Từ năm 2014 về trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh tổ chức riêng. Mức độ khó dễ về đề thi hầu hết ở các môn của 2 kỳ thi này có sự chênh lệch rất lớn. Theo nhận định của nhiều giám khảo môn toán, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể làm bài đạt từ 7 - 8 điểm. Nhưng khi làm đề kỳ thi tuyển sinh, với lực học như thế, chỉ có thể được 3 - 4 điểm.
Nhưng từ năm nay 2015, đề thi sẽ có sự phân loại nhằm mục đích xét tuyển. Thí sinh với mục đích nào cũng làm bài chung trong một đề. Nghĩa là thang điểm không thay đổi nhưng mức độ khó sẽ tăng lên. Thử làm một phép so sánh sau: Nếu học sinh trung bình, trước đây làm đề thi tốt nghiệp riêng, có thể đạt được 5 - 6 điểm/thang điểm 10, thì với đề thi chung năm nay, học sinh trung bình không thể đạt được điểm ở phần phân loại để xét tuyển nên thực chất thang điểm chỉ còn lại 6, 7 điểm. Thang điểm này dễ dàng kéo phổ điểm bài làm của học sinh dạng này xuống dưới 5 điểm. Đó là cái khó cho học sinh có điểm trung bình ở học bạ cả năm lớp 12 thấp. Khó khăn nhiều nhất là học sinh có lực học yếu, sẽ không dễ đỗ như trước đây.
Điều này cũng khó hơn cho người có suy nghĩ dùng môn này gánh điểm cho môn kia như trước đây. Vì khó có điểm 8 - 9 của môn này để bù cho môn khác 2 - 3 điểm...
Thí sinh sớm nhận thấy tình hình trên cần phải đầu tư ôn tập cho tốt, nhất là học sinh trung bình, yếu. Cân nhắc kỹ trong việc chọn môn thi; ôn kỹ, đều các môn đã đăng ký. Hơn hết, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT cũng cần chú ý điểm này để ra đề thi cho hợp lý.

Theo Thanh Niên, tin gốc: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/de-chung-co-the-se-kho-hon-cho-thi-sinh-chi-xet-tot-nghiep-535894.html