Trong tiến trình phát triển của chữ viết tiếng Việt, những đề xuất cải tiến đã xuất hiện rất nhiều lần. Bởi vậy, không lạ khi đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền đưa ra khiến phần đông người đọc ngạc nhiên rồi dị ứng nhưng với người có tìm hiểu về ngôn ngữ, đây là chuyện rất bình thường. Nhưng thật sự đó là con đường hết sức cô đơn.
Những đề xuất kinh ngạc
Theo PGS.TS Hoàng Dũng, chuyên ngành ngôn ngữ học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ sớm nhất là từ năm 1902, Uỷ ban cải cách chữ Quốc ngữ được thành lập tại Hà Nội do Jean Nicholas Chéon đứng đầu, đề ra chủ trương triệt để tôn trọng nguyên tắc mỗi chữ một giá trị kí âm.
Kế tiếp, theo nhiều cứ liệu khác, năm 1906 có một cuộc cải cách chữ Quốc ngữ do một ủy ban cải cách được Hội đồng cải lương học chánh Bản xứ lập ra. Năm 1928, đến thời của học giả - nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, vấn đề này lại được nêu ra nhưng chủ yếu thay đổi là để phù hợp với việc ấn loát báo bằng máy in nhập từ nước ngoài không có dấu. Ông đề nghị như ngoài Bắc nên theo trong Nam mấy tiếng “gi thành tr, d thành nh, nh thành l… để dùng cho đều trong văn tự, ba miền cùng dễ hiểu cả”. Đặc biệt, ông đề nghị quy ước mới, thay vì phải bỏ dấu, người viết sẽ dùng các quy ước như dấu “á” là hai chữ viết liên tiếp aa=â, chữ W thay dấu “ớ” aw=ă, các thanh sẽ là chữ quy ước đặt cuối từ như f=huyền, s=sắc, j=nặng… Đến những năm 50 ở Sài Gòn, ông Nguyễn Ngu Í đã áp dụng cách viết dùng F thay Ph, dùng J thay Gi, dùng I thay Y, dùng B thay P, dùng Q thay Qu, dùng Ng thay Ngh, dùng G thay Gh…
Một trường hợp đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ rất thú vị đến từ nhà nghiên cứu Nguyễn Bạt Tụy (1920 – 1995), người mà đương thời những học giả tên tuổi như Đào Duy Anh, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đình Toàn dành những lời nể phục. Trong cuốn du khảo mới xuất bản “Đà Lạt – Một thời hương xa” (2017), nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên đã có một bài viết riêng về ông với những nỗ lực khuấy động không khí học thuật của TP.Đà Lạt. Ông Nguyễn Bạt Tụy cho rằng cuộc cải cách tiếng Việt của ông là cuộc cải cách lần thứ thứ tư. Không như các cuộc cải cách trước, đây là cuộc cải cách độc lập, được thực hiện chỉ bởi một cá nhân âm thầm nghiên cứu ngữ âm rất nhiều năm.
Theo nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Bạt Tụy đã xác định lại bộ quan phát âm gồm hai lá phổi, hai dải âm, nắp họng, màng cúa, của, lưỡi, răng và môi rồi từ nguyên lý vận hành của từng bộ phận để xác định thế nào là sự cử phát (gồm âm ép, âm thở, âm sát, âm rung, âm sì, âm cuốn, âm cản, âm cản ép), điểm phát (gồm âm chính và âm phụ), độ khuếch, đường rền, lực, lượng để xác định sự phát âm, đặc thù về âm và thanh Việt. Ở đó, ông chứng mình rằng hệ thống ghi âm bằng chữ quốc ngữ hiện thời không thể đáp ứng và phản ánh đầy đủ nếu không muốn nói là nhiều cái sai, nên cần sửa lại để “dùng chữ cho đúng với âm mình muốn ghép và ghép chữ cho đúng với vần mình muốn ghép”. Ông đã đề nghị một bảng chữ cái Việt có lợi cho trẻ nhỏ, người mới học chữ, bảng chữ gọi theo tên, bảng kê dấu thanh…
Đơn côi trong học thuật
Trường hợp của nhà nghiên cứu Nguyễn Bạt Tụy có thể nói là cô đơn trong nỗ lực tìm tòi, khảo cứu, đề xuất, cả khi công bố một công trình đồ sộ. Nhận định về công trình này, học giả Nguyễn Hiến Lê cho rằng đây là một công trình khảo cứu rất công phu về ngữ âm VN, có nhiều sáng kiến và đưa ra nhiều đề nghị hợp lý. Ông cho rằng về phương diện lý luận thuần túy, chủ trương của ông Nguyễn Bạt Tụy rất đúng. Nhưng công trình này cho thấy trước một nguy cơ dẫn đến “con đường độc đoán đơn côi trong học thuật”. Vì chủ trương ấy chỉ có thể thực hiện nếu được đại chúng theo hay có một cơ quan nào đủ uy quyền, chấp nhận và bắt buộc mọi người phải theo.
Đánh giá này của học giả Nguyễn Hiến Lê đúng với tất cả mọi đề xuất cải cách tiếng Việt độc lập từ trước tới nay. Vì gần như mọi đề xuất cải cách như vậy đều thất bại. Chữ viết tiếng Việt thay đổi dần trong quá trình sử dụng.
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh cũng từng than: “Mấy năm nay có người bàn cách sửa đổi chữ quốc ngữ cho phải lẽ nhưng chẳng lý nào bằng thói quen của người ta, cho nên tuy đã có nghị định y lối Kuốk-ngữ tân-thứk, mà không ai chịu theo, tân thứk lại mang tiếng oan rằng khéo vẽ vời cho nhiễu sự” (“Chữ quốc ngữ”, Đông Dương tạp chí, số 33, 1913).
Sự cô đơn cũng rất rõ ràng qua việc đón nhận của đại chúng đối với đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền vừa qua. Mặc dù, ông đã nghiên cứu 30 năm, đưa ra một phương pháp cải tiến, trình bày trước một hội nghị chuyên môn để nghe phản biện… Nhưng khi ra công luận vẫn không được chấp nhận.
Nước Nhật từng có một đề xuất cải cách ngôn ngữ còn ghê gớm hơn bởi một nhân vật có sức ảnh hưởng to lớn hơn nhiều. Mori Arinori, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu - học giả, Bộ trưởng giáo dục đầu tiên trong chính quyền Minh Trị, từng đề xuất bỏ tiếng Nhật và thay vào bằng tiếng Anh vì tiếng Nhật có quá nhiều nhược điểm (trong cuốn sách “Education In Japan” - 1873). Dĩ nhiên, đề nghị này không được chấp nhận và thời đó ông đã từng bị ném đá không thương tiếc. Ông bị ám sát năm 42 tuổi bởi một kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan vì rất nhiều tư tưởng tiến bộ, trong thời điểm Nhật Bản còn “co cụm”, dị ứng với văn minh phương Tây.
Tuy nhiên, cũng giống như mọi lĩnh vực khác trong cuộc sống, sự tiến bộ của xã hội lại cần những con người như thế dẫu biết họ luôn độc hành.
Theo Thanh niên