Định hướng phát triển
Dạy nghề có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Phát triển dạy nghề phải tiếp cận với những xu hướng đổi mới trong nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời phải dựa trên cơ sở ổn định lâu dài, phát huy những kết quả và kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế dù chính sách đào tạo nghề không thiếu, ngân sách đầu tư không nhỏ, nhưng vấn đề này vẫn đang bộc lộ nhiều bất cập.
Từ năm 2007, khi Luật Dạy nghề bắt đầu có hiệu lực, hoạt động dạy nghề ở nước ta có sự phát triển mạnh mẽ, hình thành hệ thống dạy nghề với 3 trình độ đào tạo: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề, đáp ứng nhu cầu đa trình độ của thị trường lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội (LĐ-TB-XH), tính đến 30-9-2014, cả nước có 1.421 cơ sở dạy nghề (168 trường cao đẳng, 303 trường trung cấp và 950 trung tâm dạy nghề); tuyển sinh học nghề đạt 623.000 người; 1.225.000 người được tạo việc làm trong nước và 91.143 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Ngành nghề đào tạo đã từng bước được điều chỉnh theo cơ cấu trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; mở thêm nhiều nghề đào tạo mới mà thị trường lao động có nhu cầu và các nghề phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động.
Chất lượng và hiệu quả dạy nghề có bước chuyển biến (khoảng 70% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở dạy nghề tỷ lệ này đạt trên 90%).
Học viên khoa cơ khí Trường cao đẳng nghề TPHCM trong giờ thực hành. Ảnh: M. TUẤN
Còn theo Tổng cục Dạy nghề, hiện nay có 143 cơ sở dạy nghề đã kiểm định và được công nhận chất lượng (75 cao đẳng, 41 trung cấp và 27 trung tâm dạy nghề); 10 trường cao đẳng nghề tham gia thử nghiệm kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ cao đẳng nghề (cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, hàn).
Cùng với sự phát triển các cơ sở đào tạo, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề đã có bước phát triển về số lượng và chất lượng. Đến hết năm 2012, trong lĩnh vực đào tạo nghề cả nước có 39.260 giáo viên cơ hữu, tăng 1,9 lần so với năm 2006 - thời điểm Luật Dạy nghề được thông qua.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có quyết định phê duyệt "Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020". Theo đề án này, các trường nghề chất lượng cao sẽ được phát triển theo hướng mở: Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù và hỗ trợ đầu tư đồng bộ cho các trường nghề được lựa chọn để đạt các tiêu chí của trường nghề chất lượng cao, đồng thời có chính sách khuyến khích các trường nghề khác đạt các tiêu chí của trường nghề chất lượng cao và được công nhận.
Đề án đưa ra 6 tiêu chí: quy mô đào tạo; việc làm sau đào tạo; trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo; kiểm định chất lượng; chất lượng giáo viên, giảng viên; quản trị nhà trường. Trong các tiêu chí được đặt ra có tiêu chí tạo việc làm đúng nghề sau đào tạo phải đạt ít nhất 80%, riêng các nghề trọng điểm phải đạt 90%.
Thiếu vốn đầu tư
Có thể thấy, phát triển và đổi mới toàn diện dạy nghề là chủ trương lớn của Nhà nước ta, trong đó xác định rõ vị trí quan trọng của đào tạo nghề trong phát triển nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đặc biệt “Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020” nêu rõ, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược… Bên cạnh đó, các chính sách về đào tạo nghề dần được cụ thể hóa, rõ ràng hơn. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của mạng lưới trường nghề, trong khi tuyển sinh èo uột, không đạt chỉ tiêu đã khiến hàng loạt cơ sở đào tạo nghề rơi vào cảnh “sống dở chết dở”.
Năm 2014, Trường Trung cấp Bến Thành được giao 1.200 chỉ tiêu nhưng đến nay mới tuyển được hơn 400 thí sinh; Trường Trung cấp Tổng hợp Đông Nam Á được giao 700 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được hơn 200 thí sinh. Một số cao đẳng nghề như TPHCM, ISPACE, Du lịch Sài Gòn… hiện cũng đang đối mặt tình trạng tuyển sinh giảm sút nghiêm trọng, có trường giảm đến 50-70%.
Hiệu trưởng của một cơ sở đào tạo nghề tại TPHCM cho biết số lượng học viên giảm nhanh những năm gần đây khiến các trường nghề phải chạy đua tuyển sinh tìm người học. Bởi lẽ các trường nghề phải thường xuyên mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, máy móc hiện đại để phục vụ cho học viên thực hành, nên nguồn vốn đầu tư rất lớn.
