Nếu đề án thông qua, học sinh TP.HCM sẽ có kỳ thi THPT riêng.
Giảm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng có thể Sở GD-ĐT muốn giảm áp lực thi cử, giảm thời gian thi cho học sinh (HS). Tuy nhiên, nếu chỉ thi 3 môn văn, toán, ngoại ngữ (tức một tổ hợp xét tuyển D1) đồng nghĩa với việc giảm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ của HS trên địa bàn. Vì vậy, phương án này cần được cân nhắc kỹ để tăng cơ hội cho HS.
Tiến sĩ Trần Đình Lý cũng cho hay nhiều năm qua trường dành 100% chỉ tiêu xét tuyển thí sinh (TS) từ kỳ thi chung với 4 tổ hợp A, A1, B và D1, vì vậy nếu năm nay HS thành phố chỉ thi 3 môn thì rất khó cho việc sử dụng kết quả kỳ thi này. Điều này có thể diễn ra với nhiều trường khác khiến cơ hội xét tuyển vào ĐH bị giảm.
Tương tự, cán bộ đào tạo một trường ĐH nhận xét rằng trong hoàn cảnh cụ thể năm nay phương án này thực chất làm tăng thêm áp lực thi cử cho HS và các trường. Với những trường tuyển sinh các tổ hợp môn khác (ngoài khối D1), HS bắt buộc phải dự thi thêm lần nữa (kỳ thi THPT quốc gia hoặc kỳ thi riêng của trường ĐH) để có kết quả xét tuyển ĐH. “Nếu đề án thi của TP.HCM được thông qua, các địa phương khác cũng làm theo cách này thì cả nước sẽ bị đảo lộn. Không chỉ HS, bản thân các trường ĐH cũng đều bối rối khi thời gian từ nay đến lúc kỳ thi diễn ra không còn nhiều”, vị này nói.
|
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đề nghị Bộ nên xem xét kỹ phương án này vì hệ lụy sẽ rất lớn. Với dự thảo phương án thi và xét tuyển năm 2017 đã được Bộ công bố, sẽ không nhiều trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng mà sẽ dựa vào kỳ thi chung. Khi đó bắt buộc các HS TP.HCM muốn vào ĐH phải thi 2 lần, vì vậy đề án này thực hiện trong năm nay sẽ làm khó cho chính HS thành phố. “Có thể nói đề án này quá cá biệt và không khớp với bối cảnh chung cả nước năm nay. Chỉ nên thực hiện đề án nếu việc xét tốt nghiệp hoàn toàn độc lập với việc tuyển sinh, mà điều này thì cần có thời gian và lộ trình phù hợp”, thạc sĩ Vũ nói.
Theo tiến sĩ Lê Hữu Phước, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, dự kiến năm nay trường vẫn xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia do Bộ tổ chức. Do vậy, nếu TP.HCM chỉ tổ chức thi tốt nghiệp 3 môn sẽ khó cho trường khi xây dựng tổ hợp môn xét tuyển.
Không xét tuyển từ kết quả thi TP.HCM
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: “Nếu đề án này triển khai, trường thực sự thấy bối rối. TS trúng tuyển vào trường có hộ khẩu tại TP.HCM gần 1/4, trong khi đó khối D1 chỉ chiếm chưa tới 1/4 chỉ tiêu tuyển sinh của trường”.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ tỏ ra lo ngại HS của TP.HCM trúng tuyển vào Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM mỗi năm khá nhiều. Nếu Bộ thông qua đề án, trường bắt buộc phải tìm phương án xét tuyển phù hợp để xử lý tình huống. Nếu không tổ chức thi bổ sung hoặc xét tuyển dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của một đơn vị khác, có thể các trường phải tính đến phương án xét tuyển học bạ THPT với các môn còn lại. “Tuy nhiên, việc xét tuyển học bạ là điều các trường ĐH lớn không hề mong muốn, vì nếu được thì đã thực hiện từ nhiều năm trước”, đại diện một trường nói.
Trong khi đó, tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, dự kiến sẽ xét tuyển TS dựa vào 2 nguồn: kết quả thi THPT quốc gia và kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Vì vậy, TS TP.HCM thi tốt nghiệp theo hình thức nào, muốn xét tuyển vào trường vẫn phải tham dự thêm một trong 2 kỳ thi trên.
Tương tự, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, khẳng định đề án thi của TP.HCM chỉ là kỳ thi tốt nghiệp. Việc xét tuyển vào ĐH năm nay hiện còn là phương án mở. Trường sẽ quyết dựa vào quyết định cuối cùng của Bộ, trường có thể xét tuyển dựa vào kỳ thi chung của Bộ hoặc tổ chức kỳ thi riêng.
