Phát biểu tại Hội nghị nghị tổng kết năm học 2016 – 2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017 – 2018 diễn ra sáng 21/8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong năm học mới, Bộ GD-ĐT sẽ đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm.
Các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho các địa phương.
Số liệu về sinh viên sư phạm thất nghiệp cần chính xác
Đóng góp ý kiến vào nhiệm vụ trọng tâm trên, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, trong giai đoạn phát triển giáo dục hiện nay, chúng ta cần nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên.
Những thông tin đúng và đủ để xã hội biết về số liệu, tình trạng thừa-thiếu giáo viên, hiện cả nước có hơn 100 cơ sở đào tạo giáo viên nhưng số liệu về dự báo sinh viên sư phạm sẽ thất nghiệp cần chính xác, tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Điểm thi tuyển sinh “đầu vào” sư phạm thấp chỉ xảy ra ở một số trường ĐH và CĐ sư phạm ở địa phương. Còn những trường sư phạm truyền thống, có uy tín đào tạo ở tốp đầu vẫn lấy điểm chuẩn khá cao. Điểm chuẩn đầu vào không phải là tất cả nhưng lại là tham số đáng quan tâm khi tuyển sinh.
Mặt khác, do sự tồn tại của mình vẫn có trường sư phạm cố tuyển sinh bằng mọi giá. Điều này là hệ lụy của việc thiếu kiểm soát các cơ sở đào tạo sư phạm, việc xác định chỉ tiêu chưa thực hiện một cách rốt ráo. Thực trạng “cung” đào tạo sinh viên sư phạm đang vượt quá nhu cầu tuyển dụng đang diễn ra. Chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm còn có sự chênh lệch. Những bất cập này đã khiến xã hội lo lắng về chất lượng đào tạo, tác động không nhỏ đến tâm tư của học sinh giỏi muốn vào các trường sư phạm.
Vì vậy, theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, ngành Giáo dục cần sớm quy hoạch lại mạng lưới các trường đào tạo sư phạm dựa trên cơ sở phát triển, cần có những trường đầu tầu, trường trung tâm, các phân hiệu, các cơ sở sư phạm vệ tinh. Các phân khúc nối giữa ĐH và CĐ sư phạm, cơ sở thực hành và bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên cần có sự đầu tư phù hợp. Sở dĩ có thực trạng một số trường ĐH, CĐ đào tạo ở địa phương cố tuyển sinh vì sự tồn tại của họ nên nếu ngành giáo dục không sắp xếp lại thì sẽ gặp những khó khăn.
Cũng theo GS Minh, trên cơ sở điều tra về quy mô học sinh, sự thay đổi về số lượng đội ngũ giáo viên, phân bố dân cư, chúng ta sẽ có được những cơ sở đào tạo sư phạm tốt hơn. Đây cũng là cơ sở quan trọng để xác định việc làm cho sinh viên và góp phần giúp học sinh giỏi yên tâm khi đăng ký vào học sư phạm.
Ngành Giáo dục cũng cần sớm thực hiện kiểm định các cơ sở đào tạo sư phạm, công khai số liệu sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Việc đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng cũng là giúp sinh viên đăng ký vào trường để theo học. Trường nào đào tạo tốt thì có sự ưu tiên.
Bên cạnh đó, cần sớm cải tiến phương án cung cấp tài chính, đào tạo theo chương trình ứng với chỉ tiêu đặt hàng. Các trường sư phạm được Nhà nước đầu tư thì có quyền đặt hàng các trường, tránh tình trạng đầu tư trên đầu sinh viên như hiện nay. Cải tiến chế độ cấp bù học phí bằng việc cấp học bổng cao và cam kết tạo việc làm cho sinh viên sư phạm.
Việc quy hoạch lại các trường đào tạo sư phạm là thời cơ lớn cho các trường sư phạm cải tổ, thay đổi chương trình đào tạo và đề xuất phương án liên thông trong cả hệ thống. Vì vậy, các trường sư phạm cần có sự thay đổi quyết liệt khi thực hiện những điều này. Có như vậy, ngành Giáo dục mới có được những cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.
Không nên phân biệt giáo viên trường công lập hay tư thục
Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh- Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, sở dĩ thí sinh thờ ơ với ngành sư phạm, hay nhân lực ngành giáo dục trở thành vấn đề “nóng” thời gian qua là vì lâu nay, ngành đang “ở thế khó” hay nói cách khác là “ngành giáo dục đang rất khó điều hành”.
“Giáo viên là viên chức do Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ quản lý, trong khi Bộ GD-ĐT thì chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục. Việc này gây ra tình trạng khó điều hành trong công tác quản lý. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT cũng cần điều chỉnh và có những kiến nghị hợp lý, để tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý của mình” - ông Phan Thanh Bình chia sẻ.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần có chiến lược xây dựng đội ngũ giáo viên. Trong đó, ngoài đào tạo, cần có chính sách đúng cho thầy cô về vị trí, chất lượng, không nên phân biệt giáo viên trường công lập hay tư thục, mà là vị thế, đóng góp của họ cho xã hội.
Còn ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định nêu ý kiến, hiện nay, nhiều trường ĐH, CĐ ở địa phương đang đứng trước nguy cơ không tuyển sinh được. Nhiều trường đào tạo một lượng lớn sinh viên nhưng tốt nghiệp lại rất khó khăn tìm kiếm việc làm.
Vì vậy, ngành Giáo dục cần có dự báo nhu cầu giáo viên để sinh viên tốt nghiệp có thể xin được việc làm dễ dàng hơn./.
Theo VOV