Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề nghị thiết kế chương trình môn Sử bậc THPT gồm hai phần: kiến thức lịch sử (bắt buộc), kiến thức định hướng nghề nghiệp (lựa chọn).
Bạn nghĩ sao về đề nghị cách thiết kế chương trình môn Sử bậc THPT?
Ngày 23/5, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục đã phân tích về thời lượng, nội dung của môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến, quy định Lịch sử là môn bắt buộc tại bậc THPT với khối lượng kiến thức phù hợp.
Ủy ban đề nghị thiết kế lại để chương trình môn Sử bao gồm kiến thức lịch sử (bắt buộc) và kiến thức định hướng nghề nghiệp (lựa chọn).
Cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng được Ủy ban báo cáo tóm tắt với Thường vụ Quốc hội. Theo đó, chương trình được chia thành hai giai đoạn gồm giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12). Lịch sử là môn bắt buộc trong giai đoạn giáo dục cơ bản, cung cấp kiến thức phổ thông, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới và Việt Nam.
Đến giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT), Lịch sử là môn học lựa chọn. Lúc này, chương trình chỉ yêu cầu học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Lịch sử, cũng như bốn môn khác, được học sinh tùy chọn học hay không theo sở thích và định hướng nghề nghiệp. Môn Sử ở bậc học này còn được giới thiệu qua hệ thống các chủ đề, chuyên đề học tập, giúp học sinh phát triển tư duy hệ thống, phản biện, kỹ năng khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu.
Sự thay đổi về thời lượng học lịch sử giữa chương trình cũ và mới cũng được Ủy ban tổng kết. Nếu học sinh chọn Lịch sử, các em sẽ học thêm 210 tiết trong ba năm THPT. Nếu đồng thời chọn học Sử và học các chuyên đề của môn này, số tiết Sử bậc THPT là 315. Với hai trường hợp trên, thời lượng Sử lần lượt tăng 70 và 175 tiết so với chương trình cũ.
Nhưng khi không chọn Lịch sử ở bậc THPT, so với chương trình cũ, các em học ít hơn 140 tiết.
Ủy ban Văn hóa Giáo dục đánh giá chương trình môn Sử có nhiều điểm mới, nhưng Lịch sử vẫn cần trở thành môn học bắt buộc bởi ba lý do.
Thứ nhất, đây là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng với thế hệ trẻ, đồng thời giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội.
Thứ hai, theo Ủy ban Văn hóa Giáo dục, xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh THPT có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và cách mạng Việt Nam. Đây là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, xã hội, các nguyên tắc ứng xử và định hướng giá trị con người.
Nếu không chọn môn này, học sinh không được tiếp cận với kiến thức quan trọng, có ý nghĩa giáo dục với lứa tuổi này.
Thứ ba, ở nhiều nước trên thế giới, Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua năm 2018, bắt đầu áp dụng với lớp 1 từ năm 2020. Năm 2021, chương trình triển khai với lớp 2 và 6, sau đó là ba lớp 3, 7, 10 (năm 2022), 4, 8 và 11 (2023), cuối cùng là 5, 9, 12 (2024).
Theo kế hoạch này, chưa đầy ba tháng nữa, chương trình mới bậc THPT bắt đầu áp dụng với lớp 10. Hiện, hầu hết địa phương đã hoàn thành việc chọn sách giáo khoa, xây dựng tổ hợp và công bố rộng rãi.
> Xét tuyển đánh giá năng lực: Chỉ tuyển 2.000 chỉ tiêu, hơn 27.000 thí sinh đăng ký
> Có nên tăng học phí cấp THPT trong năm học 2022 - 2023?
Theo VnExpress