>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015

Sau hơn một năm thu hút ý kiến tranh luận trên báo chí, với nhiều tuyên bố đổi mới và được xem như một khâu đột phá, một “trận đánh lớn” của ngành giáo dục, kỳ thi THPT quốc gia đã diễn ra và chỉ còn chờ hoàn thành phần việc cuối cùng là chấm bài thi và công bố kết quả cho thí sinh.

Có 3 điểm mới đáng chú ý của kỳ thi này (chưa chắc đồng nghĩa với thành công). Một là chỉ còn một đợt thi thay thế cho bốn đợt thi là thi tốt nghiệp, hai đợt thi đại học và một đợt thi cao đẳng. Hai là đề thi các môn Văn, Sử, Địa đổi mới theo hướng giảm bớt việc học thuộc lòng, học vẹt. Học sinh phần nào được bày tỏ ý kiến riêng và bớt sách vở hơn. Ba là tách việc thi và việc xét tuyển vào đại học. Đây là đổi mới thành công nhất có lợi cho thí sinh, cho dù nó chỉ thuần túy về mặt kỹ thuật chứ không phải học thuật.

Đề xuất bỏ hẳn việc thi và xét tốt nghiệp THPT

Thí sinh ôn lại bài trước giờ vào phòng thi. Ảnh: Giang Huy.

Nhìn lại những gì đã diễn ra, có thể thấy cần phải thay đổi tận gốc rễ quan niệm về các kỳ thi mới có thể có giải pháp hợp lý. (1) Kết thúc một bậc học trong giáo phổ thông, có thể thi hoặc không thi. (2) Việc tuyển học sinh vào đại học, chuẩn bị cho việc đào tạo nghề nghiệp thì lý do chuyên môn là quan trọng nhất. Trường đại học cần học sinh có đủ phẩm chất phục vụ cho nhu cầu chuyên môn, nghề nghiệp của họ sau này chứ không phải những học sinh có điểm cao hơn.

Từ quan niệm trên, tôi cho rằng nên bỏ hẳn việc thi và xét tốt nghiệp. Việc tổ chức thi và xét tốt nghiệp hiện nay không khác gì việc “tìm cách cho học sinh đỗ”. Cách tính điểm xét tốt nghiệp với 50% thuộc về điểm trung bình các môn học và 50% thuộc về bài thi THPT quốc gia chẳng khác nào Bộ đã dẫn bóng tới cửa gôn và học sinh chỉ việc sút vào!

Dựa vào lý do kiểm soát chất lượng học sinh ở đầu ra càng phi lý hơn. Việc kiểm soát chất lượng phải được thực hiện trong suốt quá trình chứ không thể đặt các em trong sự may rủi của một kỳ thi. Học sinh hoàn thành tất cả môn học thuộc chương trình lớp 12 nên được công nhận tốt nghiệp. Trong tương lai, để tốt nghiệp có thể cần thêm số giờ tham gia và hoàn thành các hoạt động cộng đồng, hay việc hoàn thành các dự án vừa sức.

Chúng ta cũng nên bỏ hẳn kỳ thi vào đại học. Với chương trình học giống nhau, bài thi giống nhau, tất cả học sinh tốt nghiệp lớp 12 chỉ khác nhau ở điểm số. Trong khi mỗi ngành đào tạo đòi hỏi người học (đầu vào) có phẩm chất khác nhau, phù hợp với chuyên môn đào tạo. Thậm chí cùng một ngành cũng có đòi hỏi khác nhau giữa các trường đại học. Việc chỉ làm một bài thi chung không thể thỏa mãn yêu cầu này.

Theo tôi thì Bộ Giáo dục nên cho phép các trường đại học hay các công ty đủ điều kiện tổ chức thi để lấy hai chứng chỉ sau đây:

+ Chứng chỉ T1 (Tú tài 1), tạm gọi như vậy, gồm 3 phần: toán, đọc hiểu, ngôn ngữ. Phần “Toán” là phần cơ sở. Phần “Đọc hiểu” có đủ các chủ đề của các môn học như Lịch sử, Địa lý, Xã hội học, Kinh tế, Báo chí, Luân lý … Phần này đảm bảo tính toàn diện của bậc học phổ thông và không lo khi thay đổi môn học lại phải thay đổi môn thi, gây xáo trộn và hoang mang cho học sinh.

Dưới hình thức đọc hiểu, việc giảng dạy các môn này sẽ thoát cảnh bị gọi là môn học thuộc lòng. Trong khi thực chất đó là những môn khoa học đòi hỏi tư duy logic chứ không phải là môn học thuộc như quan niệm sai lầm hiện nay. Phần “Ngôn ngữ” bao gồm tiếng Việt và một ngoại ngữ. Để thúc đẩy việc học và thực hành được một ngoại ngữ thì có thể bỏ hẳn phần thi ngoại ngữ riêng ra, tức là phần này có chứng chỉ riêng.

+ Chứng chỉ T2 (Tú tài 2), tạm gọi như vậy, gồm các môn chuyên sâu như toán, vật lý, hóa học, sinh học, kinh tế, triết học, văn học… Các môn này phân hóa học sinh theo ngành học sau này. Các em được tự chọn học và thi các môn này ngay từ khi vào học lớp 10 để tiết kiệm thời gian học đại học và ra trường sớm tìm việc làm.

Kỳ thi lấy chứng chỉ T1, T2 có thể tiến hành liên tục cho mọi học sinh có nguyện vọng đăng ký thi. Các đơn vị tổ chức thi lấy chứng chỉ chịu trách nhiệm về chứng chỉ họ cấp. Lúc đầu có thể có nhiều đơn vị tham gia, nhưng rồi chỉ các đơn vị có đủ uy tín thì chứng chỉ của họ mới có giá trị và được chấp nhận rộng rãi bởi các trường đại học.

Các trường đại học phải được tự quyết hoàn toàn việc hồ sơ xin học của học sinh có chứng chỉ nào và do cơ sở nào cấp, hay việc chỉ cần chứng nhận học hết chương trình lớp 12.

Thầy giáo Đào Tuấn Đạt

Theo VnExpress, tin gốc: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/de-xuat-bo-han-viec-thi-va-xet-tot-nghiep-thpt-3246148.html