Dạy học thích nghi với trắc nghiệm
Không khí học tập trong tiết học lịch sử của thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, rất khẩn trương.
Thầy Du nhận định việc thay đổi từ thi tự luận sang thi trắc nghiệm buộc HS phải học đều, không thể học tủ, học trọng tâm. Để giúp HS tiếp cận với cách học này, trường không dạy theo kiểu từng chương, bài như phân phối chương trình mà nhóm kiến thức thành các chủ đề. Từ đó, giúp HS xâu chuỗi, so sánh kiến thức để có sự phân biệt rõ ràng, tách bạch giữa các sự kiện lịch sử, tránh sự nhầm lẫn, nhập nhằng.
Cô Trần Phương Hoa, giáo viên địa lý trường này, chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn làm tốt bài thi trắc nghiệm môn địa lý không có cách nào khác là HS vừa phải nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa vừa phải nghe giảng trên lớp thật kỹ. Nhiều khi câu trả lời đúng và sai chỉ khác nhau một, hai từ”.
Còn cô Lê Thị Hồng Quyên, Trường THPT Trưng Vương, cho biết: “Tài liệu của trường soạn cô đọng hết sức có thể để kiến thức bài học thật ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ và chính xác với các “từ khóa” cực ngắn được rút lại từ những kiến thức cơ bản nhất mang “linh hồn” của bài học”.
Bên cạnh đó, các trường cũng tiến hành cho HS ôn tập theo kiểu cuốn chiếu. Cứ dạy xong mỗi chương, giáo viên soạn sẵn những câu hỏi trắc nghiệm để HS luyện tập. Ngoài ra, trước đợt thi giữa học kỳ, các trường cũng thường xuyên họp tổ bộ môn để bàn phương án ra đề trắc nghiệm phù hợp.
Bên cạnh đó, thầy Phạm Xuân Thiện - giáo viên môn toán Trường THPT Lê Quý Đôn cũng cho rằng việc thay đổi cách thi tốt nghiệp THPT ảnh hưởng lớn tới tâm lý của HS: “Trước đây thời gian 180 phút HS chỉ phải làm 10 bài toán. Nhưng nay 90 phút học sinh phải làm đến 50 bài toán. Việc này khiến HS bị áp lực nặng nề. Mặt khác HS cũng còn khá bỡ ngỡ với hình thức trắc nghiệm ở môn toán. Chính vì thế, để tạo tâm lý ổn định cho HS thì ngoài việc xây dựng chương trình học phù hợp với hình thức thi, giáo viên cũng cần dạy cho HS một vài kỹ năng để làm nhanh những bài toán trắc nghiệm”.
Ông Thiện dẫn chứng, với dạng bài như tính giá trị lớn nhất, nhỏ nhất nếu HS sử dụng thành thạo máy tính cầm tay thì có thể làm 1 câu hỏi trắc nghiệm chỉ trong thời gian chưa đến 1 phút. Còn đối với bài toán trắc nghiệm về hệ phương trình chỉ trong thời gian khoảng 2 phút. Thay vì đi giải hệ phương trình đó, HS có thể xử lý nhanh bằng cách thử kết quả…
Tuyen sinh 2017
Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/day-hoc-thich-nghi-voi-trac-nghiem-752830.html