Quá khó về kinh phí và thủ tục
Dù muốn di dời nhưng hiệu trưởng các trường đều nhìn nhận cái khó chính là lấy đâu ra đất sạch cũng như kinh phí trong khi các thụ tục xây dựng còn quá chậm. ĐH Luật TPHCM hiện có diện tích nhỏ nhất chỉ với 0,7 ha gồm cả 2 cơ sở. Do đó TS Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng ĐH Luật TPHCM, băn khoăn: “Theo quy hoạch trường chúng tôi nằm trong cụm Đông bắc cũng với ĐH Kinh tế. 3 năm trước, chúng tôi đã nói đến việc xây dựng trường ở địa điểm này, đến nay quy hoạch 1/2000 của thành phố vẫn chưa có nên chưa thể thành lập dự án, thi công được”.
Tán đồng với việc di dời nhưng ông Ngô Hướng, hiệu trưởng ĐH Ngân hàng TPHCM, cũng cho rằng thủ tục hiện nay đang làm khó các trường. Đơn cử như trường ông có 10 ha đất ở Thủ Đức với kinh phí 3 tỷ nhưng việc xây dựng cũng rất gian khổ, thủ tục xin xây dựng mất vài năm là thường. “Mấy năm rồi chúng tôi phải thuê chỗ cho sinh viên học. Sinh viên có phàn nàn thì trường cũng chỉ biết hứa từ năm này sang năm khác. Nhà nước nên có cơ chế để giúp các trường được giải quyết sớm”, ông Hướng chia sẻ.
Trong khi đó,dù được cấp đất mấy năm nay, nhưng hiện tại ĐH Văn Hiến vẫn trong tình cảnh “trường thuê”. Ông Nguyễn Mộng Hùng, hiệu trưởng ĐH Văn Hiến, than thở: “Trường được thành phố cho 5,6 ha ở huyện Bình Chánh từ năm 2006. Từ năm 2007 đến nay, dù đã nâng giá tiền giải phóng mặt bằng từ 1,2 triệu đồng/m2 lên 12 triệu đồng/m2 nhưng người dân khu vực đó vẫn chưa chấp nhận. Trường học là phục vụ xã hội chứ không thể kinh doanh nên đền bù rất khó”.
Bên cạnh đó, ông Liêm đề nghị UBND TPHCM cho các trường vay 300 tỷ đồng kích cầu để các trường đầu tư cơ sở vật chất rồi trả dần qua các năm thì may ra mới có thể thực hiện được.
Trước những kiến nghị của các trường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, cuộc họp này Bộ GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến của các trường. Bộ sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ có chủ trương thực hiện. Nếu cứ để các trường tự làm như trong quá khứ thì khó mà di dời được.
Đồng thời, Thứ trưởng Ga cũng khẳng định việc di dời các trường ra ngoại thành là không thể không làm. “Quyết định di dời các trường ra ngoại thành không phải vì quá tải cơ sở hạ tầng ở thành phố mà là sự sống còn của ngành giáo dục. Hiện thành phố có hơn 40 trường diện tích chỉ 1-2 ha trở lại. Một trong các tiêu chí nâng chất lượng đào tạo là diện tích/sinh viên. Những trường chỉ có 500 sinh viên trở xuống thì có được tồn tại hay không cũng cần xem lại vì đất đai không thể sinh ra được. Tương lai Bộ có biện pháp khống chế về chất lượng đào tạo nên các trường muốn tồn tại lâu dài thì phải tính từ bây giờ".
Theo Dân Trí