Giáo  ĐH Quốc gia Hà Nội thi thử: Thi ra thi

Thi thử tại điểm thi Trường THPT Đại Từ

Diệt thói học lệch

Tham gia buổi thi thử có gần 100 học sinh của trường THPT Đại Từ thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đây là địa bàn có đối tượng thí sinh đa dạng gồm học sinh miền núi, nông thôn và thị trấn. Phản hồi của các thí sinh sẽ là cơ sở để ĐH Quốc gia Hà Nội rút kinh nghiệm trong việc hoàn thiện bộ đề cũng như quy trình thi trong thời gian tới.
Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài 195 phút. Bài thi gồm 3 phần riêng biệt với thời gian hạn định của từng phần khác nhau. Thí sinh làm lần lượt từng phần, sau khi kết thúc phần 1 thì thí sinh mới được làm phần 2, kết thúc phần 2 mới được làm phần 3 và không thể quay lại các phần đã kết thúc để làm lại.

Phần 1 là tư duy định lượng 1 (kiến thức Toán), gồm 50 câu hỏi. Phần 2 là tư duy định tính 1 (kiến thức Ngữ văn), gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 60 phút. Phần 3 gồm hai nội dung: Tư duy định lượng 2 ((Khoa học tự nhiên gồm các kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tư duy định tính 2 (Khoa học xã hội gồm các kiến thức Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Với kiểu thi này thì quả là môn gì cũng phải học, không thể học lệch, học tủ. Đặc biệt với cấu trúc đề thi các câu hỏi đều nằm trong chương trình phổ thông, sẽ giảm áp lực cho thí sinh, phụ huynh không cần học thêm. Nó đảm bảo công bằng do thí sinh làm bài thi trực tiếp trên máy tính.

Điều gì làm nên chuyển động trong thí sinh, từ nhìn nhận sự khác biệt của cách thức thi mới này? Đó sẽ là cú hích ngoạn mục trong phương pháp học ở phổ thông. Học sinh học gạo đừng mơ làm bài thi kiểu ĐH Quốc gia Hà Nội. Nghĩa là sẽ khác về chất, khác với thứ bình mới rượu cũ, kiểu nâng trường trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên ĐH, PTS thành TS… những cái tên gọi thay đổi nhiều khi chỉ thỏa mãn tính háo danh hão cố hữu, vì chẳng có cách "tiến lên” nào khác.

Học thật sẽ an tâm thi thật

Tuyển sinh 2015 theo phương thức đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội là một bước đi mới trong lộ trình đổi mới tuyển sinh và GD&ĐT nói chung. Trong 140 câu, đề thi được tổ hợp ngẫu nhiên nhưng theo ma trận đề thi chứ không phải lộn xộn. Tỷ lệ khó chỉ 20%, còn lại là dễ và trung bình. Thí sinh đạt 70/140 câu là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đăng ký vào các trường, ngành của ĐH này.

Song quan trọng ở đây là việc coi trọng cách hỏi. Thí sinh không thể trông vào may rủi, như đề thi Toán có 15 câu thí sinh phải làm tự luận, phải tính toán chứ không phải trắc nghiệm hoàn toàn. Đề thi đã được chuẩn hoá và cân bằng độ khó. "Nếu lượng thí sinh dự thi ít  thì cũng phải chấp nhận vì đổi mới ban đầu đi từ chỗ ít đến nhiều, đó là bình thường của công cuộc đổi mới”, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn nói.

Một tiêu chí của cải cách là nêu câu hỏi mới chứ không phải đưa ra câu trả lời mới cho câu hỏi cũ. Mà bất cập trong nhiều loại đề thi nhiều năm qua thường ở câu hỏi, không giúp gì học sinh phát huy năng lực mà chỉ thêm tốn công học gạo, học vẹt.

Có nhiều lý do để tin ĐH Quốc gia Hà Nội dày công tìm kiếm một cách thức thi mới không phí uổng sự trông chờ ở một trung tâm đào tạo có sứ mệnh tiên phong, ở đây là tiên phong trong cải cách tuyển sinh, thi cử. Thi thật sẽ buộc phải học thật, tư duy thật.

Sẽ không như câu chuyện người ở Trung nguyên đi về hướng Bắc, một người hỏi đi đâu. Nói đi về nước Sở. Nước Sở ở phía nam! Người kia kêu lên, xe tôi tốt lắm. Nhưng nước Sở ở phía nam. Nhưng ngựa tôi khỏe lắm. Đã bảo nước Sở ở phía nam mà. Nhưng người đánh xe tôi giỏi cực. Cứ thế người đó cậy mạnh đi về phía bắc tìm nước Sở. Càng mạnh càng nhanh xa mục tiêu.

Cải cách không khéo cũng như vậy, cậy khỏe cậy tiền mà không rõ mục tiêu thì càng "cải” càng đáng lo ngại.

Theo Đại đoàn kết, tin gốc: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=102170&menu=1433&style=1

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp, kỳ thi THPT quốc gia