Đề thi minh họa môn Sinh: Nhiều câu tích hợp, đòi hỏi biết vận dụng mới làm tốt

Nhận định: Đề thi minh họa gồm 30 câu lí thuyết và 30 câu bài tập vận dụng có tính toán, giống cấu trúc đề thi ĐH hằng năm nên sẽ làm khó các HS 12.

- Nhiều câu tích hợp nhiều qui luật di truyền hoặc tích hợp giữa toán lai và toán quần thể, giữa toán lai với đột biến số lượng (khoảng 15 câu) nên các em cần lưu ý và luyện thêm phần này.

-Nhiều câu bài tập cần kĩ năng rèn luyện cao mới giải quyết được trong thời gian ngắn nhất nên học sinh THPT sẽ gặp nhiều khó khăn để hoàn thành tốt bài thi.

-Nhiều câu lý thuyết vận dụng, nâng cao đòi hỏi HS học bài kĩ càng, không chỉ thuộc bài mà còn phải hiểu bài, biết vận dụng để trả lời những câu hỏi tống hợp và câu hỏi vận dụng kiến thức thực tế.

- Đề thi minh họa có nội dung bám sát chương trình SGK 12, đề thi phân hóa rõ HS. Độ khó bằng với đề thi tuyền sinh ĐH nên sẽ là bình thường với thí sinh thi ĐH&CĐ, nhưng khá ngỡ ngàng với HS chỉ cần tốt nghiệp phổ thông. Điều này sẽ làm các em lo ngại trong việc chọn môn thi thứ 4 là sinh học.

Lời khuyên: Nếu HS chỉ học trên lớp 1,5 tiết/tuần như qui định của Bộ GD&ĐT thì e ngại mức độ khó của đề thi này sẽ không phù hợp. Vì vậy, các HS và thầy cô phải tìm cách khắc phục như tăng tiết, phụ đạo. Tốt nhất là không nên chọn môn sinh là môn thi thứ 4.

- Dự đoán HS giỏi ở trường THPT chỉ đạt 6-7 điềm, HS khá chỉ đạt 5-6 điểm, HS trung bình đạt 3-4 điểm.

Giáo viên Phạm Thị Thu Hằng (Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn)

Đề thi minh họa môn Hóa: Phần toán khá khó

Cấu trúc đề thi minh họa môn hóa gồm có 32 câu lý thuyết và 18 bài toán.

Lý thuyết: 17 câu vô cơ và 15 câu hữu cơ. Trong đó, phần lớp 10 gồm có 4 câu, lớp 11 gồm có 8 câu, lớp 12 gồm có 10 câu. Còn lại 10 câu dạng tổng hợp. 30 câu hỏi ở mức độ dễ, chỉ có 2 câu ở mức độ khó.

Toán: Gồm 18 bài toán, trong đó có khoảng 3 bài dành cho học sinh khá, 10 bài dành cho học sinh giỏi, 5 bài dành cho học sinh xuất sắc.

Nhận định: Với cấu trúc đề thi như trên, HS trung bình có thể làm được khoảng 25 câu lý thuyết (5 điểm). Các câu hỏi lý thuyết ở dạng tổng hợp, các em dễ mắc sai sót. Hầu như HS trung bình không làm được bài toán nào cả. HS khá có khả năng làm tốt khoảng 30 câu lý thuyết và 3 bài toán (6,5 điểm). HS giỏi có thể đạt 6,5 điểm đến 8 điểm. Điểm trên 8 chỉ dành cho HS xuất sắc.
Đề thi có mức độ phân hóa rất cao. Điểm trên 6,5 xứng đáng để xét tuyển sinh 2015 vào các trường đại học công lập.

Lời khuyên: Ngoài chương trình lớp 12, HS phải cố gắng ôn lại kiến thức lý thuyết của chương trình lớp 10 và 11 mới có thể làm được trọn vẹn phần lý thuyết (6,5 điểm). Phần Toán khó hơn nhiều. Các em cần phải phân dạng  toán cụ thể để ôn tập cho tốt.

Thạc sĩ Bùi Văn Thơm

Theo báo Pháp luật TP.HCM
  • tin gốc: http://phapluattp.vn/giao-duc/de-thi-minh-hoa-mon-sinh-nhieu-cau-tich-hop-doi-hoi-biet-van-dung-moi-lam-tot-542138.html
  • http://phapluattp.vn/giao-duc/de-thi-minh-hoa-mon-hoa-phan-toan-kha-kho-542139.html

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, điểm thi đại học, tra điểm thi tốt nghiệp, kỳ thi THPT quốc gia