Đề minh họa Địa lý tạo tâm lý an tâm cho HS chọn bài thi khoa học xã hộiGiờ học Địa lí của học sinh Trường THPT Yên Dũng số 3 (Bắc Giang)

Nhóm giáo viên Địa lí – Trường THPT Yên Dũng Số 3 (Bắc Giang): Việc dạy và học không thay đổi nhiều

Đề thi minh họa gồm 30 câu lí thuyết (chiếm 75%) và 10 câu thực hành (chiếm 25%). Phần câu hỏi lí thuyết kiến thức trải rộng trong chương trình Địa lý 12 theo các chủ đề: Địa lí tự nhiên; Địa lí dân cư; Địa lí các ngành kinh tế; Địa lí các vùng kinh tế.

Phần câu hỏi thực hành nhằm vào các kĩ năng cơ bản của môn Địa lí 12 như đọc Atlat Địa lí Việt Nam, nhận xét biểu đồ, phân tích bảng số liệu thống kê, nhận và chọn dạng biểu đồ thích hợp.

Phân tích đề thi minh họa nhận thấy, đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng của môn Địa lí. Bên cạnh phần kiến thức lí thuyết thì vẫn chú trọng đến việc rèn luyện các kĩ năng đặc thù của bộ môn như quan sát, nhận xét, phân tích biểu đồ, số liệu thống kê, khai thác Atlat…

Ngoài những câu hỏi về kiến thức phổ thông, trong chương trình học Địa lí 12 thì vẫn có một số câu hỏi yêu cầu học sinh phải biết vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề gắn thực tiễn, thời sự mang tính cập nhật liên quan đế các vấn đề về tự nhiên, dân cư, kinh tế-xã hội.

Đề thi đảm bảo tính vừa sức của học sinh và có tính phân hóa rõ ràng theo các mức độ nhận thức, phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau và phù hợp với các mục tiêu khác nhau (chỉ xét tốt nghiệp hoặc chỉ thi đại học hoặc cả xét tốt nghiệp và thi đại học)

Mức độ phân hóa của đề thi khá rõ ràng và đảm bảo tính kế thừa của đề thi năm 2016. Câu hỏi của đề thi được biên soạn và sắp xếp tăng dần theo các mức độ nhận thức từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao với tỷ lệ mức độ nhận biết và thông hiểu 60% (24 câu), vận dụng (thấp, cao) 40% (16 câu).

Vì vậy, đối với học sinh có học lực từ ttrung bình – khá, chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và một số kĩ năng thực hành thì mức điểm 5-6 có thể đạt được là không quá khó khăn.

Còn đối với những học sinh có học lực khá-giỏi muốn đạt điểm cao hơn để xét tuyển đại học 2017 thì bên cạnh việc nắm vững kiến thức, kĩ năng cơ bản, các em cần biết vận dụng linh hoạt những kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề mới, các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.

Về cơ bản, hình thức thi tự luận hay trắc nghiệm khách quan (TNKQ) chỉ khác về hình thức chứ không khác về nội dung, mỗi ý đúng trong câu hỏi hoặc bài tập tự luận sẽ là phương án đúng trong câu TNKQ.

Dù thi theo hình thức nào thì học sinh vẫn cần phải nắm vững và sử dụng cùng một kiến thức, kĩ năng theo chuẩn kiến thức, kĩ năng trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, thể hiện trong sách giáo khoa để trả lời câu hỏi. Do đó, việc dạy và học vẫn không có sự thay đổi nhiều so với trước đây.

Mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ sớm có chương trình tập huấn bồi dưỡng thêm các kĩ năng nghiệp vụ giành cho giáo viên để nâng cao các kĩ năng biên soạn đề thi trắc nghiệm, nâng cao các kĩ năng kiểm tra, đánh giá phù hợp và cập nhật với những định hướng, đổi mới của Bộ GD&ĐT trong thời gian tới.

Tổ Địa lí Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp): Lưu ý lý thuyết, vận dụng và sử dụng Atlat

Đề minh họa môn Địa lý đề thi minh họa bài thi khoa học xã hội của Bộ GD&ĐT có nội dung nằm trong chương trình. Ở phần nhận biết, mức độ đề ra vừa phải. Phần thông hiểu, các câu hỏi dẫn cần cụ thể, rõ ràng hơn; phần vận dụng cần đưa ra nhiều dạng hơn.

Để hoạt động ôn tập cho học sinh đạt hiệu quả cao, phần lý thuyết, giáo viên cần giúp học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, trọng tâm trong bài học từ nội dung sách giáo khoa.

Sử dụng Atlát: Giáo viên cần hướng dẫn học sinh khai thác Atlát dựa trên kiến thức cơ bản, trọng tâm trong bài học từ nội dung sách giáo khoa.

Phần vận dụng: Những nội dung quan trọng cần lưu ý là rèn luyện các kỹ năng vẽ, nhận xét, xử lý số liệu dựa trên các bảng số liệu thống kê từ sách giáo khoa, Atlát...


Thi THPT Quốc gia 2017

 

Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/de-minh-hoa-dia-li-tao-tam-ly-an-tam-cho-hs-chon-bai-thi-khoa-hoc-xa-hoi-2423808-v.html