Hai ngày nữa, gần một triệu thí sinh cả nước bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2016. Theo Bộ GD&ĐT, công tác chuẩn bị cho kỳ thi cơ bản đã hoàn thành.

Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ở các địa phương, không còn cảnh phụ huynh, thí sinh đổ về các thành phố lớn dự thi như những năm trước.

Nhiều địa phương lần đầu tổ chức kỳ thi THPT với số lượng thí sinh khá lớn, còn bỡ ngỡ, nhưng với sự cố gắng của địa phương, các trường đại học phụ trách, mọi công tác đến nay cơ bản đã hoàn thành.

Hàng nghìn cán bộ coi thi về các tỉnh

Sáng 29/6, hàng nghìn giảng viên, cán bộ, sinh viên năm cuối của các trường đại học tại TP HCM bắt đầu di chuyển về các tỉnh để phục vụ công tác coi thi.

Tại ĐH Kinh tế TP HCM, 13 xe chở hơn 400 cán bộ coi thi đã khởi hành tới Bình Phước. Trường còn lập website cập nhật tình hình tổ chức thi để phục vụ việc tra cứu thông tin cho cán bộ như: Danh sách từng điểm thi, thông tin khách sạn, lịch làm việc từng người, xe đi và về...

Năm nay, ĐH Kinh tế TP HCM được phân công phối hợp Sở GD&ĐT Bình Phước tổ chức 3 cụm thi của tỉnh tại Đồng Xoài, Bình Long và Phước Long với hơn 9.000 thí sinh.

Đề thi THPT quốc gia được chuyển ra đảo bằng máy bayThí sinh tự do nhận báo dự thi tại Văn phòng Bộ GD&ĐT tại TP HCM chiều 28/6. Ảnh:Phước Tuần

“Do khu vực thị xã Đồng Xoài không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, cũng như điều kiện ăn ở cho thí sinh, trường đã tổ chức 3 khu vực thi chính gồm 13 điểm thi tập trung tại thị xã Đồng Xoài (6 điểm thi), Bình Long (5 điểm thi) và Phước Long (2 điểm thi). Khoảng cách trung bình mỗi địa điểm là 70km”, TS Trần Thế Hoàng, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP HCM nói.

Trong khi đó, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM phụ trách tổ chức kỳ thi ở tỉnh Bình Thuận. Trường đã thuê 2 khách sạn và một khu resort để phục vụ công tác ăn ở, nghỉ ngơi cho gần 200 cán bộ coi thi.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, trường phân bổ lực lượng thành 2 đợt để di chuyển tới Bình Thuận. Gần 200 cán bộ giám sát, trưởng điểm thi và thường trực hội đồng đã có mặt ở địa phương từ chiều 27/6 để chuẩn bị các khâu cuối cùng cho kỳ thi THPT quốc gia.

Chiều 28/6, ĐH Ngân hàng TP HCM cũng có chuyến xe đầu tiên di chuyển xuống Sóc Trăng. Sáng 29/6, hơn 200 cán bộ coi thi của trường này cũng rời TP HCM.

"Đề thi THPT quốc gia 2016 sẽ có sự phân hóa cao, từ cơ bản đến khó... An toàn đề thi là vấn đề được coi trọng. Công tác vận chuyển, sao in, cung cấp đề thi cần thực hiện nghiêm ngặt, có sự tham gia của lực lượng an ninh".

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Cũng trong sáng nay, cán bộ coi thi của ĐH Tài chính Marketing TP HCM về thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông, chuẩn bị cho công tác coi thi. Các trường ĐH Công nghiệp TP HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM, ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TP HCM), ĐH Luật TP HCM cũng bắt đầu đưa cán bộ coi thi về các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bến Tre.

Cụ thể, cụm thi Bến Tre do ĐH Luật TP HCM chủ trì, huy động hơn 600 cán bộ coi thi. Trong đó, hơn 300 cán bộ của trường đã được tập huấn công tác coi thi, điều động phục vụ kỳ thi.

PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng ĐH Luật TP HCM, cho biết, ngày 29/6, các cán bộ coi thi từ TP HCM có mặt tại Bến Tre để triển khai phương án thi và tập huấn cho cán bộ coi thi huy động tại chỗ. Khâu in sao đề thi do ĐH Sư phạm TP HCM đảm trách và vận chuyển về Bến Tre trong ngày 30/6.

