quyết của cơ quan chủ quản là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng "nước chảy chỗ trũng". Đạt điểm sàn người dân sẽ chọn trường công lập cho con em theo học vì học phí thấp hơn và các loại phí phát sinh không đáng kể.

Dư luận mong muốn Bộ GD& ĐT công khai chỉ tiêu giao cho các trường và năng lực đáp ứng các tiêu chí đã quy định để các trường và người dân có thể giám sát. Đây không phải là đòi hỏi vượt quá thẩm quyền hoặc phải tiết lộ bí mật quốc gia mà chính là một trong các tiêu chí "ba công khai" mà Bộ đã đề xuất.

Xin nêu dẫn chứng: ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) công bố có 97 giảng viên trong đó chỉ có 44 giảng viên cơ hữu, [8] vậy Bộ sẽ cho phép họ tuyển sinh trên cơ sở 97 giảng viên hay 44 giảng viên? Công khai minh bạch không chỉ là đòi hỏi của xã hội mà còn chứng tỏ cách hành xử của người quân tử. Làm được điều đó mới chính là cách gạt bỏ "nhóm lợi ích" ra khỏi guồng máy GD. Một khi Bộ GD& ĐT chưa dám mạnh tay với các trường công thì cũng đừng... "o ép" các trường tư một cách quá đáng.

Có nên quy định hai mức điểm sàn đại học?

Câu hỏi này sẽ là thừa nếu câu hỏi thứ nhất đã có đáp án, nhưng bây giờ đã "chót thì phải chét". Việc "chữa cháy"  bằng hai mức điểm sàn có thể là phương án giải cứu một số trường đang có nguy cơ chết yểu. Nhưng nó thực sự mang lại lợi ích cho ai? Xin nêu hai vấn đề:

1.   Với điểm sàn là 13, sẽ là vội vàng nếu  kết luận rằng người đạt 12,5 điểm năng lực kém hơn người đạt 13 điểm nên không thể vào học ĐH.

2.  Liệu có nên giải cứu tất cả các trường bằng cách thêm điểm sàn mức thấp?

Quan điểm của người viết là "không, không và không". Điểm sàn chỉ có thể có một mức duy nhất cho tất cả các trường. Điểm sàn phải rơi vào khoảng cực đại trong phổ điểm tổng quát ba môn thi cho từng khối ngành.

Với quy định điểm sàn như vậy sẽ không có ai kêu điểm sàn không khoa học. Bước tiếp theo là xem xét các tiêu chí bảo đảm chất lượng của các trường để khống chế số lượng tuyển chọn. Với 100 giảng viên cơ hữu (không kể thỉnh giảng), số sinh viên trong trường không thể vượt quá 2500 người, không những thế số giảng viên ấy phải bảo đảm tiêu chí học hàm, học vị...

Bên cạnh các tiêu chuẩn về giảng viên, cơ sở vật chất còn phải đặc biệt chú trọng đội ngũ cán bộ quản lý các trường ngoài công lập. Không ít người sau khi giành được quyền kiểm soát nhà trường đang tranh thủ chụp giật? Những con người vừa không có tầm, vừa không có tâm đang biến trường học thành nơi mua bán văn bằng một cách hợp pháp có nên để cho tồn tại?

Thực hiện những đề xuất không khó, vấn đề là thời gian và con người. Thời gian thì gấp lắm mà con người lại quen đủng đỉnh.

 

Bạn muốn biết về:

Điểm sàn đại học khối A và khối A1 từ năm 2009 đến năm 2013

Phương án 2 điểm sàn không khả thi

 

 

 

Tin bài gốc: tuanvietnam

Kenhtuyensinh

Theo: tuanvietnam