Trong kỳ tuyển sinh 2021, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy vào ngày 15/7 tại 3 điểm thi gồm: Hà Nội, Nghệ An và Hải Phòng.
Năm nay, kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ được tổ chức sau khi thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại 3 địa điểm là Hà Nội (ĐH Bách khoa Hà Nội), Nghệ An (ĐH Vinh) và Hải Phòng (ĐH Hàng Hải).
Nội dung bài thi kiểm tra tư duy ĐH Bách khoa Hà Nội (kéo dài 180 phút) gồm 2 phần. Phần bắt buộc gồm Toán (trắc nghiệm, tự luận) và Đọc hiểu (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 120 phút.
Phần tự chọn (trắc nghiệm) sẽ có thời lượng làm bài là 60 phút. Thí sinh có thể chọn một trong ba phần là BK1 (Lý - Hóa), BK2 (Hóa - Sinh), BK3 (Tiếng Anh).
Bên cạnh đó, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng sẽ sơ tuyển thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá tư duy theo học bạ, xét theo điểm trung bình 6 học kỳ THPT của tổng các môn theo tổ hợp lựa chọn: Toán - Lý - Hóa; Toán - Hóa - Sinh; Toán - Anh, quy về thang điểm 30.
Nguyên tắc xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội: Xét từ cao xuống thấp cho đến khi đạt số lượng sơ tuyển. Chỉ tiêu sơ tuyển dự kiến là từ 10.000 đến 21.000 em.
Bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ kéo dài 180 phút
Năm ngoái, đề kiểm tra tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội được đánh giá không khó nhưng rất dài.
Nội dung kiến thức Toán trong bài kiểm tra tư duy được yêu cầu ở các mức độ khác nhau, từ thông hiểu, vận dụng đến vận dụng sáng tạo. Điểm nổi bật của phần câu hỏi Toán là xuất hiện nhiều câu hỏi vận dụng thực tế và không có câu hỏi nhận biết.
Ngoài ra, đề thi kiểm tra tư duy ĐH Bách khoa Hà Nội xuất hiện khá nhiều câu hỏi thuộc kiến thức lớp 10, 11. Các câu hỏi đều nhằm mục đích đánh giá khả năng tư duy và vận dụng những kiến thức cơ bản của Toán học vào việc giải quyết những bài toán trong thực tế, đồng thời, đánh giá khả năng học Toán cao cấp và các môn khoa học - kỹ thuật, phục vụ cho việc theo học ở bậc đại học.
Phần Đọc hiểu có chủ đề đa dạng, bám sát các ngành học của trường như: Vật liệu quang hướng; Công nghệ thông tin; Môi trường và Phương pháp canh tác nông nghiệp.
Phần này tập trung đánh giá kỹ năng đọc cùng với năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản.
Với số lượng hơn 5.500 thí sinh tham gia bài kiểm tra tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội vào năm ngoái, chỉ có 1,5% tổng số thí sinh đạt từ 8,5 điểm trở lên, 10% số thí sinh tham dự đạt từ 7,5 điểm trở lên và hơn 70% đạt trên trung bình. Số điểm phổ biến thí sinh đạt được khoảng từ 5 đến 5,5.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết bài kiểm tra này được thiết kế để đánh giá năng lực cốt lõi của các thí sinh và khả năng theo học ở bậc đại học, đặc biệt ở những khối ngành khoa học, kỹ thuật.
“Với hình thức xét tuyển này, chúng tôi kỳ vọng sẽ chọn lựa được những học sinh có năng lực, phẩm chất và tư duy phù hợp các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ”, ông Thắng nói.
> Đề tham khảo môn toán phần xác suất, khoảng cách "dễ thở" hơn năm trước
> Dựa vào đề tham khảo, giáo viên sẽ có kế hoạch dạy học thế nào?
Theo ZING News