Còn thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nêu ý kiến: “Với định hướng chung của Bộ hiện nay, đề án của TP.HCM tạo thêm nhiều khó khăn. Nếu nhiều sở cùng thực hiện theo các cách khác nhau, người học sẽ rất hoang mang”.
Cũng theo thạc sĩ Sơn, trường hợp đề án của TP.HCM được thông qua, trường sẽ xét TS dựa trên 3 nguồn: kỳ thi THPT quốc gia, kỳ đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội và kết quả tốt nghiệp TP.HCM. Tuy nhiên, TS TP.HCM chỉ xét được vào trường bằng tổ hợp duy nhất D1. Nếu muốn xét tuyển vào trường bằng tổ hợp khác, TS bắt buộc phải dự thi thêm một trong 2 kỳ thi trên.
Bộ sẽ xem xét trên nguyên tắc phù hợp quy định chungTheo thông cáo báo chí của Bộ GD-ĐT phát đi tối qua (22.9) về đề án thi và xét tốt nghiệp THPT tại TP.HCM, Bộ cho biết chưa nhận được văn bản chính thức, tuy nhiên qua các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ đã biết việc này và có ý kiến như sau: Ngày 7.6.2016, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã làm việc với lãnh đạo TP.HCM về phát triển GD-ĐT TP. Kết luận buổi làm việc, hai bên thống nhất: Thành ủy TP.HCM sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển GD-ĐT thành phố, đồng thời chỉ đạo UBND TP xây dựng Đề án tổng thể phát triển GD-ĐT TP đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đề án này, TP.HCM sẽ thí điểm thực hiện một số mô hình giáo dục và cơ chế phù hợp với đặc thù của TP, trong đó có nội dung: "Tăng cường phân cấp cho TP thực hiện hầu hết các khâu trong tổ chức thi và xét tốt nghiệp dưới sự giám sát, hỗ trợ của Bộ, đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực HS". Sau buổi làm việc với TP.HCM và kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Bộ đã xây dựng và công bố dự thảo phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2017. Theo đó, năm 2017 Bộ tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thống nhất trong cả nước nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Bộ sẽ tăng cường phân cấp cho các địa phương thực hiện hầu hết các khâu trong tổ chức thi và xét tốt nghiệp năm 2017 dưới sự giám sát, hỗ trợ của Bộ, đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực HS. Bộ kết luận: “Khi nhận được đề án chính thức của TP.HCM, Bộ sẽ xem xét trên nguyên tắc phù hợp với các quy định chung và các điều kiện đặc thù của TP”. Tuệ Nguyễn |
Có thể dùng xét tuyển vào những trường ĐH tốp dướiTheo đề án, kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM từ năm 2017 được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Năm 2017 tổ chức vào ngày 2 và 3.6. TS dự thi 3 môn: ngữ văn, toán (tự luận), ngoại ngữ. Hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi môn thay thế ngoại ngữ. Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm tổ chức ra đề thi. Giai đoạn 2: Bắt đầu từ năm 2018 trở về sau. Ngoài 3 môn thi như giai đoạn 1, TS sẽ thi bài thi tích hợp, thời gian làm bài 120 phút. Môn thi tích hợp sẽ bao gồm nội dung kiến thức của các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 22.9, một lãnh đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng theo nhận định của Sở, với tình hình như hiện nay nhiều khả năng sẽ không còn kỳ thi 2 trong 1 do Bộ GD-ĐT tổ chức mà nhiều khả năng là các trường ĐH sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Chính vì thế, Sở đề xuất UBND TP.HCM thẩm định cho ý kiến về “Đề án thi và xét tốt nghiệp THPT tại TP.HCM từ năm 2017”. Nếu được Bộ chấp thuận thì kỳ thi tốt nghiệp THPT cho HS học tại TP.HCM sẽ diễn ra cùng thời điểm với kỳ thi THPT quốc gia. Một lãnh đạo khác của Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho biết: “Kết quả của kỳ thi này sẽ được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT. Đồng thời HS cũng có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển vào những trường ĐH tốp dưới, trường ĐH tư thục, trường CĐ, TCCN nếu thấy phù hợp. Trong trường hợp các trường tổ chức kỳ thi riêng thì HS tiếp tục tham gia thi để đáp ứng tuyển đầu vào theo yêu cầu của trường”. |
Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/de-an-thi-va-xet-tot-nghiep-thpt-cua-tphcm-tao-them-ap-luc-cho-hoc-sinh-747390.html