>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Đăng ký xét tuyển đại học: Chịu vất vả để tránh trượt oan - Ảnh 1

Các trường đều phải tạo điều kiện tối đa cho thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH

Phụ huynh than mệt

Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, các bậc phụ huynh, thí sinh lại hồi hộp tham gia vào cuộc đua nộp và rút hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học. “Nghĩ cũng thấy thương các cháu. Trừ những bạn điểm cao thật sự còn đỡ lo, còn lại đa số đều lo lắng, hàng ngày trông chờ thông tin xét tuyển của các trường” - chị Hoàng Vân Anh, có con thi vào ĐH Hà Nội chia sẻ.

Không chỉ mệt do suy nghĩ căng thẳng, nhiều thí sinh và người nhà còn phải lặn lội hàng trăm cây số đi đi về về Hà Nội để nộp và rút hồ sơ. Tại trường ĐH Ngoại thương, thí sinh Nguyễn Thúy Minh, quê ở Lào Cai cho biết, em đạt 24 điểm 3 môn, nếu nhân hệ số lên là 26 điểm nhưng vẫn thấy cơ hội đỗ ĐH không chắc chắn. Thúy Minh dự định thuê trọ ở Hà Nội mấy ngày nữa để tính toán xem có nên rút hồ sơ chuyển sang ĐH Kinh tế hay không...

Trong quá trình xét tuyển ĐH năm nay, Bộ GD-ĐT đã áp dụng nhiều công nghệ để giúp thí sinh cập nhật thông tin nhưng cách làm mỗi trường một kiểu khiến thí sinh rất lúng túng. Trường thì không xếp danh sách theo nguyện vọng, trường thì để nguyên điểm không nhân hệ số cho ngành cần điểm hệ số, không cộng điểm ưu tiên… khiến thí sinh rơi vào “ma trận”.

“Con tôi đăng ký vào ĐH Hà Nội. Danh sách đăng ký xét tuyển vào trường đã được công bố nhưng lại không đủ căn cứ để thí sinh biết thứ hạng của mình. Trường này chỉ xếp danh sách theo 3 môn, không tính điểm ưu tiên. Vậy làm sao thí sinh và người nhà có thể tự ngồi cộng điểm của các thí sinh để biết con mình đứng ở đâu mà nộp hay rút hồ sơ?” - anh Nguyễn Công Đại, Ba Đình, Hà Nội thắc mắc.

Đó là chưa kể tới tình trạng nghẽn mạng của một số trang web của các trường ĐH. Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế quốc dân thừa nhận, website của trường lúc nào cũng có vài nghìn lượt người theo dõi, cập nhật hồ sơ dẫn đến tình trạng nghẽn mạng, thí sinh phải chờ lâu mới truy cập được.

Rút ra nộp vào là bình thường

Những rắc rối trong việc nộp và rút hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học vẫn chưa dừng lại. Điều này đòi hỏi thí sinh và người nhà phải bình tĩnh và nên tìm hiểu kỹ hoặc hỏi tư vấn từ phía nhà trường. Mới đây, trường ĐH Kinh tế quốc dân phải cảnh báo về hiện tượng trong mấy ngày gần đây,  nhiều thí sinh hiểu không đúng về danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển của từng ngành dẫn đến tình trạng đồng loạt xin rút hồ sơ.

Trong danh sách này, mỗi thí sinh có thể xuất hiện ở 4 ngành theo 4 nguyện vọng nên danh sách thí sinh gấp nhiều lần so với số thực tế nộp hồ sơ. Do lầm tưởng đó là số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường nên nhiều thí sinh đã xin rút hồ sơ. Thực tế, đến ngày 9-8, trường đã tiếp nhận 3.674 hồ sơ đăng ký xét tuyển nhưng danh sách của tất cả các ngành cộng lại có hơn 10.000 lượt thí sinh.

Về tình trạng này, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT lưu ý, thí sinh không bắt buộc phải điền đủ cả 4 ngành, đặc biệt là không nên đăng ký vào các ngành mà mình không muốn học vì khi đã đỗ vào ngành đó thì thí sinh không có quyền đăng ký xét tuyển ở đợt tiếp theo.

Giải thích về cách xét tuyển ĐH năm nay, ngày 10-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, trước đây, học sinh nộp hồ sơ rồi mới thi, rất tù mù, nhiều em điểm cao đăng ký trường top đầu vẫn trượt, nhiều em điểm thấp lại đỗ. Việc chờ thi xong mới đăng ký trên cơ sở công bố đầy đủ phổ điểm tổ hợp môn thi tất cả các khối giúp thí sinh tự lượng sức để đăng ký và cho phép thay đổi nguyện vọng.

Mục tiêu để tránh hiện tượng điểm cao vẫn trượt, thấp lại đỗ và để các trường chọn được học sinh tốt nhất. “Để đạt được mục tiêu đó thì phải theo dõi, phải rút ra nộp vào, không thế thì ai làm cho mình. Thấy rắc rối, phải lo mấy chục ngày nhưng sẽ tránh được oan ức một năm, thậm chí một đời” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phân tích.

Có thể thấy, cách thức xét tuyển năm nay nhằm tạo cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học nhưng vẫn cần sự đồng bộ từ các trường cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về cơ sở hạ tầng  thông tin, giúp thí sinh đỡ vất vả hơn.

Theo An ninh Thủ Đô, tin gốc: http://anninhthudo.vn/giao-duc/dang-ky-xet-tuyen-dai-hoc-chiu-vat-va-de-tranh-truot-oan/626820.antd