Đề xuất phương án xây dựng bộ tiêu chí đánh giá SGK tiếng Anh
Giáo sư Nguyễn Quốc Hùng - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội - cho rằng: "Bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa khi được ban hành sẽ là công cụ cung cấp cho các chuyên gia đánh giá một danh sách những đặc thù tạo nên sự thành công của quy trình dạy tiếng Anh." Ông cũng cho biết: Quá trình giảng dạy bộ môn có 3 yếu tố nền tảng tạo nên sự thành công chất lượng môn học đó là giáo trình, người thầy và người trò. Trải qua nhiều lần chỉnh sửa tăng cường chất lượng, giáo trình do các chuyên gia trong nước xây dựng đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nền giáo dục Việt Nam.
4 phương án xây dựng tiêu chí đánh giá sách giáo khoa tiếng anh
Cái mà chúng ta đang thiếu chính là chuẩn đánh giá giáo trình và cũng chính là chuẩn xây dựng và biên soạn giáo trình. Nói đúng hơn, chuẩn thì có nhưng chuẩn chính thức của Nhà nước Việt Nam công nhận thì chưa có. Để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và thẩm định sách giáo khoa ngoại ngữ dùng trong trường phổ thông Việt Nam, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 đã tập hợp một nhóm chuyên gia nghiên cứu sâu về lý thuyết xây dựng tiêu chí.
GS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: Nhóm chuyên gia xây dựng tiêu chí đánh giá SGK ngoại ngữ của Việt Nam dựa trên một số bộ tiêu chí đáng tin cậy trên thế giới và đặc biệt là của tác giả các nước xem tiếng Anh không phải bản ngữ. Trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết và tình hình biên soạn tiêu chí đánh giá sách ở nhiều nước có mặt bằng dạy và học tiếng Anh tương đồng nước ta, GS. Nguyễn Quốc Hùng đề xuất 4 phương án xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa cho Việt Nam:
- Sử dụng một số tiêu chí đánh giá những đặc thù chung của các bản danh sách đã được các nước đề xuất, bao gồm những bình diện như: Nội dung dạy-học và tiêu chí về mục tiêu vì nó cùng chung nguồn tham khảo là khung tham chiếu Châu Âu, những tiêu chí về kỹ năng ngôn ngữ nghe, nói, đọc, viết, phương pháp giảng dạy vì chúng ta cùng sử dụng phương pháp như các nước đó.
- Biên soạn những tiêu chí theo yêu cầu riêng của Việt Nam, ví dụ: phương pháp dạy từ vựng tiếng anh, ngữ pháp tiếng anh và dạy ngữ âm vì những lĩnh vực này cần đáp ứng yêu cầu riêng của Việt Nam, mặc dù các nước khác cũng đề cập đến.
- Xây dựng một số tiêu chí đặc thù của Việt Nam, những tiêu chí bổ xung theo quan điểm đã trình bày ở trên, vì đặc thù về quan hệ giữa tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh, cũng như văn hóa Việt và văn hóa Anh/các nước khác khác với mối quan hệ cùng tên của các nước khác. Nhóm tiêu chí bổ xung này đặt dưới tên Nhóm tiêu chí đặc biệt.
- Xây dựng một nhóm tiêu chí bổ xung cho việc lựa chọn sách tiểu học vì sách giáo khoa tiểu học hàm chứa nhiều yếu tố về dàn cảnh cũng như về những bài tập luyện kỹ năng khác với sách người lớn. Có hai cách xử lý nhóm tiêu chí này: (1) tách riêng thành một thành phần của bộ tiêu chí, và (2 đan xen vào các thành phần khác nhau của bộ tiêu chí với chú thích "dành cho sách tiểu học"
Với những ý kiến ủng hộ và đề xuất, GS. Nguyễn Quốc Hùng nêu quan điểm và đặt kỳ vọng bộ tiêu chí đánh giá SGK khi được ban hành sẽ là công cụ cung cấp cho các chuyên gia đánh giá một danh sách những đặc thù tạo nên sự thành công của quy trình dạy tiếng Anh. Nguyễn Quốc Hùng M.A là một trong những chuyên gia về giảng dạy Tiếng Anh hàng đầu ở Việt Nam. Ông là giảng viên đầu tiên của Việt Nam (và cũng có thể là duy nhất) được nhà nước cử sang Anh để đào tạo bài bản về: Dạy tiếng Anh qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ông nói: "Học tiếng Anh cũng như học bơi, nếu không có phương pháp thì không thể bơi xa, bơi đúng được".
Theo Báo giáo dục Thời đại, tin gốc: http://giaoducthoidai.vn/ngoai-ngu/de-xuat-phuong-an-xay-dung-bo-tieu-chi-danh-gia-sgk-tieng-anh-686372-v.html