>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường

Đào tạo đại học: Chuyển từ "làng" sang "đường cao tốc"

Chuẩn hóa trong đào tạo ĐH theo tiêu chuẩn quốc tế được ví như nâng cấp những con đường làng nhỏ hẹp lên thành đường cao tốc để phục vụ tốt hơn, nhanh hơn cho quá trình hội nhập của Việt Nam với thế giới. Báo Điện tử Chính phủ ghi lại chia sẻ của lãnh đạo một số trường ĐH về vấn đề đòi hỏi phải có sự đầu tư toàn diện cùng nhận thức, quyết tâm rất lớn.

PGS.TS Nguyễn Việt Hà, Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghệ ĐHQG Hà Nội: Chuẩn hóa các trường ĐH theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế là bài toán khó và rất phức tạp nhưng hết sức cần thiết.

Chúng ta cần có bộ tiêu chuẩn như thước đo để các đơn vị quản lý, kiểm định chất lượng, đánh giá năng lực, chất lượng và thương hiệu của chính nhà trường, để người học lựa chọn.

Chuẩn hóa các trường ĐH theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế

Chuẩn hóa các trường ĐH theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế

Trong giai đoạn vừa qua có rất nhiều người đi du học với mong muốn học chương trình đào tạo hiện đại, bằng cấp có giá trị và được công nhận. Tuy nhiên do thông tin cung cấp không đầy đủ nên người học không biết được chính xác những gì mình sẽ học trong tương lai. Điều này dẫn đến không ít du học sinh Việt Nam đã lãng phí cả thời gian và tiền bạc để nhận ra những gì mình đang học là không phù hợp và không giá trị như mình tưởng. Ảnh hưởng, hậu quả từ việc chọn sai ngành học rất lớn.

Do vậy, việc chuẩn hóa các tiêu chí từ nhận diện thương hiệu, chương trình đào tạo, phương thức đánh giá, bộ chuẩn đầu ra, công khai thông tin ngành đào tạo, so sánh giữa các cơ sở đào tạo để hội nhập là việc hết sức cần thiết để xã hội cũng như người học có thể tiếp cận và giám sát một cách tốt nhất.

Lộ trình chuẩn hóa quốc tế của ĐHCN cũng tuân theo lộ trình chung của hệ thống ĐHQG. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sử dụng đan xen bộ đánh giá các trường ĐH của Bộ GDĐT kết hợp với bộ tiêu chí kiểm định riêng từ Trung tâm kiểm định chất lượng đào tạo ĐH của ĐHQG được Bộ cho phép thành lập.

Chúng tôi nhận thức chuẩn hóa đào tạo đại học để hội nhập quốc tế là nhiệm vụ quan trọng song không thể làm ồ ạt mà từng bước phủ kín việc chuẩn hóa các ngành đào tạo. Bên cạnh đó, cần có thời gian để nâng cao nhận thức người quản lý về tầm quan trọng của chuẩn hóa đào tạo đại học.

GS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Đại học Thủy lợi: Để đạt được chuẩn quốc tế, đầu tiên phải chuẩn hóa đội ngũ giảng viên. Chẳng hạn như ở nước ngoài nếu không có học vị TS sẽ không được giảng dạy trong khi tỷ lệ giảng viên TS của chúng ta còn rất ít. Chúng tôi đang xây dựng quy chế lộ trình đào tạo, tuyển dụng giảng viên trong một số lĩnh vực chuyên môn để hướng tới đội ngũ 100% giảng viên là TS.

ĐH Thủy lợi có quy chế yêu cầu tiếng Anh rất cao đối với giảng viên. Cụ thể, giảng viên giảng dạy sau 4 năm phải đạt 5,5 điểm IELTS và sau 7 năm thì phải đạt 7.0 điểm IELTS. Chúng tôi đang xem xét rút ngắn quy trình này. Nếu chuyên ngành nào không đòi hỏi giảng dạy bằng tiếng Anh thì ít nhất giảng viên cũng phải đọc được các bài báo khoa học ở các tạp chí khoa học quốc tế. Vì nếu không đọc được thì làm sao giảng viên viết được các bài báo quốc tế mà phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.

Dần dần chúng ta phải hội nhập, liên thông để nâng cao chất lượng đào tạo đại học trong nước. Điều này tùy thuộc vào chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, ý thức người học, văn hóa học và chuẩn nguồn nhân lực quốc gia.

