Một số giáo viên (GV) phản hồi đề thi minh họa môn địa lý mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố ngày 14-5 có những sai sót về mặt kiến thức, làm khó thí sinh.
Đề thi "chơi khó" học sinh
Một GV môn địa lý ở Đồng Nai cho biết câu 44 trong đề thi minh họa có câu hỏi: "Quốc lộ 1 bắt đầu từ tỉnh Lạng̣ Sơn và kết thúc ở? Đáp án: A. Cần Thơ; B. Kiên Giang; C. Cà Mau; D. TP HCM". Tuy nhiên, theo GV này, nước ta không có Quốc lộ 1 mà chỉ có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 1K... Như vậy, theo GV này, không có đáp án nào mà Bộ GD-ĐT đưa ra là đúng.
Tương tự, ở câu 52: "Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 10, cho biết hệ thống sông nào sau đây nằm cả ở phần lãnh thổ phía Bắc và phần lãnh thổ phía Nam nước ta? A. Đồng Nai; B. Cả; C. Thu Bồn; D. Mê Kông". Đánh giá về câu hỏi này, GV này thẳng thắn: "Tôi dạy địa lý trên 30 năm nhưng không thể trả lời được. Chẳng lẽ nước ta có hệ thống sông chảy từ miền Bắc xuống tận miền Nam?".
GV địa lý của một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng cho rằng sai sót ở câu hỏi về Quốc lộ 1 là quá đáng tiếc. "Từ năm 2012, nước ta không còn khái niệm Quốc lộ 1 mà xuất hiện tuyến Quốc lộ 1A thay cho tuyến đường 1 trước đây. Đề thi năm 2017 không thể dùng kiến thức lạc hậu để hỏi học sinh. Hay là Bộ GD-ĐT muốn dùng Quốc lộ 1 để chỉ cho cả Quốc lộ 1A, 1B, 1K?" - GV này thắc mắc.
Về đáp án của câu 52, một GV chia sẻ sông Thạch Hãn chảy qua vĩ tuyến 17 giữa 2 miền Nam - Bắc nhưng trong phương án của bộ lại không có đáp án này. Không ít GV cũng cho biết nếu theo câu hỏi của bộ thì không có con sông nào như thế.
Phản hồi trước những ý kiến trên, PGS-TS Nguyễn Đức Vũ, thay mặt tổ xây dựng đề tham khảo môn địa lý, cho hay sẽ rút kinh nghiệm trước những sai sót này. Theo ông Vũ, đề thi tham khảo nhằm giúp thí sinh và GV biết được định dạng đề thi để ôn tập cho tốt, không có mục đích định hướng cụ thể nội dung kiến thức nào sẽ thi.
"Trong quá trình làm đề, tổ xây dựng đề tham khảo môn địa lý đã căn cứ vào sách giáo khoa (SGK) và Atlat để bảo đảm sự phù hợp và thống nhất trong dạy học và thi. Tuy nhiên, có một số nội dung trong SGK có thể đã lạc hậu do tình hình kinh tế - xã hội thay đổi liên tục trong khi SGK chưa thể cập nhật thường xuyên. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm khi làm đề thi chính thức, không đưa các thông tin chưa được cập nhật trong SGK vào đề thi để tránh gây ra những tranh luận không đáng có" - PGS-TS Vũ nói.
Xem thêm: Thông tin tuyển sinh 2017 cập nhật mới nhất
Dễ sai một li, đi một dặm
Trước những sai sót này, không ít GV cũng như chuyên gia giáo dục bày tỏ sự lo lắng về chất lượng đề thi năm nay, đặc biệt khi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã đến rất gần. "Đề thi trắc nghiệm rất nhiều câu, kiến thức lại rộng, nếu khâu làm đề không cẩn thận thì dễ "sai một li, đi một dặm" - hiệu trưởng một trường THPT bày tỏ.
Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT, cho biết đến thời điểm hiện tại, công tác thử nghiệm câu hỏi thi, đề thi đã hoàn thành, bộ đang tiếp tục triển khai các bước tiếp theo của quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, bảo đảm kịp tiến độ phục vụ kỳ thi chính thức vào tháng 6-2017.
Ông Hồng cũng cho biết quy trình xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa được thực hiện theo 8 bước nghiêm ngặt. Mỗi bước lại bao gồm rất nhiều quy trình nhỏ để chuẩn hóa câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Từ việc ra câu hỏi thô, rồi từ câu hỏi thô sang câu hỏi được chuẩn hóa phải trải qua các vòng biên tập, thẩm định, thử nghiệm câu hỏi, tinh chỉnh, thử nghiệm đề thi...
Ông Hồng khẳng định khi tổ chức kỳ thi chính thức, Bộ GD-ĐT sẽ thành lập hội đồng đề thi gồm các chuyên gia môn học có kinh nghiệm trong chuyên môn và trong công tác xây dựng đề thi để làm việc theo hình thức cách ly hoàn toàn, chính thức chọn lựa các câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa để xây dựng đề thi phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Theo Báo Người lao động