Đánh giá HS tiểu học: Nhận xét của giáo viên còn "rập khuôn"?
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: DN

Giáo viên và phụ huynh thờ ơ?

Việc đánh giá học sinh tiểu học thời gian vừa qua đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận xã hội. Nhiều phụ huynh khi nhận được lời nhận xét của giáo viên dành cho trẻ vẫn chưa thực sự hài lòng vì không hiểu được với lời nhận xét như vậy thì thành tích học tập của con em mình được hiểu thế nào cho đúng.

Bên cạnh đó qua tìm hiểu phóng viên được biết, hiện do số lượng học sinh/ lớp quá đông dẫn đến thực tế giáo viên nhận xét học sinh có phần qua loa, hời hợt, không đi cụ thể vào từng điểm mạnh, điểm yếu của từng trò mà chỉ nhận xét vài câu chung chung như: Con cần cố gắng; con cần chăm chỉ hơn nữa; đã hoàn thành tốt môn Toán, Tiếng Việt; đã hoàn thành tốt môn Ngoại ngữ...


Đánh giá HS tiểu học: Nhận xét của giáo viên còn rập khuôn? - Ảnh 2Nhiều hiệu trưởng các trường tiểu học hiện có tâm lý "sợ sai" nên mặc dù Bộ và Sở đã có Công văn hướng dẫn sử dụng hồ sơ đánh giá theo hướng giảm thiểu việc làm hồ sơ, sổ sách cho giáo viên để tập trung vào công tác giảng dạy, giáo dục học sinh nhưng trên thực tế, nhiều trường, hiệu trưởng vẫn có tâm lý "sợ sai mẫu" nên còn yêu cầu giáo viên phải ghi đầy đủ các cột, dòng theo mẫu hồ sơ theo dõi chất lượng. Từ đó tạo ra tâm lý đối phó của giáo viên nhất là những trường có sỹ số học sinh trên 35 trẻ/lớp.
Đánh giá HS tiểu học: Nhận xét của giáo viên còn rập khuôn? - Ảnh 3

đại diện Sở GD-ĐT Thái Bình
Nhiều phụ huynh tiểu học khi được hỏi đều chung quan điểm cho rằng việc đánh giá của thầy cô đôi khi có tính chất cảm quan, thiếu sự xuyên suốt, vì có thể lúc gần thời điểm cô nhận xét trẻ có cố gắng, ngay lập tức cô sẽ có cách đánh giá tốt, nhưng trẻ khác, thời gian gần đến kỳ nhận xét mắc một vài khuyết điểm, song cả giai đoạn trước có sự cố gắng thì lại chưa được ghi nhận.

Đó còn chưa kể, câu chuyện đánh giá học sinh tiểu học khiến việc khen thưởng những học sinh có thành tích xuất sắc của các cơ quan đoàn thể, tổ dân phố nơi cha mẹ học sinh đang sinh sống và công tác gặp rất nhiều chuyện "bi hài" vì không biết rằng những nhận xét của giáo viên nêu trên tương đương với mức khen thưởng ra sao.

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2014-2015 và triển khai nhiệm vụ năm học 2015-2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 12-8, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thừa nhận một số tồn tại trong công tác đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét.

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình, việc cho điểm từ lâu đã trở thành thói quen của mọi người nên một bộ phận cha mẹ học sinh chưa đồng tình với cách đánh giá mới. Phụ huynh cảm thấy khó khăn trong việc xác định mức độ học tập của con em mình.


Đánh giá HS tiểu học: Nhận xét của giáo viên còn rập khuôn? - Ảnh 4 Nhiều giáo viên con nhận thức theo dạng quy đổi từ đánh giá bằng điểm sang nhận xét. Ví dụ, bài đạt điểm 9, 10 thì ghi "cô khen con", bài chưa đạt yêu cầu thì ghi "con cần cố gắng"... dẫn tới việc đưa ra những nhận xét chung chung, ít có tác dụng khuyến khích học sinh tiến bộ hoặc giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn.
Đánh giá HS tiểu học: Nhận xét của giáo viên còn rập khuôn? - Ảnh 5

đại diện Sở GD-ĐT Nghệ An

Chưa kể, một bộ phận cha mẹ học sinh có nhiều kỳ vọng ở thành tích học tập của con em mình ngay từ tiểu học nên đã không đồng tình với cách đánh giá mới vì khó phân chia thứ hạng.

Nêu lên những hạn chế trong việc đánh giá học sinh bằng nhận xét, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình nêu quan điểm: Trong tiết học, một số giáo viên lạm dụng quá nhiều lời khen khiến lời khen ít giá trị đối với học sinh, lời nhận xét, tư vấn của giáo viên trong vở học sinh đôi lúc chưa cụ thể, mạch lạc.

Thay đổi tư duy

Kiến nghị về những giải pháp hạn chế những tồn tại nêu trên, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình cho rằng, sự hình thành và phát triển về năng lực hay phẩm chất của học sinh không chỉ trong quá trình học tập mà còn ở sự trải nghiệm cuộc sống trong và ngoài nhà trường. Do vậy cần tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh thông qua phiếu nhận xét, hoặc trao đổi trực tiếp để có thông tin giúp cho quá trình giáo dục, đánh giá toàn diện năng lực, phẩm chất của học sinh.

Quan điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nhấn mạnh việc kiên trì, bám sát cơ sở, bám sát các hoạt động dạy học, giáo dục, đánh giá học sinh để phát hiện, tư vấn và hỗ trợ giáo viên là cần thiết. "Các giáo viên không nên nóng vội cho rằng việc đánh giá học sinh tiểu học là thiếu thực tiễn hoặc bản thân giáo viên chưa sẵn sàng đón nhận sự thay đổi, từ đó gây tâm lý hoang mang trong ngành Giáo dục và xã hội", vị này nói.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Vinh Hiển- Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian tới Bộ tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, Bộ sẽ nghiên cứu, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật về công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, Điều lệ Trường Tiểu học, kiểm định chất lượng giáo dục, quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Thông tư số 30.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tiếp tục nhân rộng, rút kinh nghiệm việc giao quyền tự chủ kế hoạch giáo dục của các trường phổ thông. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực đổi mới hình thức, phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, rèn luyện phương pháp tự học của học sinh.

"Hỗ trợ giáo viên thực hiện các hình thức kiểm tra đánh giá quá trình và kết quả học tập của học sinh, đảm bảo đánh giá được khả năng vận dụng sáng tạo, kĩ năng thực hành và năng lực giải quyết vấn đề của học sinh", ông Nguyễn Vinh Hiển nói.

Theo báo Hải Quan, tin gốc: http://www.baohaiquan.vn/pages/danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-giao-vien-rap-khuon.aspx