Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện, chuẩn bị ban hành Thông tư Quy chế đào tạo trình độ đại học, trong đó có nội dung dạy học trực tuyến.
Một buổi dạy học trực tuyến của giảng viên một trường cao đẳng trong những ngày sinh viên nghỉ học do dịch Covid-19
NVCC
Trong năm 2021, Bộ cũng sẽ ban hành Dự thảo Thông tư quản lý dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông. Khi hình thức dạy học trực tuyến chính thức đưa vào quy chế, thông tư, các trường ĐH, phổ thông sẽ triển khai ra sao?
Đào tạo trực tuyến ngay trong điều kiện bình thường
Dự thảo lúc lấy ý kiến có đề cập nội dung quan trọng liên quan việc sắp xếp sinh viên vào học và tổ chức hoạt động giảng dạy. Theo đó, trên cơ sở đảm bảo các điều kiện để tổ chức giảng dạy trực tuyến theo quy định hiện hành của Bộ, việc tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến không được vượt quá 20% số tín chỉ của chương trình đào tạo. Cán bộ một trường ĐH cho biết trong bản dự thảo được chỉnh sửa mới nhất, các trường được phép tổ chức dạy học trực tuyến tối đa 30% số tín chỉ.
Như vậy, khi quy chế này được ban hành chính thức, các trường có thể triển khai hoạt động dạy học trực tuyến ngay trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, tùy theo các trường hoạt động dạy học này sẽ được triển khai ở mức độ khác nhau.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết sau một thời gian dạy học trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh, hiện nhà trường đã có sự chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết cho hoạt động này. Bên cạnh yếu tố đội ngũ và cơ sở vật chất, quan trọng nhất phải kể đến là việc ban hành quy định đảm bảo chất lượng trong đào tạo trực tuyến của trường.
“Dù quy chế của Bộ có thể cho phép áp dụng tối đa 30% chương trình nhưng quy định của trường con số tối đa này chỉ 20%. Đặc biệt, hình thức trực tuyến chỉ sử dụng trong hoạt động dạy học, không dùng cho việc kiểm tra, đánh giá”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, trực tuyến là một trong số các phương pháp dạy học kết hợp được chuẩn bị sẵn để sử dụng trong trường hợp cần thiết hoặc khi quy chế của Bộ chính thức ban hành.
Dạy trực tuyến từ 20 - 30%
PGS-TS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết sau một thời gian áp dụng hình thức trực tuyến thì thấy rằng, đây không phải là giải pháp tình thế được sử dụng trong điều kiện dịch bệnh mà trở thành xu thế trong thời gian tới. Khi có sự chuẩn bị tốt các điều kiện cho hình thức dạy học này, các trường không rơi vào tình huống bối rối mà hoàn toàn có thể chủ động trong mọi tình huống.
“Trường có đề xuất sử dụng hình thức trực tuyến cho tối đa 30% chương trình đào tạo, còn lại là giảng dạy trực tiếp. Tuy nhiên, quy chế chính thức của Bộ ra sao, trường sẽ thực hiện theo đúng quy định”, ông Hải thông tin.
Cũng theo lãnh đạo này, dù hiện tại trường không dạy học trực tuyến nhưng đang tiếp tục củng cố, chuẩn bị tốt hơn các điều kiện. Trong đó, có việc thành lập một trung tâm đào tạo trực tuyến để hỗ trợ giảng viên trong việc soạn bài, kỹ năng giảng bài… “Dạy học trực tuyến là một trong 2 khâu then chốt trường đẩy mạnh trong năm 2021. Trong đó có kế hoạch cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm dạy ở trường tiên tiến nước ngoài khi điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn”, ông Hải cho hay.
Dạy học trực tuyến là một trong 2 khâu then chốt trường đẩy mạnh trong năm 2021.
PGS-TS Trần Hoàng Hải (quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM)
PGS-TS Võ Trung Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), cho rằng hình thức dạy học trực tuyến chỉ có tính chất hỗ trợ dạy học hiệu quả hơn, không thể thay thế hoàn toàn việc dạy học trên lớp. Do vậy, nếu quy chế quy định, các trường có thể triển khai ở mức độ khác nhau với tối đa 20% số tín chỉ chương trình. Hình thức này có thể sử dụng trong các môn chung có tính chất lý thuyết, các môn chuyên ngành và cơ sở ngành cần thiết dạy học trên lớp để đảm bảo chất lượng hơn.
