Phương án thi trắc nghiệm cho cả 2 mục đích được nhiều nước áp dụng…

Chia sẻ quan điểm về dự thảo phương án thi trắc nghiệm tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (Lý, Sinh, Hóa) và Toán học mà Bộ Giáo dục vừa công bố sẽ áp dụng cho thi tốt nghiệp THPT đồng thời lấy kết quả xét ĐH-CĐ trong năm 2017, nhà vật lý,TS. Lưu Trần Trung đưa ra phân tích, nhận định về phương án thi trắc nghiệm 100%, về rủi ro của một kì thi “2 mục đích” và điều kiện cần thiết để đảm bảo hiệu quả khi triển khai dự thảo thi cử và tuyển sinh 2017 trong thực tế.

TS. Lưu Trần Trung tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Vật Lý, Đại học tổng hợp Munich (Đức), hiện công tác Đại học kỹ thuật Thuỵ Sỹ (ETH Zurich), ông được mời đi giảng dạy ở nhiều phòng thí nghiệm nổi tiếng trên thế giới.

TS Trung cho rằng, ông thấy trong các cuộc tranh luận về phương án thi gần đây, hầu hết các thầy cô giáo, nhà khoa học đều có chung quan điểm về thế mạnh cũng như điểm yếu của thi trắc nghiệm so với thi tự luận. Điều khác biệt dẫn đến việc kết luận thi trắc nghiệm được ủng hộ hay không lại đến từ quan điểm khác nhau của họ về việc mục đích sau cùng của đào tạo ở cấp phổ thông trung học.

“Theo mình, giáo dục và đào tạo ở bậc phổ thông trung học là nhằm mục đích mang đến cho các bạn học sinh có một cái nhìn toàn cảnh, không sâu, nhưng rộng và chuẩn xác về nhiều mảng kiến thức khác nhau. Việc nắm rõ các kiến thức cơ bản của nhiều ngành khác nhau có mức độ quan trọng cực kỳ lớn, được phản ánh trong suốt cuộc đời. Việc đào tạo và hướng dẫn cho các bạn có thể tự tìm tòi, tư duy, khám phá các kiến thức mới có thể được khuyến khích, nhưng theo mình chưa nên là trọng tâm trong giai đoạn này.

Trong hai hình thức thi tự luận và trắc nghiệm, tự luận là phương pháp dẫn đến việc đánh giá học lực, kiến thức của thí sinh một cách chuẩn xác hơn. Tuy nhiên thi trắc nghiệm cũng có rất nhiều ưu điểm như: nhanh gọn, độ chính xác cực cao, khung thời gian của bài thi được sử dụng cực kỳ hiệu quả nên có thể bao quát nhiều nội dung hơn. Và đối với các cuộc thi có quy mô lớn thì trắc nghiệm dường như là biện pháp tối ưu nhất. Vì thế, theo góc nhìn của mình về giáo dục và đào tạo ở bậc PTTH, với tình trạng giáo dục hiện nay ở Việt Nam, mình ủng hộ việc đưa phương án thi trắc nghiệm vào kỳ thi 2017”, ông Trung bày tỏ quan điểm.

Đề thi trắc nghiệm phải chú trọng vào kỹ năng tư duy lập luận(ảnh minh họa)

Tuy nhiên, nhà vật lý gốc Việt cũng lưu ý, việc dùng kết quả thi tốt nghiệp PTTH để xét tuyển ĐH-CĐ là việc làm xoá nhòa đi ranh giới giữa hai cấp độ giáo dục, mục đích giáo dục khác nhau. Song, với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, để tiết kiệm chi phí cho toàn dân và giảm áp lực lên học sinh, việc dùng phương án thi trắc nghiệm cho cả 2 mục tiêu vẫn có thể chấp nhận được nếu bài thi có thể đáp ứng được cả 2 nội dung đó.

Thành danh trong lĩnh vực khoa học cơ bản, ở ngành Vật lý tại châu Âu, TS Lưu Trần Trung được mời đi giảng dạy ở nhiều trường đại học, phòng thí nghiệm nổi tiếng thế giới và ông Trung thấy rằng, phương pháp “một kì thi 2 mục đích” cũng được nhiều nước áp dụng vì lý do thực tế. “Tuy nhiên, việc đảm bảo được “đầu ra” của giáo dục đại học trong khi “đầu vào” chưa được kiểm soát chặt chẽ lắm được thực hiện bằng cách tổ chức nhiều kỳ thi vượt rào dẫn đến hơn 50% số sinh viên đỗ đại học nhưng bị loại sau 1 hoặc 2 năm học”.

“Vì thế phương án thi gộp như thế này cần được đồng hành bởi chính sách giáo dục đại học tương ứng, một điều rất cần thiết (và quan trọng hơn) ở Việt Nam hiện nay”, TS vật lý gốc Việt nhấn mạnh.

Nên có phần thi tự luận (20-30% đề thi) nhắm vào các thí sinh ưu tú

GS. Phạm Quang Tuấn, tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Công nghệ Hóa tại Đại học Canterbury University, New Zealand; ông làm việc tại khoa Công nghiệp Hóa học thuộc Đại học New South Wales (Úc) trước khi về hưu và đã có hàng trăm công trình trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành.

Theo GS Tuấn, một kỳ thi tốt là khi các câu hỏi trong đề thi phải đo lường chính xác được các kỹ năng của thí sinh ở mọi trình độ (từ kém nhất đến giỏi nhất). Ông cho rằng, thi trắc nghiệm (multiple choice questions hay những câu hỏi có thể chấm bằng máy) là một cách nhanh và công bằng, khách quan để thẩm định kiến thức và một số kỹ năng nào đó. Tuy nhiên có những kỹ năng khác như khả năng viết, phê bình, lý luận cấp cao, giải quyết vấn đề (problem solving), suy nghĩ độc lập (independent thought), độc đáo (originalty) thì cần phải trả lời bằng bài viết.

