Có thể nói, hiện nay ở TP. Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL đã qua giai đoạn khó khăn do thiếu giáo viên THPT trầm trọng. Lực lượng giáo viên ở các trường tương đối ổn định, nhất là ở các môn: Văn, toán, lịch sử, địa lý… Thế nhưng, hàng năm, số lượng giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm ở các môn học này vẫn rất nhiều so với nhu cầu.

Năm học 2010-2011, Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ tuyển 6 giáo viên dạy văn ở bậc THPT cho các đơn vị trực thuộc nhưng đợt 1 có đến 96 hồ sơ dự tuyển. Đợt 2, ngành giáo dục thông báo tuyển 3 giáo viên nhưng có đến 36 hồ sơ dự tuyển. Môn địa lý cũng rơi vào trường hợp tương tự khi nhu cầu tuyển chỉ có 2 nhưng có gần 20 hồ sơ dự tuyển… Ngược lại, nhiều môn lại không có nguồn để tuyển như: Tin học, giáo dục quốc phòng… Do thiếu giáo viên nên ngành phải điều động giáo viên dạy các môn khác đảm nhận giảng dạy các môn còn thiếu… Tình trạng “chênh nhau” giữa đào tạo và tuyển dụng giáo viên đã được đề cập nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có sự phối hợp, điều chỉnh hợp lý.


Đào tạo nhưng không sử dụng - Ảnh 1



Sau 2 đợt tuyển giáo viên vừa qua, Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ tuyển được 252 giáo viên. Nhiều người không khỏi băn khoăn trước thực trạng hơn 100 sinh viên đã tốt nghiệp đại học sư phạm văn sẽ làm gì khi không được tuyển dụng? Và còn hàng loạt sinh viên ở các ngành sư phạm khác cũng đang ôm tấm bằng đi tìm việc ở khắp nơi. Trong khi đó, mỗi năm ngân sách Nhà nước đã đầu tư hàng triệu đồng cho sinh viên sư phạm (không phải đóng học phí). Khi không được đi dạy, nhiều người đành phải tìm công việc khác trái ngành, nghề khác và tất nhiên để phù hợp với công việc mình không được đào tạo, nhiều người phải chấp nhận việc được đào tạo lại…

Việc phối hợp giữa các trường có đào tạo giáo viên sư phạm và các sở GD-ĐT các tỉnh, thành ở ĐBSCL đang là một vấn đề cấp thiết để xây dựng kế hoạch tuyển sinh và tuyển dụng nhằm bảo đảm giữa cung và cầu, tránh lãng phí ngân sách đào tạo của Nhà nước và tiền của, công sức đầu tư của bao gia đình và bản thân người học.

Theo Giáo Dục