Di chuyển cán bộ coi thi xa nhất có lẽ là ĐH Nông lâm TP HCM chủ trì cụm thi ở Gia Lai. Trường đã huy động 700 cán bộ coi thi, trong đó điều động hơn 300 cán bộ coi thi từ TP HCM lên Gia Lai.

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông lâm TP HCM, thông tin, từ ngày 27/6, cán bộ coi thi của trường có mặt tại Gia Lai để tập huấn công tác coi thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, an toàn, đúng thủ tục.

Được biết, ngay sau khi nhận được quyết định phân công phụ trách các tỉnh, các trường đại học ở TP HCM đã bắt đầu liên hệ ngay với Sở GD&ĐT ở địa phương, các trường CĐ Sư phạm cộng đồng để chuẩn bị cán bộ coi thi, địa điểm ăn ở, nghỉ ngơi cho cán bộ, giảng viên.

Đảm bảo tuyệt đối an toàn khi di chuyển đề thi

Năm nay, hầu hết các cụm thi ở các tỉnh phía Nam đều chọn phương án in sao đề thi ở ngay tại TP HCM rồi vận chuyển về các tỉnh. Sau khi thi xong, các bài thi cũng được vận chuyển ngược lại TP HCM chấm, nhằm đảm bảo an toàn và công bằng trong công tác chấm thi.

Cũng có một số sở GD&ĐT tổ chức cụm thi chỉ xét tốt nghiệp THPT quyết định in sao đề thi ngay tại tỉnh, vì thế một tỉnh có thể có 2 phương án in sao đề thi do Sở GD&ĐT in tại tỉnh và do các trường đại học in tại TP HCM rồi vận chuyển xuống trước kỳ thi.

Đề thi THPT quốc gia được chuyển ra đảo bằng máy bayLịch thi THPT quốc gia 2016. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Trong chuyến kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia mới đây tại ĐH Kinh tế TP HCM, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga lưu ý các trường cần chủ động, trực tiếp liên lạc với giáo viên chấm thi ở TP HCM để nắm được tình hình, đảm bảo công tác chấm thi phải công bằng, đúng tiến độ nhằm tránh thiệt thòi cho thí sinh. Bởi vì, năm nay, TP HCM chịu nhiều áp lực khi các tỉnh, thành khu vực phía Nam đưa bài về đây để chấm.

Ở các địa phương, mọi công tác chuẩn bị cho cụm thi do các trường đại học chủ trì, cũng như cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì cơ bản đã sẵn sàng. Ngoài việc chuẩn bị hậu cần, các phương án nhằm đảm bảo an ninh ở cụm thi tốt nghiệp cũng được ngành giáo dục chuẩn bị kỹ lưỡng.

Năm nay, ĐH Kiên Giang chủ trì cụm thi ở tỉnh Kiên Giang, quyết định tổ chức 1 cụm thi ngay tại huyện đảo Phú Quốc nhằm giúp thí sinh không phải vào TP Rạch Giá để dự thi. Điểm thi Phú Quốc (thuộc huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang) được xem là xa nhất ở ngoài đất liền.

ĐH Kiên Giang đã quyết định chọn phương án vận chuyển đề thi, bài thi bằng máy bay ra đảo và về đất liền để tránh những tác động xấu của thời tiết. Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo ĐH Kiên Giang kiểm tra chặt chẽ kế hoạch vận chuyển, kiểm tra các khâu chuẩn bị để đảm bảo an toàn đề thi và bài thi.

Từ chiều 28/6, theo thông tin từ Sở GD&ĐT hai tỉnh Bình Thuận và Vũng Tàu, gần 1.000 thí sinh ở hai huyện đảo Phú Quý và Côn Đảo cũng đã vào đất liền an toàn để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Tại 2 địa phương trên, Sở GD&ĐT, tỉnh đoàn Bình Thuận và Bến Tre đã bố trí địa điểm ở miễn phí cho thí sinh 2 huyện đảo này.

Theo Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh tự thi THPT quốc gia năm 2016 là 887.396 (giảm 118.258 thí sinh so với năm 2015). Số thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT là 286.129, đạt tỷ lệ 32% (năm 2015 là 28%).

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra từ ngày 1 đến 4/7, với 8 môn thi, bao gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.

Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm.

Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cả nước có 120 cụm thi, gồm 70 cụm thi do các trường đại học chủ trì và 50 cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì.

 

Theo Zing


Xem thêm thông tin tuyển sinh, tuyển sinh 2016 nhanh nhất tại kenhtuyensinh.vn