Đánh giá A, B, C từ thông tư 30 liệu có dễ thởGiáo viên viết nhận xét vào vở của học sinh theo thông tư 30 của Bộ GD-ĐT thay vì cho điểm - Ảnh: NHƯ HÙNG

Từ khi ra đời, thông tư 30 khiến không ít giáo viên phải đau đầu vì một vài điểm bất cập.

Vì thế, thông tin về việc sửa đổi thông tư này như gợi mở hi vọng về việc áp dụng một cách có hiệu quả và thiết thực hơn phương châm: Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không chấm điểm.

Có giảm dạy thêm, chạy đua thành tích?

Cụ thể, thông tư 30 dự kiến thay đổi cho phép các giáo viên không nhất thiết phải ghi chép, viết nhận xét hằng ngày mà được quyền chủ động hoàn toàn trong việc đánh giá (nhận xét vào vở học sinh hoặc ghi vào sổ ghi chép của giáo viên).

Vào giữa và cuối các học kỳ, giáo viên căn cứ vào việc theo dõi, quan sát của mình với từng học sinh, căn cứ vào ý kiến của học sinh, phụ huynh, căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học để đánh giá học sinh theo các mức A, B, C.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra định kỳ ở lớp 4, lớp 5 cũng tăng cường bài kiểm tra có điểm số nhằm tiếp cận dần với cách đánh giá ở bậc THCS.

Nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại trước những đổi mới của thông tư 30 vì cho rằng việc đánh giá học sinh theo mức A, B, C lại tạo điều kiện khiến nạn chạy đua thành tích “quay trở về”, vì bản chất mức A, B, C cũng không khác gì điểm số từ 1 đến 10 như cách đánh giá cũ.

“Sửa đổi thế này là lại có cớ để “chạy đua thành tích”, theo đó dạy thêm học thêm lại gia tăng”, bạn đọc Tien Thinh nói.

Nhiều bạn đọc đề nghị chỉ nên nhận xét A, B, C vào cuối năm học của học sinh tiểu học, trong năm nếu giáo viên cần nắm kỹ học lực của từng em thì chỉ nên ghi chú vào sổ của riêng giáo viên, không nên để trẻ phải tiếp tục ganh đua A, B, C mỗi ngày kiểu như điểm số.

Nhiều phụ huynh cho rằng tinh thần của thông tư 30 rất tốt, nếu chỉnh sửa chỉ nên giảm bớt phần nhận xét của giáo viên và không nên tăng cường bài kiểm tra có điểm số hay đưa vào việc chấm điểm giữa kỳ cho các em khối lớp 4, 5.

Đánh giá cao tính thiết thực của việc sửa đổi thông tư 30 nhưng nhiều người cũng rất băn khoăn về vấn đề triển khai sao cho đồng bộ, thống nhất và có tính hệ thống quốc gia, tránh tình trạng quay về như kiểu chấm điểm và làm nhiều giáo viên hiểu nhầm thành quay lại cách đánh giá tương đương điểm số như ngày xưa.

“Mong Bộ GD-ĐT tập huấn kỹ càng cho giáo viên, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, không thống nhất. Chúng ta hãy mạnh dạn đón nhận cái mới để các học sinh của chúng ta được tiến bộ”, bạn Vũ Việt Dũng đề xuất.

Một số bạn đọc còn bức xúc hầu hết các trường đã vào năm học mới được khoảng hai tuần, việc dự kiến thay đổi và áp dụng ngay thông tư 30 sửa đổi này vào năm học 2016 - 2017 là quá cập rập. Nhiều trường và nhiều giáo viên chưa biết phải tổ chức chương trình giáo dục như thế nào, có tâm lý chờ đợi sở và Bộ Giáo dục - đào tạo thông tin.

Cô Nguyễn Thị Phương - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - cho rằng mức A, B, C chỉ là hình thức đánh giá định lượng được thực hiện vào giữa và cuối năm học.

Bài làm của học sinh trong năm vẫn được nhận xét như bình thường chứ không nên cho điểm hay định mức.

Theo cô Phương, nếu chỉ chăm chăm vào mức đánh giá A, B, C này, tức là mọi người vẫn quan trọng định lượng cuối cùng chứ không quan trọng cả quá trình nhận xét rất quan trọng của giáo viên.

Chú ý lời nhận xét của cô giáo trong toàn bộ quá trình học tập của con, phụ huynh có thể biết được con mình như thế nào ngay thời điểm xảy ra vấn đề (nếu có) và trao đổi trực tiếp, kịp thời với giáo viên, thay vì chỉ đợi kết quả cuối kỳ là A, B hay C rồi mới phàn nàn.

"Phụ huynh không nên chỉ xem trọng mức A, B, C mà nên xem xét cả quá trình. Nên tin tưởng vào các giáo viên nếu mong muốn hợp tác hiệu quả với nhà trường. Mức A, B, C này thực chất mang tính hồ sơ nhiều hơn, để các giáo viên lớp sau hiểu được học sinh này là như thế nào", cô Phương nói.

Lo lắng nhưng vẫn mong chờ

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào (Trường ĐHSP Hà Nội) bày tỏ sự mong chờ những sửa đổi tích cực của thông tư 30.

Theo ông Nguyễn Kế Hào, thông tư 30 còn nhiều vấn đề bất cập, chưa tối ưu, phải sửa chữa để phù hợp với tình hình thực tế hơn.

Về các hình thức đánh giá học sinh, ông Nguyễn Kế Hào cho biết có những hình thức như đánh giá định tính, đánh giá định lượng, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.

“Phải kết hợp giữa những hình thức này để đánh giá học sinh một cách toàn diện, đầy đủ và thỏa đáng cả quá trình học tập. Thiếu một trong những hình thức đánh giá trên thì không phải giáo dục hiện đại” - ông Nguyễn Kế Hào nói.

Theo TS Lê Hoàng Giang - Viện Nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM, điểm số và các loại ký hiệu cũng có tác dụng khích lệ tinh thần cố gắng của học sinh.

Theo nhà giáo Nguyễn Thị Hiền - hiệu trưởng Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), việc cho phép các giáo viên không phải viết nhận xét hằng ngày mà được quyền chủ động hoàn toàn trong việc đánh giá chính là giúp họ giảm bớt áp lực.

Khi học sinh gặp vấn đề trên lớp, giáo viên có thể ngay lập tức trợ giúp, giải đáp và chỉnh sửa cho các em. Nếu các em tiếp thu một cách bình thường thì giáo viên cũng không nhất thiết phải ghi nhận xét.

"Những trường hợp phải ghi nhận xét là những trường hợp cần sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường. Trong những trường hợp này, giáo viên phải viết thật cụ thể để phụ huynh hiểu rõ tình hình học tập của con em mình", bà Hiền nêu.

 

Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/tieu-diem/20160830/danh-gia-a-b-c-tu-thong-tu-30-lieu-co-de-tho/1161934.html