Với sự thay đổi rõ nét này, học sinh phải sớm thay đổi cách học và kiểm tra đánh giá nội dung.
Trên đây là ý kiến của TS. Văn học Phạm Hữu Cường (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) về đề minh họa môn Ngữ văn 2017 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.
Giảm thời gian và số lượng câu hỏi
Theo TS Cường, đề thi minh họa có một số điều chỉnh rất đáng lưu ý. So với đề thi THPT quốc gia 2016 đề minh họa môn Ngữ văn 2017 giảm đi 1/3 thời lượng (từ 180 phút rút xuống chỉ còn 120 phút). Tổng số câu hỏi trong đề thi cũng giảm từ 10 câu xuống còn 6 câu.
Ở phần Đọc hiểu - dù vẫn giữ nguyên 3,0 điểm - nhưng số văn bản cần đọc hiểu đã giảm từ 2 xuống còn 1 văn bản và lượng câu hỏi cũng giảm từ 8 xuống còn 4 câu. 3/4 câu hỏi ở phần đọc hiểu đều có hướng mở.
Ở phần Nghị luận xã hội (Câu 1, phần Làm văn), điểm số giảm từ 3,0 điểm xuống còn 2,0 điểm. Phần này trước đây yêu cầu viết 1 bài 600 chữ, nhưng ở đề thi minh họa chỉ yêu cầu viết một đoạn văn 200 chữ. Việc điều chỉnh này có lợi cho học sinh chỉ dự thi ngữ văn để xét tốt nghiệp THPT, chỉ cần đạt điểm trung bình. Nhưng với thời gian hạn chế và dung lượng ngắn như thế, học sinh không có cơ hội để bày tỏ cảm xúc và thể hiện những sáng tạo trong nhìn nhận đánh giá vấn đề; thậm chí có thể viết máy móc, theo khuôn mẫu có sẵn.
Điểm mới và hay của đề thi minh họa là có sự tích hợp nội dung giữa phần đọc hiểu và phần nghị luận xã hội. Việc tích hợp này khá hay, vừa giúp tập trung vào một nội dung trên cùng văn bản, vừa đảm bảo thời gian phù hợp để có thể khai thác sâu luận đề chính theo hướng vận dụng cao.
Văn bản phần Đọc hiểu và vấn đề xã hội cần bàn luận không nằm trong sách giáo khoa nên học sinh không cần học thuộc mà có thể vận dụng kiến thức và kĩ năng đã học rồi suy nghĩ làm bài. Điều này có lợi cho thí sinh thuộc ban tự nhiên.
Phần Nghị luận văn học (câu 2, phần Làm văn) được tăng lên 5,0 điểm, nhưng do thời gian làm bài giảm đi, nên mức độ yêu cầu về kĩ năng, kiến thức và độ khó cũng giảm so với đề thi 2016. Do giới hạn về thời gian nên phần nghị luận văn học khó có thể ra những dạng đề mới, kích thích tư duy và sáng tạo của hs nên độ phân hóa của đề cũng khó thực hiện.
Nhìn chung, nội dung và lượng kiến thức được thể hiện trong đề thi minh họa khá phù hợp với thời lượng 120 phút. Đề minh họa môn Ngữ văn 2017 có sự phân hóa chưa cao, tập trung chủ yếu ở các câu hỏi số 2, 3 của phần Đọc hiểu và câu 1 phần Làm văn. Các câu hỏi chủ yếu yêu cầu tính chính xác nên chủ yếu người chấm đếm ý cho điểm. Học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức trọng tâm và cơ bản trong chương trình Ngữ văn 12 là có thể hoàn thành khá tốt bài thi.
Nắm vững kiến thức phần Đọc hiểu văn bản
Với sự thay đổi rõ nét trong đề minh họa môn Ngữ văn 2017, các em học sinh phải sớm thay đổi cách học và kiểm tra đánh giá nội dung.
Về ôn tập, các em cần nắm vững các kiến thức và kĩ năng cơ bản trong chương trình Ngữ văn THPT, nhất là chương trình Ngữ văn 12. Trong đó cần tập trung nắm vững các kiến thức cần thiết để làm bài Đọc hiểu văn bản, nhất là các phương thức biểu đạt và thao tác lập luận trong văn bản…đồng thời luyện tập nhiều qua các tình huống đề bài cụ thể.
Các em cũng cần rèn luyện kĩ năng viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ về một vấn đề xã hội trong khoảng 200 chữ. Dù câu Nghị luận xã hội trong đề minh họa được lấy từ phần Đọc hiểu, nhưng trong đề thi chính thức, có thể vấn đề nghị luận xã hội cần bàn luận vẫn là một vấn đề độc lập, gần giống như đề thi các năm trước. Vì vậy, cần nắm vững cấu trúc và yêu cầu của một đoạn văn; cũng như kĩ năng làm các kiểu bài Nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí và một hiện tượng đời sống.
Các em cần nắm vững các kiến thức cơ bản và trọng tâm về các văn bản trong chương trình Ngữ văn 12 như Tuyên ngôn Độc lập, Tây Tiến, Việt Bắc, Đất nước, Sóng, Người lái đò Sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Rừng xà nu, Chiếc thuyền ngoài xa, Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Dù phần Nghị luận văn học trong đề minh họa chỉ yêu cầu phân tích, nhưng bên cạnh kiểu bài phân tích, cảm nhận văn học, các em vẫn nên ôn tập kiểu bài so sánh văn học và bình luận văn học (với các vấn đề nhỏ, nhưng sâu sắc)
Khi làm bài thi, những thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp chỉ cần bám sát nội dung cơ bản nhất, trả lời ngắn gọn, trúng ý, không cần mất quá nhiều thời gian.
Nhưng với thí sinh xét tuyển 2017 các ban C, D và các tổ hợp có môn ngữ văn: Để có điểm tốt nhất tham gia xét tuyển, các em cần phải rèn luyện cách viết sâu sắc, đi vào trọng tâm, ngắn nhưng đủ ý, tránh lối viết dài dòng lan man, quá đề cao cảm xúc, nếu không các em sẽ không đủ thời gian làm bài.
Ở phần đọc hiểu, không chỉ phải trả lời đúng, đủ ý mà còn phải hiểu và làm tốt những câu hỏi có hướng mở để thêm điểm cộng. Ở phần Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học, nên cố gắng viết có suy nghĩ và cảm xúc riêng.
Nên phân bổ thời gian và dung lượng làm bài như sau; Đọc hiểu khoảng 30’ (khoảng 1 trang), Nghị luận xã hội khoảng 30’ (khoảng 1 trang), Nghị luận văn học khoảng 60’ (khoảng 2,5 - 3 trang).
Theo Dân trí, nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/de-thi-minh-hoa-mon-ngu-van-co-su-tich-hop-giua-doc-hieu-va-nghi-luan-xa-hoi-20161007125434791.htm