Trải qua quy chế và phương thức tuyển sinh hiện đại trong năm 2022. Các chuyên gia đề xuất nên áp dụng vào năm sau nhưng cần hoàn thiện hệ thống đăng ký nguyện vọng trực tuyến.
Sau khi các đại học trên cả nước công bố điểm chuẩn theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, thí sinh trúng tuyển phải nhập học theo hướng dẫn của trường, đồng thời xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chậm nhất trước 17h ngày 30/9.
TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo (Học viện Ngân hàng), đánh giá công tác tuyển sinh năm 2022 cơ bản thuận lợi. Việc tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng trên hệ thống lọc ảo chung đối với mọi phương thức tạo ra sự công bằng, bình đẳng giữa các trường; đảm bảo thí sinh được trúng tuyển nguyện vọng có thứ tự ưu tiên cao nhất nếu đủ điều kiện. Những năm trước, một số trường tổ chức xét tuyển và yêu cầu xác nhận nhập học sớm, ảnh hưởng đến quyền được chọn nguyện vọng của thí sinh.
Dù thực tế vẫn còn một số trường gặp vướng mắc nhất định, ông Hà cho rằng quy chế tuyển sinh năm nay cần được duy trì trong một vài năm tới. Ngoài ra, ông Hà đề xuất các trường nên giữ ổn định phương thức tuyển sinh.
Đề xuất phương án tuyển sinh đại học năm 2023
"Hiện, nhiều thí sinh xét tuyển đại học năm tới đã tìm hiểu về các trường và phương thức tuyển sinh để có sự chuẩn bị tốt nhất nên việc thay đổi đột ngột các phương thức có thể gây ảnh hưởng cho các em", ông Hà nói và lấy ví dụ một thí sinh tìm hiểu trường A, thấy có xét kết hợp học bạ và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thì ngoài việc học trên lớp thật tốt, thí sinh đó sẽ tập trung học ngoại ngữ để đạt điểm chứng chỉ cao. Nếu trường thay đổi phương thức, thí sinh sẽ gặp nhiều bất lợi.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo (trường Đại học Ngoại thương) cũng cùng quan điểm này.
Năm nay, trường Ngoại thương tuyển sinh theo sáu phương thức. Ngoài tuyển thẳng theo quy định của Bộ và theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, trường xét tuyển kết hợp học bạ với thí sinh tham gia, đạt giải học sinh giỏi hoặc là học sinh trường chuyên; kết hợp chứng chỉ quốc tế và học bạ, điểm thi; sử dụng điểm thi đánh giá năng lực. Cả sáu phương thức này đã được duy trì từ năm 2021 và dự kiến được giữ ổn định trong các năm tới.
"Việc này sẽ giúp học sinh không bị ảnh hưởng tâm lý và sự chuẩn bị của các em, bởi nhiều học sinh đã tính toán, định hướng cụ thể ngay khi vào THPT. Chúng tôi hiểu điều đó nên cũng muốn giữ ổn định các phương thức tuyển sinh", bà Hiền nói.
Lãnh đạo Phòng Đào tạo của trường Ngoại thương nhận định thêm về dài hạn, khi năng lực tự chủ tăng lên, trường đại học có thể sử dụng các phương thức hiện đại, thuận tiện cho cả trường và phù hợp với từng nhóm thí sinh. "Đa dạng phương thức cũng là cách để chọn thí sinh phù hợp", bà Hiền chia sẻ.
Bên cạnh đó, có chuyên gia cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khắc phục một số vấn đề khi thực hiện quy chế tuyển sinh năm nay.
Một chuyên gia về tuyển sinh cho biết quy chế năm nay được ban hành vào tháng 6 với nhiều thay đổi khiến không ít trường rơi vào thế bị động, rất vất vả để đáp ứng được các yêu cầu của quy chế. Cũng còn một số trường hiểu chưa đầy đủ về quy chế, dẫn đến vướng mắc trong quá trình xét tuyển.
Về phía thí sinh, vị chuyên gia này dẫn chứng, vẫn có thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển sai, khiến một vài trường hợp không thể trúng tuyển nguyện vọng yêu thích. Hay có thí sinh đăng ký chỉ duy nhất một nguyện vọng theo phương thức xét tuyển sớm vào một trường nhưng thao tác sai nên trượt đại học. Do đó, ông băn khoăn về cách thức hỗ trợ trong trường hợp này bởi thao tác sai đôi khi không hoàn toàn do lỗi của thí sinh.
Cũng theo chuyên gia này, một số trường đã thông báo lượng thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm vượt quá chỉ tiêu trong đề án, nên chỉ nhận những em đăng ký đây là nguyện vọng 1. "Cách làm này không đúng quy chế, khiến thí sinh mất quyền lợi. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quán triệt triệt để tới các cơ sở giáo dục trong trường hợp trên", vị này bày tỏ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đến nay phương án thi tốt nghiệp năm 2023 và 2024 cơ bản ổn định và sẽ sớm được công bố, nhằm phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2006 đang triển khai những năm cuối cùng.
"Trên cơ sở kỳ thi tốt nghiệp THPT không thay đổi hay xảy ra xáo trộn lớn, các trường đại học cũng sẽ có căn cứ để tiếp tục giữ ổn định yêu cầu đầu vào và các phương thức tuyển sinh", đại diện phụ trách đào tạo của một đại học kỹ thuật chia sẻ.
Trong khi đó, Vụ Giáo dục đại học cho biết sẽ yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023, lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.
Với lứa thí sinh bắt đầu học theo chương trình phổ thông 2018 từ năm nay, tại Hội nghị Tổng kết giáo dục đại học ngày 12/9, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Căn cứ vào phương án này cùng một số nguyên tắc và định hướng của Bộ, trong vài tháng tới, các trường đại học cần công bố chuẩn đầu vào và phương thức tuyển sinh dự kiến năm 2025 để thí sinh có thời gian chuẩn bị.
> Giảng viên không chấp nhận bị xử lý kỷ luật vì hết thời hạn
> Bộ Giáo dục đã mở hệ thống xác nhận nhập học dành cho thí sinh trúng tuyển
Theo VnExpress