Vì thế, nhà trường tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, học phí thu vào không đủ để trang trải nên lỗ nặng. Trước tình hình tuyển sinh èo uột như hiện nay, một số trường nghề đang tính đến chuyện đóng cửa hoặc thu hẹp các ngành nghề đào tạo.
Thừa thầy, thiếu thợ đến nay vẫn là bài toán hóc búa đối với nhiều doanh nghiệp. Nguyên nhân do hàng loạt trường đại học mọc lên thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đào tạo nghề. Chưa kể, các trường đại học này còn ôm thêm hệ cao đẳng, trung cấp, miễn sao có đông sinh viên để thu học phí. Bên cạnh đó, nhiều người học cao đẳng, trung cấp nghề ra trường không muốn làm công nhân mà tiếp tục học lên nữa để mong kiếm được công việc xứng tầm.
Thực trạng này do việc thiếu định hướng nghề nghiệp, nhiều học sinh khi còn ngồi ghế nhà trường ở bậc trung học hay phổ thông chưa hiểu hết được lợi ích của việc học nghề như cho rằng học nghề xong chỉ làm những công việc thấp kém, nặng nhọc, thu nhập thấp; sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy còn thất nghiệp huống chi trường nghề…
Liên kết trường nghề - doanh nghiệp
Hiện nay, nhiều trường nghề đang khá đau đầu vì học viên tìm đến trường nghề như một giải pháp tình thế, trú chân tạm thời để vừa học nghề, vừa ôn thi vào các trường đại học, cao đẳng chính quy.
Theo ông Nghiêm Trọng Quý, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, để giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp thích hợp với sở trường, năng lực, đồng thời phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực của đất nước, Nhà nước đã có các chính sách và giải pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Tuy vậy, các chính sách đó chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó giải pháp ở các cấp chưa quyết liệt, chưa đồng bộ nên phân luồng chưa mang lại kết quả.
Cũng theo ông Quý, các quy định, chính sách hiện hành chưa đủ mạnh để thu hút được học sinh và người lao động vào học nghề. Chẳng hạn, thiếu chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng thuộc diện khó khăn; chưa có chính sách đối với người học nghề sau khi tốt nghiệp; thời gian học trung cấp nghề đối với người có bằng tốt nghiệp THCS không có nguyện vọng học lên trình độ cao hơn quá dài; chưa có hình thức tổ chức đào tạo theo tích lũy mô-đun, môn học; chưa có quy định về việc công nhận và không phải học lại những kiến thức, kỹ năng, mô-đun, môn học mà người học đã tích lũy được trong quá trình làm việc và học tập khi học các khóa đào tạo nghề.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một vấn đề quan trọng là việc các cơ sở dạy nghề thiếu liên kết với doanh nghiệp. Đây chính là nguyên nhân gây ra sự lệch pha, nguồn nhân lực đào tạo ra vừa thừa, vừa thiếu, thậm chí trong quá trình sử dụng lao động doanh nghiệp phải đào tạo thêm hoặc đào tạo lại. Do đó, để gỡ nút thắt này, trường nghề và doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ trong quá trình đào tạo và sử dụng lao động.
Đơn cử, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh đang sử dụng khoảng 45.000 lao động. Để xây dựng chất lượng nguồn nhân lực, Samsung thường xuyên xây dựng mô hình liên kết, đặt hàng đào tạo với các trường trung cấp, cao đẳng nghề.
PGS.TS Bùi Ngọc Oánh, Hiệu trưởng Trường Tài chính - Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á, chia sẻ trong đào tạo nghề, sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng. Doanh nghiệp cần kỹ thuật viên, lao động lành nghề, còn nhà trường cần chỗ cho các em thực tập.
Thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các học viên sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều cơ hội việc làm phù hợp với kỹ năng, trình độ tay nghề sau khi hoàn thành khóa học.
Mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 40 trường nghề chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận. Trong đó, giai đoạn 2014-2016 thí điểm đào tạo 34 nghề theo các chương trình được chuyển giao từ nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2018 có khoảng 15 trường được kiểm định, công nhận đạt tiêu chí; đến 2019 có thêm 15 trường và đến 2020 có 40 trường chất lượng cao. Nguồn nhân lực chất lượng cao được hiểu lao động đó được đào tạo nghề nghiệp cụ thể, có kỹ năng cứng lẫn mềm và hội tụ một số phẩm chất đạo đức nghề nghiệp khác mà nhu cầu xã hội đang cần. Đa số doanh nghiệp nước ta thuộc loại nhỏ và vừa nên cần lao động trực tiếp rất lớn. Đây là cơ hội để đẩy mạnh việc đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao, nhằm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và xã hội. |
Theo Báo Sài Gòn đầu tư, Tin gốc: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20141105/lech-pha-cung-cau.aspx