ĐH Kinh tế quốc dân dẫn đầu đào tạo sau đại học lĩnh vực kinh tế - Ảnh 1 

 

Trong đào tạo TS, trường chuyển hướng đào tạo từ ứng dụng truyền thống sang hàn lâm theo xu hướng hội nhập quốc tế. 5 năm qua, nhờ sự nghiên cứu và tư vấn kịp thời của Viện ĐTSĐH, trường đã tăng cường các cơ sở dữ liệu điện tử tạp chí khoa học quốc tế, liên tục bổ sung các chuyên đề phương pháp nghiên cứu và lý thuyết chuyên ngành nâng cao, cũng như huy động sự tham gia của các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước vào hoạt động giảng dạy, hướng dẫn, đánh giá kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, Viện ĐTSĐH cùng Viện Quản lý châu Á - Thái Bình Dương (Trường ĐHKTQD) đã triển khai thành công xây dựng đề án thí điểm chương trình đào tạo TS dạy bằng tiếng Anh ở hai ngành Kinh tế học và Quản trị kinh doanh, bắt đầu tuyển sinh từ năm 2017. Chương trình được xây dựng dành cho đối tượng người học thuộc khối nghiên cứu và giảng dạy, với mục tiêu là đào tạo các TS có năng lực nghiên cứu độc lập, có đủ khả năng để thiết kế, thực hiện và công bố công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học hàn lâm quốc tế được xếp hạng trên SCOPUS và SSCI.

 

Trong đào tạo thạc sĩ, Trường ĐHKTQD liên tục cập nhật, bổ sung theo hướng hội nhập thế giới. Đến nay, trường đã xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ở 15 ngành, trong đó có các ngành trọng điểm và thu hút đông đảo học viên như: Kế toán, Tài chính - ngân hàng, Quản trị kinh doanh... Chương trình đào tạo cũng được triển khai theo hai định hướng nghiên cứu và ứng dụng, với kết cấu linh hoạt, cho phép người học có thể chủ động lựa chọn ngành học, chương trình và học phần để phù hợp nhu cầu nâng cao kiến thức, đáp ứng yêu cầu công việc chuyên môn trong các lĩnh vực. Chỉ trong 5 năm qua, đã có hơn 5.400 thạc sĩ tốt nghiệp được cấp bằng. Trường ĐHKTQD cũng trở thành cơ sở đào tạo đầu tiên của Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở thí điểm chương trình thạc sĩ Điều hành cao cấp (Executive MBA) dành cho cán bộ quản lý cấp cao trong các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp. Đây là một chương trình đào tạo hiện đại, gắn kết chặt chẽ giữa giảng dạy lý thuyết với thực tiễn quản lý, điều hành tại Việt Nam. Ngoài ra, Viện ĐTSĐH tổ chức đào tạo và cấp bằng cho hàng trăm học viên thạc sĩ và trên 30 nghiên cứu sinh đến từ các nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Những kết quả trong đào tạo cho thấy nỗ lực của Viện ĐTSĐH nói riêng trong thu hút học viên giữa bối cảnh cạnh tranh trong đào tạo bậc thạc sĩ, TS tại Việt Nam, đồng thời thể hiện sự nhìn nhận của xã hội đối với chất lượng ĐTSĐH của Trường ĐHKTQD nói chung.

 

Cùng với đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học của các nghiên cứu sinh tại Trường ĐHKTQD thường gắn với các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Kết quả nghiên cứu của các luận án tiến sĩ đã đóng góp không nhỏ cho thành công của các đề tài nghiên cứu khoa học lớn. Trong nghiên cứu, trường liên tục mở các chuỗi báo cáo chuyên đề, trong đó mời các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý đến thuyết trình cho các nghiên cứu sinh. Qua các hoạt động nghiên cứu phối hợp giữa các giảng viên của trường và chia sẻ từ các nhà khoa học nổi tiếng, nghiên cứu sinh được tiếp xúc với môi trường khoa học kinh tế sôi động, được hướng tư duy học thuật theo chuẩn quốc tế, từ đó dần nâng cao chất lượng nghiên cứu luận án TS của bản thân. Từ năm 2011 đến 2016, riêng Viện ĐTSĐH đã có 50 bài báo, báo cáo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế, các hội thảo quốc tế và quốc gia.

 

Có thể khẳng định, từ xuất phát điểm một vài chuyên ngành đào tạo ban đầu, sau 40 năm, Trường ĐHKTQD mà trực tiếp là Viện ĐTSĐH của trường đã đào tạo hơn 1.200 TS và hơn 12 nghìn thạc sĩ. Đó là thành tựu chưa có cơ sở đào tạo nào trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý của Việt Nam đạt được. Nhiều TS, thạc sĩ tốt nghiệp từ Trường ĐHKTQD trở thành những nhà nghiên cứu và quản lý đầu ngành, đã và đang nắm giữ trọng trách phát triển nền kinh tế và khoa học kinh tế của đất nước. Những thành tựu đó không chỉ giúp giữ vững và nâng cao vị thế trọng điểm và đầu ngành của trường, mà còn góp phần quan trọng vào việc đáp ứng nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

 

Theo Nhân Dân