Theo ông Hùng, khung chương trình hiện nay mỗi môn trung bình 30 tiết. Với các môn học này, khi lên lớp giảng viên thường yêu cầu người học đọc trước tài liệu và thời gian trên lớp chủ yếu để thuyết trình, thảo luận, làm bài tập mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên nền tảng trực tuyến hiện nay còn nhiều khó khăn để dạy học theo hình thức trên.
Bậc phổ thông chỉ nên xem là cơ sở
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), với tư cách là người quản lý trường học, ông rất ủng hộ thông tư về quản lý dạy học trực tuyến vì đó là nền tảng để thực hiện công nghệ 4.0, số hóa trong giáo dục.
“Chúng ta cần phải chuyển đổi vì tình hình thực tế của nhân loại đang có quá nhiều thách thức. Đó là đại dịch Covid-19, động đất, sóng thần... Nếu không áp dụng công nghệ, việc học có thể bị gián đoạn khi có thiên tai, địch họa. Việc số hóa trong giáo dục sẽ tiết kiệm được công sức của thầy cô, khai thác trí tuệ nhân loại, tạo ra kho dữ liệu phong phú, kết nối dữ liệu giữa các tỉnh thành, giữa nước ta với thế giới”, ông Phú nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Phú, cần phải có cách triển khai đồng bộ. “Hiện nay, chúng ta không tránh khỏi việc triển khai dạy trực tuyến không đồng bộ giữa các tỉnh, thành với nhau. Ngay cả ở TP.HCM, mọi thứ cũng không đồng bộ giữa các quận huyện. Vì vậy, khi triển khai thông tư thì cần quyết tâm rót kinh phí để đồng bộ cơ sở hạ tầng của các đơn vị trường học, phương tiện dạy học cho thầy cô”, ông Phú kiến nghị.
Ở góc nhìn khác, ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5, TP.HCM), cho rằng thông tư sẽ là cơ sở để áp dụng việc dạy học trực tuyến trong những trường hợp cần thiết. Ông Hoàng đưa ra trường hợp như một số vận động viên còn học phổ thông nhưng đi thi đấu nước ngoài, một số học sinh ở xã đảo xa cần học trực tuyến một số môn học, một số em tự kỷ không thuận lợi với tiếp xúc cộng đồng... Khi thiên tai, địch họa, dịch bệnh, trường học cũng có cơ sở để dạy học trực tuyến.
“Tuy nhiên, thông tư này nên là cơ sở để khi cần thiết áp dụng chứ không nên xem là giải pháp giảng dạy trong bậc học phổ thông. Lứa tuổi học sinh phổ thông, giáo dục nên là rèn luyện kỹ năng, hình thành nhân cách... Giáo dục phải qua nhiều hoạt động khác chứ không chỉ có thầy giảng, trò nghe, đọc tài liệu… Quá trình giáo dục hoàn chỉnh là học sinh đến trường lớp, tiếp xúc trực tiếp, cảm nhận con người, điều chỉnh hành vi, thái độ... Dạy học trực tuyến thiên về truyền thụ kiến thức cho học sinh, không thể đầy đủ mọi quá trình của giáo dục được. Vì tâm sinh lý của học sinh phổ thông khác với sinh viên, những người có thể tiếp nhận học trực tuyến dễ dàng hơn”, ông Hoàng nhận định.
Ý kiến Khó áp dụng với các học phần thực hành Từ đợt dịch vừa qua, tôi thấy việc học trực tuyến đã không còn quá xa lạ và rất cần thiết trong hoàn cảnh đó. Tuy nhiên, tôi là sinh viên ngành công nghệ sinh học, việc học trực tuyến khó mà áp dụng với một số học phần cần thực hành, thao tác ở phòng thí nghiệm. Tôi nghĩ cũng cân nhắc chọn xem môn nào trực tuyến được, môn nào không. Bùi Lâm Thủy Tiên (sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) Cần chuẩn bị nền tảng công nghệ Tôi ủng hộ việc học trực tuyến. Tuy nhiên, đòi hỏi nhà trường phải chuẩn bị những nền tảng công nghệ để dạy sao cho tốt nhất, tránh sử dụng các phần mềm, nền tảng không uy tín khiến bị mất thông tin cá nhân của thầy và trò. Phần còn lại, tôi chỉ mong học trực tuyến các môn lý thuyết cơ bản thôi, những môn cần thảo luận, chuyên sâu, định lượng và vận hành hệ thống thì tôi nghĩ học trực tiếp tại lớp, phòng thí nghiệm sẽ tốt hơn. Lê Hồng Phước (sinh viên ngành dược Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) |
> Công nghệ giáo dục: Một số xu hướng nổi bật trong năm 2021
> Lịch nghỉ Tết Tân Sửu: Học sinh Hà Nội được nghỉ 9 ngày
Theo Thanh Niên