Để trúng tuyển ngay từ nguyện vọng 1?

“Có điểm bằng điểm chuẩn năm ngoái là yên tâm”


Trả lời câu hỏi của thí sinh (TS) về việc tính toán mức điểm nộp hồ sơ như thế nào để có cơ hội trúng tuyển cao, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng năm nay môn toán và tiếng Anh khó hơn nên phổ điểm thấp hơn chút ít. Vì vậy, đối với những trường năm ngoái có điểm chuẩn từ 19 điểm trở lên thì TS phải thận trọng, không thể dựa vào mức điểm xét tuyển 15 điểm mà các trường này công bố.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết điểm trúng tuyển các ngành ở nhiều trường năm nay có lẽ chỉ xấp xỉ năm ngoái. Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cũng nhận định năm nay, nếu TS nào có điểm thi xấp xỉ điểm chuẩn năm 2015 thì có thể yên tâm nộp hồ sơ. Nhất là những ngành khối D1 vì điểm các môn thi trong khối này khá thấp, đặc biệt môn tiếng Anh. TS cần nghiên cứu kỹ mức điểm, chỉ tiêu từng ngành như năm ngoái.

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết trường xét điểm chuẩn theo nhóm ngành. Khi TS trúng tuyển vào nhóm ngành rồi mới phân ngành. Năm ngoái, điểm trúng tuyển thấp nhất của trường là 21,75. Vì vậy, mỗi môn khoảng trên 7 điểm trở lên mới có thể trúng tuyển. Cũng theo thạc sĩ Vũ, điểm chuẩn năm ngoái rất quan trọng để TS tham khảo. Nếu điểm thi xấp xỉ điểm chuẩn năm ngoái thì nộp hồ sơ.

Những lưu ý quan trọng


Ngày 1.8, sau khi tiếp nhận hồ sơ của TS trong ngày xét tuyển 2016 đầu tiên, các chuyên gia đặc biệt lưu ý TS có một số điểm quan trọng.

Một bạn đọc thắc mắc thi 2 khối A và B thì có phải được chọn nhiều trường không? Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết mỗi TS chỉ được phép chọn tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành. Vì vậy, cho dù thi khối A, B hay khối nào đó nữa thì cũng phải tuân theo quy định này.

Tuy nhiên, TS cần lưu ý trong việc chọn ngành theo tổ hợp. Cụ thể, hiện nay mỗi ngành ở các trường có tối đa 4 tổ hợp môn. Nếu TS thi cả 2 khối thì trên cơ sở tổ hợp môn của ngành muốn chọn, hãy chọn tổ hợp nào có điểm cao nhất để nộp xét tuyển. Chẳng hạn TS thi toán - lý - hóa được 16 điểm, toán - văn - Anh được 17 điểm, nhưng ngành này còn có tổ hợp toán - văn - lý nữa mà TS cộng lại điểm còn cao hơn thì nên chọn.

Các chuyên gia cũng lưu ý trong trường hợp nhiều TS cùng đạt mức điểm như nhau vượt quá chỉ tiêu, nhiều trường sẽ xét theo tiêu chí phụ.

Chuyên gia các trường ĐH: Duy Tân, Lạc Hồng, Công nghệ TP.HCM, Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Quốc tế Hồng Bàng cũng đưa ra lời khuyên là TS nên chọn lựa phương thức xét tuyển học bạ bên cạnh việc xét theo phương thức điểm thi THPT quốc gia. Đây là 2 hình thức độc lập.

Nhiều cách xét tuyển năng khiếu

Tại buổi tư vấn, chuyên gia nhiều trường ĐH cung cấp thông tin xét tuyển vào các ngành năng khiếu với nhiều quy định riêng.

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM xét tuyển 4 ngành, mỗi ngành xét 2 môn văn hóa và 1 môn vẽ hình họa (điểm xét tuyển là 18). Môn vẽ hình họa nhân hệ số 2, sẽ xét điểm từ các trường có thi môn này hoặc thi tại trường. Trường tạo điều kiện cho TS thi các môn năng khiếu vào sáng thứ bảy hằng tuần đến khi kết thúc xét tuyển nguyện vọng.

Trường ĐH Văn Lang thì ngoài việc lấy điểm của TS thi tại trường, chỉ xét điểm của TS của 6 trường khác (xem cụ thể trên website của trường). Nếu TS thi nhiều trường, có thể chọn điểm ở trường nào cao nhất để nộp.

Trường ĐH Duy Tân chỉ xét tuyển khối ngành kiến trúc. Bên cạnh xét môn vẽ mỹ thuật còn ưu tiên vẽ hình họa, TS nộp điểm thi từ các trường khác về trường để xét tuyển.

TS xét tuyển vào Trường ĐH Hoa Sen có thể nộp tuyển tập nghệ thuật (portfolio). Ngoài ra, TS còn có thể tới trường, tham gia làm bài thi mang tính chất sơ tuyển. Trường cũng lấy điểm thi của TS dự thi các môn năng khiếu từ trường khác.


Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/de-trung-tuyen-ngay-tu-nguyen-vong-1-729339.html