Chẳng hạn như học ở nước ngoài, không ai bắt SV phải học và phải nhìn sách vở, quay cóp, thậm chí họ còn học bạc tóc. Do đó, nếu chúng ta kiểm soát chặt chẽ đầu ra và có một thị trường lao động chuẩn mực thì chất lượng đào tạo sẽ được đảm bảo hơn. Với một thị trường lao động chuẩn mực, nếu anh không học hành đàng hoàng thì sẽ không thể xin được việc, có bằng dù là TS nhưng không ai thừa nhận thì cũng vô ích.

Trường chúng tôi cũng đang bắt đầu làm bộ chuẩn đầu ra, đầu tiên là nghiên cứu bộ chuẩn đầu ra của AUN (Hiệp hội các trường ĐH Đông Nam Á). Song chúng ta cũng nên cho thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng đầu ra của các trường ĐH, cho phép có sự tham gia của các tổ chức kiểm định tư nhân. Như vậy chúng ta mới có kết quả kiểm định cuối cùng khách quan nhất, chính xác nhất.

PGS. TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM: Để các trường ĐH trong khu vực và quốc tế công nhận bằng cấp của các trường ĐH trong nước thì các ngành, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất… cần phải được kiểm định bởi các tổ chức tốt, có uy tín trong kiểm định chất lượng đào tạo đại học.

ĐHQG TPHCM sẽ lần lượt áp dụng kiểm định theo các tiêu chuẩn khác nhau của khu vực và thế giới vào các ngành học quản trị kinh doanh, quản lý kinh tế... lúc đó việc chuyển đổi bằng cấp, tín chỉ sẽ dễ dàng hơn với các trường khác trong khu vực và trên thế giới.

Trường hiện đang thực hiện kiểm định cấp chương trình của khu vực ASEAN và bắt đầu thực hiện kiểm định theo chương trình của Hiệp hội kiểm định về kỹ thuật, máy tính của Mỹ (APET), chương trình này hiện nay đã được nhiều nước trên thế giới tin tưởng.

Hiện nay, ĐH Quốc tế là trường thành viên của ĐHQG TPHCM cũng đã liên thông đào tạo với nhiều trường ở Anh, Mỹ, Australia... Đây là các trường hợp các trường tự xem xét công nhận tiêu chuẩn chất lượng của nhau mặc dù chưa được công nhận chất lượng kiểm định chính thức.

Trong quá trình thực hiện, khó khăn lớn nhất của ĐH Quốc gia TPHCM là cơ sở vật chất kém hơn so với các nước bạn. Bên cạnh đó còn rất nhiều việc chúng ta phải thực hiện như chuẩn hoá chất lượng giáo viên, phương pháp sư phạm và trình độ ngoại ngữ của sinh viên trong nước.

TS. Lưu Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật công nghệ TPHCM:

Chuẩn hoá các trường ĐH cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, chuẩn hoá chương trình đào tạo, đầu vào, đầu ra của sinh viên, liên thông trình độ đào tạo giữa các trường đại học về giáo trình đào tạo, tài liệu để tiến tới hội nhập quốc tế giữa các trường trong nước với nước ngoài tốt hơn.

Để chuẩn bị cho quá trình này, Trường đại học Công nghệ TPHCM đã có kế hoạch chiến lược tiến tới việc xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo và thay đổi toàn bộ chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra theo hướng sử dụng chương trình đào tạo tân tiến. Trường cũng đang xây dựng lại toàn bộ chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của sinh viên, giáo trình tài liệu tham khảo.

Trong đó, việc xây dựng được chuẩn đầu ra cho sinh viên đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực tốt cho các cơ quan, doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn là vấn đề luôn đặt ra với các trường ĐH. Để đáp ứng được yêu cầu này, cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường trong quá trình đào tạo ở bậc ĐH. Trong mối quan hệ này, doanh nghiệp đóng vai trò đòn bẩy kích thích sáng tạo và thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, còn các trường ĐH là nơi sáng tạo ra tri thức mới và tìm tòi các giải pháp cho các vấn đề mà thực tế đặt ra cho các doanh nghiệp, bên cạnh vai trò truyền thống là nguồn cung cấp cho nhu cầu về nhân lực có trình độ.

Hiện trường đang có những liên kết với trường ĐH nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước, ký kết hợp đồng hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực như: Cung cấp nguồn nhân lực, cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo...

Theo Nguyệt Hà-Mai Anh, báo điện tử Chinhphu.vn