Đề án thi của TP.HCM làm giảm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ

Tiến sĩ Lê Chí Thông - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho rằng đề án của Sở GD-ĐT TPHCM vừa được công bố có phần bị vênh so với dự thảo phương án thi 2017 của Bộ GD-ĐT. Kỳ thi của Bộ là 2 trong 1 với mục đích vừa công nhận tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển ĐH, CĐ nên thí sinh thi kỳ thi này có lợi hơn học sinh TPHCM. Nếu theo đề án của TPHCM thì học sinh phải vừa thi kỳ thi của thành phố, vừa phải thi kỳ thi của Bộ GD hoặc của trường ĐH mới có thể tham gia xét tuyển vào ĐH được.

Đề án thi của TP.HCM làm giảm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐThi THPT quốc gia 2016 tại TPHCM

“Nếu kỳ thi của Bộ GD-ĐT chỉ là một kỳ thi quốc gia thôi thì đề án của TPHCM có thể hợp lý và xét tốt nghiệp THPT do Sở quy định. Tuy nhiên lúc đó Bộ phải quy định thi tốt nghiệp THPT phải do Sở GD chịu trách nhiệm. Còn Bộ đã đứng ra tổ chức kỳ thi 2 trong 1 thì việc thực hiện theo đề án của Sở sẽ không công bằng cho học sinh TPHCM”, ông Thông cho biết.

Cũng theo ông Thông, dự kiến trường ĐH Bách khoa sẽ xét tuyển dựa vào 2 nguồn: kết quả thi THPT quốc gia và kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM. Đối với đề án thi của Sở TPHCM chỉ 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ thì không đủ môn để trường xét tuyển. Trường lên dự kiến thi đánh giá năng lực riêng vì ngay cả phương án thi của Bộ GD-ĐT cũng không đủ thời gian đánh giá vì một bài thi 90 phút gồm 3 môn với 60 câu hỏi thì chưa đủ để đánh giá năng lực của thí sinh.

Còn Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM nêu ý kiến: “Với định hướng chung của Bộ hiện nay thì đề án của TPHCM lại trái ngược hoàn toàn. Về mặt thông tin cho thấy sự thiếu nhất quán của các cơ quan quản lý giáo dục đồng thời khiến người học sẽ rất hoang mang. Học sinh cũng sẽ gặp khó vì nếu xét tuyển theo khối thi truyền thống thì học sinh phải thi tiếp 1 kỳ thi mới có cơ hội vào được ĐH. Nhưng kèm theo đó là câu hỏi ai sẽ tổ chức kỳ thi đó, thì như thế nào. Do đó tôi không ủng hộ lắm với đề án của Sở GD TPHCM”.

Nếu đề án của TPHCM được thông qua thì dự kiến trường sẽ xét tuyển dựa trên 3 nguồn: kỳ thi THPT quốc gia, kỳ đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội và kết quả tốt nghiệp TPHCM. Tuy nhiên, thí sinh TPHCM chỉ xét được vào trường bằng tổ hợp duy nhất D1. Nếu muốn xét tuyển vào trường bằng tổ hợp khác, thí sinh bắt buộc phải dự thi thêm một trong 2 kỳ thi trên.

Ông Sơn cho rằng giao tự chủ cho các địa phương trong việc xét tốt nghiệp phổ thông là nên nhưng cần phải có lộ trình và phải tạo được sự ổn định cho người học. Nếu đề án thi của TPHCM được thông qua thì trường cũng đã có phương án xét tuyển trong đó dành một tỷ lệ chỉ tiêu để xét học bạ. Nhưng lúc đó trường cũng phải điều chỉnh thêm phương án tuyển sinh cho phù hợp nên sẽ tốn kém.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TPHCM, cho rằng có thể Sở GD-ĐT muốn giảm áp lực thi cử, giảm thời gian thi cho học sinh. Tuy nhiên, nếu chỉ thi 3 môn văn, toán, ngoại ngữ (tức một tổ hợp xét tuyển D1) đồng nghĩa với việc giảm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ của học sinh trên địa bàn. Vì vậy, phương án này cần được cân nhắc kỹ để tăng cơ hội cho học sinh

Tiến sĩ Trần Đình Lý cũng cho hay nhiều năm qua trường dành 100% chỉ tiêu xét tuyển thí sinh từ kỳ thi chung với 4 tổ hợp A, A1, B và D1, vì vậy nếu năm nay học sinh thành phố chỉ thi 3 môn thì rất khó cho việc sử dụng kết quả kỳ thi này. Điều này có thể diễn ra với nhiều trường khác khiến cơ hội xét tuyển vào ĐH bị giảm.

Tuyển sinh 2017


Theo Dân trí, nguồn: http://tuyensinh.dantri.com.vn/tuyen-sinh/de-an-thi-cua-tphcm-lam-giam-co-hoi-xet-tuyen-vao-dh-cd-20160926152414635.htm