Sự kiện: GIÁO DỤC | TUYỂN SINH 2013 | TƯ VẤN TUYỂN SINH

Đã qua hơn nửa tháng kể từ ngày Bộ GD&ĐT công bố quyết định thắt chặt quy trình đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH, thế nhưng, dư luận, đặc biệt là những HS-SV đã và đang theo học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng (TC, CĐ) vẫn chưa hết bàng hoàng, lo lắng!

“Công sức, tiền bạc coi như đổ xuống biển”

Ngày 25-12-2012, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã công bố quyết định thắt chặt quy trình đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH. Theo đó, điều kiện “cần” và “đủ” để thí sinh tốt nghiệp TC, CĐ được liên thông lên trình độ CĐ, ĐH là phải có 3 năm kinh nghiệm thực tế và phải trải qua kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ tổ chức hàng năm. Quyết định này đã gây “sốc” cho HS-SV các trường TC, CĐ – những người phải đi đường vòng để có được tấm bằng cử nhân.

Chia sẻ về quyết định mới này, bạn Nguyễn Thị Thu Thanh cho biết: “Bộ GD&ĐT không sai nhưng đối với những sinh viên như em đã bỏ ra 3 năm để học cao đẳng thì thật bất công. Trước đây, em đủ điểm để vào đại học, nhưng vì hoàn cảnh gia đình không cho phép nên em quyết định học cao đẳng với hy vọng, đường đi có dài nhưng cánh cổng đại học vẫn còn mở rộng. Nhưng giờ thì hết rồi… Em rất bất đồng với quyết định ấy. Tại sao không áp dụng cho những em thi đại học kể từ năm nay... Vậy thì chúng em học 3 năm ra để làm gì?... Bao nhiêu công sức, tiền bạc cha mẹ coi như đổ xuống biển”.

Bạn Trần Thị Thương, vừa tốt nghiệp chuyên ngành kế toán một trường cao đẳng bức xúc: “Khi nghe được thông báo này em vô cùng bất mãn. Nếu phải thi giống như các em học THPT thì với thời gian đi làm như thế này, em không có đủ thời gian và nghị lực để ôn thi tiếp. Hơn nữa, kiến thức cơ bản lúc đó cũng đã bị mai một… Giờ em không biết sẽ đi về đâu”.

 

lien thong dai hoc, lien thong, lien thong chinh quy, chi tieu lien thong, hoc dai hoc, bang dai hoc, lien thong cao dang, quy che lien thong dai hoc, dao tao lien thong, an ninh thu do

 

Một sinh viên giấu tên cho biết: “Em là sinh viên cao đẳng năm cuối chỉ còn 6 tháng nữa là chúng em vừa học tập và ôn thi tốt nghiệp ra trường, chúng em đã chuẩn bị thật kỹ kiến thức chuyên ngành để liên thông đại học. Giờ ra quy định này thì kiến thức của chúng em đã mai một, thời gian đâu chúng em có thể quay lại ôn thi tuyển sinh chung thi liên thông. Nếu biết có quy định này thì sao không ra sớm để chúng em ở nhà ôn thi đại học. Quy định này áp dụng thật bất công vô lý đối với sinh viên năm cuối”.

Cho rằng, quyết định mới này không công bằng, bởi muốn liên thông, “HS-SV các trường TC, CĐ cũng phải trải qua kỳ thi bằng năng lực của mình nên nếu một người có năng lực thì có quyền thi luôn chứ đợi 3 năm để làm gì?”. Hơn nữa “những người đi làm vài năm đang làm ăn được lại bỏ công việc ở đó đi liên thông sẽ rất nhiều bất tiện, mà không liên thông thì không thể tiến xa hơn được. Tôi nghĩ việc này cần phải xem xét rút ngắn thời gian hoặc những người có bằng khá trở lên được liên thông luôn”, độc giả Cù Thanh Vượng tâm sự.

“Nếu như Bộ ra quyết định như vậy thì hủy luôn hệ cao đẳng và TC luôn đi cho rồi, đừng làm khổ sinh viên thêm. Và sau sự thay đổi này chắc chắn 1 điều là tỷ lệ học sinh nghỉ học sẽ tăng vọt. Vì có cố gắng cỡ nào đi nữa thì họ hoàn toàn không có cơ hội học lên. Quy định này chỉ làm phí thêm thời gian của sinh viên mà thôi, chẳng có kết quả gì cả. Nếu muốn tăng hiệu quả thì hãy thay đổi môn thi đầu vào chứ đừng làm mất thời gian như vậy”, độc giả Phương Lê bức xúc nói.

Nên siết chặt đầu vào

Tuy nhiên, quyết định gây “sốc” này cũng nhận được không ít sự đồng tình, ủng hộ của dư luận. “Tôi ủng hộ nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cần quản chặt tại chức, chuyên tu, liên thông, từ xa và liên kết. Có như vậy sinh viên ra trường mới có đủ kiến thức làm việc”, độc giả Nguyễn Quang chia sẻ.

Độc giả Dương Văn Tân, nguyên giáo viên một trường dạy nghề cho biết: “Tôi hoan nghênh chủ trương này của Bộ GD&ĐT. Chúng ta không thể để tình trạng nhiều sinh viên đi học TC, CĐ để đi đường vòng vào ĐH được, như thế những người chăm chỉ đèn sách thiệt thòi quá. Hơn nữa, TC, CĐ nghề tuyển sinh đầu vào chủ yếu là xét tuyển, do thiếu chỉ tiêu nên hầu như nộp hồ sơ là được chứ có xét gì đâu, sau đó cho liên thông hết lên ĐH qua một đợt thi cho có lệ mà thôi. Tôi từng là giáo viên dạy nghề tôi quá hiểu điều đó, tôi bỏ nghề cũng vì điều đó”. Độc giả Trần Lê Việt lại cho rằng, nên siết chặt đầu vào của các trường ĐH ngoài công lập sẽ hợp lý hơn.

Tuy nhiên, “Bộ GD&ĐT nên chấn chỉnh kịp thời, đưa nhanh thông tin cuối cùng về điều kiện liên thông ra xã hội để mọi người xác định tương lai của mình và cũng là để tiết kiệm”, bởi “chỉ cần một suy nghĩ chưa đủ từ cá nhân sẽ làm cho tương lai của các bạn gặp khó khăn, gây lãng phí nguồn nhân lực, và nhiều hệ quả bất lợi tất yếu của việc chạy đua theo bằng cấp một cách mù quáng”, độc giả Nguyễn Đắc Dũng đề nghị.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: báo An Ninh Thủ Đô