Theo thầy giáo Đỗ Việt Khoa, giáo dục nên đi từ cái tâm của người thầy. Không phải việc kỷ luật càng nặng nề thì học sinh sẽ ngoan, ngược lại, có thể dẫn đến những vết sẹo, cả ngoài da thịt và trong tâm hồn mỗi em.
“Nhiều trường kỷ luật học sinh phản giáo dục”
Hiện nay, các trường học, các giáo viên phạt học sinh theo nhiều cách, đa phần các cách đó đều không đúng quy định của ngành.
Tôi xin kể ra đây một số cách phạt phản giáo dục: Bắt học sinh chép phạt vài trăm lần mấy chữ kiểu như "từ nay em xin chừa"; liên tục mời phụ huynh học sinh; làm bản kiểm điểm liên tục; bắt học sinh đứng góc lớp, đứng dưới cờ, đọc tên học sinh vi phạm, có ý sỉ nhục học sinh trước đám đông; hạ hạnh kiểm tùy tiện khi chưa có các bước kỷ luật học sinh theo quy định; đến muộn thì khóa cổng không cho học sinh vào cả buổi…
Không đeo thẻ, không sơ vin, không đi dép có quai... đủ 3 lỗi thì đuổi học 1 tuần đến 1 tháng; bắt học sinh làm quá nhiều bài tập ngoài sách giáo khoa, không làm thì phạt... Nộp tiền muộn cũng phạt, bắt về mời phụ huynh; không học thêm cũng mời phụ huynh đến… Tóm lại ti tỉ các lỗi, phạt cả lỗi tí ti.
Sáng vi phạm, trưa đã có quyết định đuổi học vì tội vượt tường bỏ tiết cuối, trong khi đó các ban giám hiệu lại rất trọng dụng những giáo viên có tính lạnh lùng, hà khắc.
Theo tôi, tất cả những việc trên đều phản sư phạm. Các biện pháp kỷ luật trên đều không đúng thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
>> Cô giáo làm bảng tường trình sau khi bị tố hà khắc với học sinh
Nhà trường là chỗ để dạy dỗ con trẻ. Trẻ mắc lỗi thì cần xem mức độ lỗi, nhắc nhở trẻ. Tạo tâm lý thân thiện cho học sinh. Một người thầy mà lên lớp lạnh lùng, đằng đằng sát khí... thì xin cho đi làm việc khác chứ không nên làm thầy.
Con trai tôi mới đây, trong giờ học Giáo dục quốc phòng, vì cháu ngồi lên ghế đá mà không ngồi xổm như các bạn đã bị phạt chạy 10 vòng quanh sân trường, mỗi vòng trên 1 km, khiến cháu suýt ngất xỉu.
Khi bị phạt một cách hà khắc, ác ý thì học sinh không những không tâm phục mà còn gây bức xúc cho cả phụ huynh lẫn học sinh.
Nghiêm khắc đến mức ác ý thì không còn là nghiêm khắc nữa, có thể vi phạm pháp luật khi hành hạ ngược đãi trẻ em. Khi đó, cả học sinh và phụ huynh sẽ phản ứng. Nhẹ thì xin chuyển trường chuyển lớp, đổi giáo viên, nặng thì họ đánh lại giáo viên.
"Tất cả việc giáo dục nên ở cái tâm của người thầy"
Trường THPT mà tôi từng công tác có một vụ việc như sau: Giáo viên tịch thu di động của học sinh rồi sử dụng hơn nửa năm sau không trả lại, học sinh ra trường, đến đòi cũng không trả, thế là họ vác dao đuổi chém, thầy phải quỳ xuống xin tha.
Một vụ việc khác, học sinh vượt tường bỏ tiết cuối vì lớp không có giáo viên dạy, chỉ 2 tiếng sau nhận quyết định đuổi học 1 năm. Phụ huynh đến xin gặp lãnh đạo và giáo viên nhưng không được cho gặp, phụ huynh vác dao đến canh cổng trường, hiệu trưởng phải trốn 1 tuần không dám đến trường.
Tôi đã từng có ý kiến lên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội nhiều lần về việc này, song vẫn chưa khắc phục hết được.
Theo tôi, ngành giáo dục đã có hướng dẫn cụ thể các bước kỷ luật học sinh rồi, chúng ta nên tuân theo, không như hiện nay, không ít trường dùng luật riêng, soạn hẳn thành cái mà họ gọi là nội quy.
Tất cả việc giáo dục nên ở cái tâm của người thầy. Nếu chúng ta vì học sinh thân yêu thật sự, biết tôn trọng trẻ em, biết phục vụ con người... chắc chắn không có chuyện kỷ luật học sinh vô lối.
Hãy nhìn những trường học ở miền núi vùng sâu. Ở đó thầy cô phải nâng niu chăm chút cho từng trẻ, đến tận nhà mời trẻ đến trường. Tôi cũng cho rằng, các cấp quản lý cần quan tâm chấn chỉnh các vụ việc mà báo chí phản ánh, thậm chí kỷ luật các giáo viên có hành vi xúc phạm, hành hạ học sinh...
Theo Thanh niên