Một Tiến sĩ, lãnh đạo khoa Vật Lý (trường ĐH Sư phạm TP.HCM) bị “tố” không thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở mà đã sao chép nội dung từ luận văn Thạc sĩ được thực hiện trước đó, đồng thời người này còn bị “tố” sao chép nhiều lần trong đề tài bảo vệ khóa luận của sinh viên do chính ông hướng dẫn.
Theo nội dung tố cáo, ông H.D.T. là Tiến sĩ, Phó trưởng khoa Vật lý của trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Năm 2010, ông T. đã báo cáo nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở mã số CS.2009.19.66 với tên đề tài “Nghiên cứu xác định liều bức xạ beta hàng năm trong mẫu gốm bằng vật liệu LiF: Mg, Cu, P” do ông làm chủ nhiệm.
Tuy nhiên, ông T. đã không trực tiếp thực hiện nghiên cứu khoa học đối với đề tài trên mà đã sao chép gần như hoàn toàn từ luận văn Thạc sĩ có cùng tên được thực hiện trước đó. Tức là, cùng 1 đề tài, ông T. vừa sử dụng làm Luận văn Thạc sĩ, vừa báo cáo nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.
Cũng hành vi trên, ông T. còn bị “tố” sao chép nhiều lần trong Khóa luận tốt nghiệp đại học “Xác định hoạt độ của các đồng vị phóng xạ trong mẫu Moss-Soil bằng hệ phổ kế gamma phông thấp cho bài toán so sánh quốc tế của IAEA” của một sinh viên vào năm 2011, để báo cáo nghiệm thu một đề tài khoa học cấp cơ sở khác có số hiệu CS.2011.19.53 vào năm 2012; tên đề tài chỉ có một sự thay đổi rất nhỏ “Xác định hoạt độ của các đồng vị phóng xạ trong mẫu Moss-Soil và Spiked Water bằng hệ phổ kế gamma phông thấp cho bài toán so sánh quốc tế của IAEA”.
Tại biên bản giải trình, đối với nội dung tố cáo 1, ông T. xác nhận: Từ năm 2006 đến năm 2009 ông học cao học ngành Vật lý nguyên tử và năng lượng cao tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Từ tháng 8/2008, ông đăng ký đề tài luận văn thạc sĩ. Tuy nhiên, đề tài khoa học cấp cơ sở cùng tên trên đã được ông đăng ký thực hiện từ tháng 3/2008 (tức trước thời gian đăng ký luận văn Thạc sĩ).
Theo đó, ông T. thừa nhận, sau khi bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ ông đã sử dụng gần như hoàn toàn đề tài đó để nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở. Ông cho hay: “Việc đăng ký đề tài cấp cơ sở không nằm ngoài bất cứ mục đích gì khác, ngoài việc phục vụ cho học tập, nghiên cứu của bản thân, qua đó gián tiếp nâng cao chất lượng giảng dạy. Thực tế, nhờ kinh phí từ đề tài cấp cơ sở mà ông T. đã có kinh phí tiến hành các thí nghiệm tại Hà Nội, hoàn thành luận văn Thạc sĩ đúng thời hạn”.
Ở nội dung tố cáo thứ 2, ông T. cho rằng: Nội dung đề tài nghiên cứu khoa học (số hiệu CS.2011.19.53) của ông được thực hiện vào năm 2012 có nhiều phần giống với khóa luận tốt nghiệp của một sinh viên được thực hiện năm 2011, bởi đề tài tốt nghiệp của sinh viên trên do chính ông hướng dẫn. Đồng thời, trong quá trình hướng dẫn, do sinh viên viết chưa tốt nghiệp nên ông đã chỉnh sửa lại lỗi chính tả ở chương 1, chỉnh sửa lại phần nội dung ở chương 2 và chương 3.
Ông T. giải trình: Đề tài cấp cơ sở số hiệu CS.2011.19.53 của ông đã được đăng ký từ trước, việc hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài khóa luận tốt nghiệp là một phần trong đề tài của ông. Do vậy, khi nghiệm thu đề tài của mình, ông đã sử dụng lại một phần trong khóa luận của sinh viên mà ông đã chỉnh sửa. Người bị tố cáo cho rằng việc sử dụng lại sản phẩm của quá trình hướng dẫn sinh viên là hoàn toàn có cơ sở.
Theo đó nhà trường đưa ra kết luận: Đối với nội dung tố cáo 1 hoàn toàn có cơ sở. Kết quả xác minh: Giữa công trình nghiên cứu khoa học và đề tài luận văn Thạc sĩ của ông T. là hoàn toàn giống nhau. Do đó, nhà trường sẽ thành lập Hội đồng xem xét, đánh giá việc bồi hoàn kinh phí đã chi cho việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học của ông T.
Đối với tố cáo “sao chép” khóa luận của sinh viên, nhà trường xác nhận giữa đề tài nghiên cứu khoa học của ông T. và khóa luận tốt nghiệp của một sinh viên do chính vị Phó trưởng khoa hướng dẫn có nhiều phần giống nhau. Do đó kết luận buộc ông T. phải đảm bảo quyền tác giả của sinh viên và các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về việc sử dụng các tác phẩm đã công bố.
Theo VTC