Năm 2021, trường ĐH công nghiệp Hà Nội có thông báo mới về việc tuyển sinh, dự kiến mở ngành phân tích dữ liệu kinh doanh với chỉ tiêu 50 sinh viên.
Sinh viên Trường đại học Công nghiệp Hà Nội
TS Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, cho biết kế hoạch tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2021 của nhà trường dự kiến có một số điểm mới. Theo đó, ngoài phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhà trường dự kiến dành 350 chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển mới và 50 chỉ tiêu cho ngành phân tích dữ liệu kinh doanh.
Ông Thực cho biết, phân tích dữ liệu kinh doanh là một ngành học có tính liên ngành cao, kết hợp toán - thống kê, kinh tế - kinh doanh và công nghệ thông tin. Chương trình đào tạo ngành phân tích dữ liệu kinh doanh của Trường đại học Công nghiệp Hà Nội xây dựng theo hướng tiếp cận CDIO và được thiết kế, thực hiện bởi các chuyên gia, giảng viên các ngành quản trị kinh doanh, khoa học máy tính, kế toán, tài chính ngân hàng, marketing của nhà trường trên cơ sở nhu cầu nhân lực tại các doanh nghiệp.
Ngành phân tích dữ liệu kinh doanh trang bị cho người học kiến thức và các kỹ năng về tổng hợp, xử lý, phân tích, khai thác các hệ thống dữ liệu lớn hỗ trợ cho việc ra quyết định, hoạch định các chiến lược trong các doanh nghiệp, cũng như các tổ chức kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, cử nhân ngành phân tích dữ liệu kinh doanh cũng được trang bị các kỹ năng như tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng hợp tác, giao tiếp quốc tế, phát hiện và giải quyết vấn đề, đáp ứng đủ năng lực để có thể thành công và phát triển sự nghiệp trong môi trường kinh doanh hiện đại của cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là giai đoạn chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay ở Việt Nam.
Cũng theo ông Thực, một điểm mới khác là trường sẽ mở rộng diện xét tuyển thẳng. Theo đó những em được tuyển thẳng không chỉ theo quy định chung của Bộ GD-ĐT (học sinh giỏi quốc gia, quốc tế) mà còn mở ra cho cả các em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh/ thành phố và những em có chứng chỉ quốc tế. Dự kiến chỉ tiêu tuyển thẳng diện mới này là 350 em. Điều kiện để được xét tuyển thẳng (ngoài diện Bộ GD-ĐT quy định) như sau:
Thí sinh có điểm trung bình các môn học của từng học kỳ lớp 10, 11, 12 đạt 7.0 trở lên (riêng đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2021, lớp 12 chỉ tính học kỳ 1) và đáp ứng một trong các điều kiện dưới đây được đăng ký xét tuyển vào ngành phù hợp với môn đoạt giải hoặc chứng chỉ quốc tế:
+ Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh/thành phố các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tin học, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật;
+ Thí sinh có một trong các chứng chỉ quốc tế ACT đạt điểm từ 20 trở lên, SAT đạt điểm từ 1000 trở lên; chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS Academic đạt điểm từ 5.5 trở lên, TOEFL iBT từ 50 trở lên; chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK từ 3 trở lên; chứng chỉ tiếng Trung HSK từ 3 trở lên; chứng chỉ tiếng Nhật N từ 4 trở lên (các chứng chỉ phải còn hiệu lực).
Điểm xét tuyển (ĐXT) được xác định theo công thức:
ĐXT = (điểm quy đổi chứng chỉ hoặc giải) x 2 + điểm trung bình các học kỳ lớp 10, 11, 12 + điểm ưu tiên (nếu có).
Ông Thực nói: "Nguyên tắc xét tuyển là xét theo ngành, ĐXT lấy từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Bảng quy đổi điểm chứng chỉ quốc tế hoặc giải học sinh giỏi THPT cấp tỉnh/thành phố theo thang điểm 10 tại đề án tuyển sinh của trường".
Được biết, năm 2021 Trường đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ tuyển 7.120 chỉ tiêu đại học chính quy.
> Mở thêm ngành y học cổ truyền khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM?
> Năm 2021, thêm 3 trường thông báo phương án tuyển sinh đại học
Theo Thanh Niên