“Tuy nhiên, chấm bài viết thì lại khó công bằng vì dựa vào thẩm định chủ quan của người chấm. Chỉ một người chấm cũng có thể cho điểm khác nhau cùng một bài tùy lúc họ vui, buồn, khỏe khoắn hay mệt, chán. Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, không cách nào mà viết ra trước những chỉ tiêu để điểm chấm vừa chính xác vừa công bằng, vì bài viết của thí sinh luôn luôn chứa những cái - đúng hay sai - mà người ra câu hỏi không thể lường trước”, GS Tuấn chia sẻ.

Vậy đó có phải là lý do để bỏ những câu hỏi tự luận không? Theo tôi thì không! - ông Tuấn nói.

Vị GS này quan điểm: “Dù chấm bài tự luận rất khó khách quan và chính xác, nhưng những bài thật xuất sắc thường là dễ nhận ra. Tuy nhiên, còn một lý do rất mạnh nữa để giữ lại những câu hỏi tự luận: Thi không phải chỉ là để kiểm điểm kết quả học, mà nó còn đóng vai trò (rất tệ hại, không cố ý và không ai muốn, nhưng rất quan trọng) là hướng dẫn cách học của học sinh và cách dạy học của trường, của thầy.

Nếu thi toàn trắc nghiệm, thì phần lớn trò sẽ học trò và thầy sẽ dạy với mục đích là đỗ trắc nghiệm. Các kỹ thuật để đỗ trắc nghiệm sẽ được rèn luyện thật kỹ trong khi các kỹ năng cao như viết bài, lý luận, phê bình, thuyết phục người đọc sẽ bị lơ là. Hậu quả sẽ rất tai hại và học sinh sẽ không được sửa soạn đầy đủ cho đại học và cho trường đời”.

Vì vậy, theo GS Phạm Quang Tuấn, vẫn nên có cả những câu hỏi trắc nghiệm lẫn những câu hỏi tự luận trong một kỳ thi.

“Phần trắc nghiệm có thể nhắm vào 70-80% (bottom 70-80%) các thí sinh có trình độ dưới và trung bình. Phần tự luận sẽ ở một mức độ khá khó và nhắm vào các thí sinh ưu tú hơn. Nếu có một sự khác biệt quá lớn về điểm giữa hai phần (chẳng hạn 10/100 ở phần trắc nghiệm và 80/100 ở phần tự luận) thì nên duyệt lại xem điểm phần tự luận có chính xác không. Về cách làm câu hỏi trắc nghiệm thì đã có rất nhiều tài liệu hướng dẫn bằng tiếng Anh”, GS Tuấn đóng góp.

Bài thi trắc nghiệm phải chú trọng vào kỹ năng tư duy lập luận

Nữ du học sinh Lê Hồng Nhung (sinh viên Toán và Kinh Tế trường Wellesley, Mỹ), người đồng sáng lập Trại hè Toán và Khoa học (MaSSP) phi lợi nhuận cho học sinh cấp 3 ở Việt Nam lại chia sẻ ý kiến của bản thân về cách ra đề thi trắc nghiệm ở môn Toán và Tổ hợp Khoa học tự nhiên phù hợp và đảm bảo hiệu quả đánh giá năng lực học sinh.

Hồng Nhung bày tỏ: “Mình đi du học từ năm lớp 11, chưa có bằng tốt nghiệp cấp ba ở Việt Nam, nên những ý kiến của mình về việc ra đề thi trắc nghiệm môn Toán và Tổ hợp khoa học tự nhiên chỉ là ý kiến chủ quan, và dựa trên kinh nghiệm học tập và thi cử của mình ở nước ngoài.

Hai năm lớp 11, 12 mình học bằng Tú Tài Quốc tế (IB) tại UWCSEA, Singapore. Chương trình này, từ một góc độ nào đó cũng giống như thi tốt nghiệp THPT ở Việt Nam vì chỉ có một kì thì IB cuối cùng để đánh giá kết quả học tập trong suốt hai năm học IB. IB có một điểm rất hay là trong một số bài kiểm tra, đặc biệt là các môn Toán và Khoa học, học sinh được phát quyển công thức và kiến thức trọng tâm, giúp học sinh tập trung tư duy giải bài thay vì ghi nhớ thuộc lòng”.

Do đó nữ sinh viên ngành Toán cho rằng, bài kiểm tra trắc nghiệm mà Bộ sắp ban hành nên chú trọng vào kĩ năng tư duy và lập luận của học sinh, thay vì tập trung vào kiến thức học thuộc lòng.

“Điều đó có nghĩa là học sinh có thể được phát tài liệu bao gồm các công thức, định lý tiêu biểu. Như vậy, bài kiểm tra đánh giá được khả năng tư duy nhạy bén của học sinh trong việc giải bài, và tính linh hoạt và tư duy chọn lọc để sử dụng công thức hay định lý cần thiết. Quan trọng hơn, việc cung cấp tài liệu giúp giảm áp lực phải ghi nhớ một mớ công thức và tạo động lực cho các em không mang phao vào phòng thi (vì những cái học sinh thường cần phao là công thức, mà giờ công thức đã cho sẵn hết rồi)”, Hồng Nhung kiến nghị.

Theo Dân trí, nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/de-thi-trac-nghiem-phai-chu-trong-vao-ky-nang-tu-duy-lap-luan-2016092309011017.htm