1. TÊN TRƯỜNG
Tên tiếng Việt: Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (viết tắt: ĐVTDT )
Tên tiếng Anh: Thanh Hoa University of Culture, Sprots and Tourism (viết tắt: TUCST)
2. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa là trường đại học công lập nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý của Uỷ ban nhân dân Tỉnh Thanh Hóa và quản lý chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tiền thân là Trường Văn hóa Nghệ thuật đào tạo cán bộ nghiệp vụ văn hoá nghệ thuật cho tỉnh Thanh Hóa trở thành một trường đại học đa ngành có nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể thao và du lịch cho vùng Bắc Trung Bộ và Nam sông Hồng.
- Ngày 09/3/1967 Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh Thanh Hóa ký quyết định thành lập trường Sơ cấp Văn hóa – Nghệ thuật thuộc Ty Văn hóa – Thông tin tỉnh Thanh Hóa. Các khóa đào tạo về các bộ môn kịch, chèo, tuồng, cải lương, thông tin cổ động tổng hợp, ca múa nhạc, kẻ vẽ thông tin cổ động của Trường đã cung cấp một lực lượng cán bộ văn hoá thông tin phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam.
- Ngày 05/10/1978, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) ký Quyết định số 918/THCN-TC nâng cấp trường Sơ cấp Văn hóa Nghệ thuật thành trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật trực thuộc Sở Văn hóa – Thông tin Thanh Hóa.
- Ngày 25/8/2004, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 4765/QĐ-BGD&ĐT-TCCB về việc thành lập Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Thanh Hóa trên cơ sở nâng cấp trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật Thanh Hóa.
- Ngày 22/7/2011, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã ký Quyết định số 1221/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa).
Với bề dày truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển, Trường đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng trong nhiều lĩnh vực. Các thế hệ HSSV của Nhà trường đã góp phần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cho ngành VHTT, đội ngũ giáo viên sư phạm nghệ thuật của tỉnh. HSSV Nhà trường liên tục đạt giải cao tại các hội thi tiếng hát HSSV các trường chuyên nghiệp, các trường văn hoá nghệ thuật toàn quốc, giọng hát hay trên sóng truyền hình; hội thi, triển lãm mỹ thuật cấp tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã được ghi nhận và đánh giá cao. Chất lượng quản lý đào tạo ngày được tăng cường tương xứng với vị thế phát triển của Nhà trường và yêu cầu của xã hội.
3. SỨ MẠNG, NHIỆM VỤ
- Trường có chức năng đào tạo các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể thao và du lịch trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học. Phạm vi đào tạo gồm tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam sông Hồng.
- Kết nối và phát huy các nguồn lực giáo dục bên trong nhà trường và bên ngoài xã hội một cách linh hoạt, hiệu quả; thúc đẩy mạnh mẽ môi trường giảng dạy – nghiên cứu khoa học tích cực, sáng tạo, minh bạch, đảm bảo tốt nhất cam kết chất lượng và đào tạo đối với người học và xã hội.
- Phương châm giáo dục của Nhà trường là: Kiên trì mục tiêu lấy chất lượng đào tạo, thành công của người học, tín nhiệm xã hội làm thước đo kết quả đào tạo.
4. CÁC ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
4.1. Cơ sở đào tạo
- Cơ sở 1: Số 561, đường Quang Trung 3, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa có 70.500 m2 đã hoàn thành giai đoạn I, có 3 giảng đường với 75 phòng học lý luận và thực hành đảm bảo đào tạo cho khối đại học chính quy. Hiện nay trường đang lập hồ sơ, thẩm định Dự án xây dựng giai đoạn II.
- Cơ sở 2: Số 20, đường Nguyễn Du, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa, có 5.000 m2 với 18 phòng học lý luận, 20 phòng thực hành, phòng học đặc thù, 02 phòng họp, phòng hội thảo, 01 nhà Biểu diễn kiêm hội trường, Trung tâm thực hành khách sạn, nhà hàng và khu văn phòng 2 của trường. Hiện đang bố trí hoạt động cho các đơn vị: Khoa Du lịch, Bộ môn Sân khấu Điện ảnh, Trung tâm đào tạo Liên thông liên kết, Trung tâm phát triển nguồn nhân lực, Bộ phận Tập san Thông tin khoa học, Trung tâm tổ chức sự kiện - du lịch.
4.2. Đội ngũ giảng viên
- Số lượng cán bộ giảng viên nhà trường tính đến tháng 11/2016 là 212 cán bộ giảng viên, trong đó có: 02 Phó giáo sư; 29 Tiến sĩ, 158 Thạc sĩ và 23 Cử nhân Đại học (đạt hơn 80% cán bộ giảng viên có trình độ trên đại học), cơ bản đảm bảo cho 1 ngành đào tạo Cao học, 16 ngành đào tạo Đại học hiện có.
- Ngoài ra, Nhà trường còn có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng gồm nhiều GS, PGS, TS, chuyên gia là các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu; các trường đại học; cơ quan văn hóa, du lịch, thể dục, thể thao trong nước; các giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
4.3. Chương trình, ngành đào tạo
- Nhà trường đã tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ từ năm 2012; các chương trình đào tạo đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu liên thông giữa các trình độ với các chương trình đào tạo khác.
- Hiện tại, Trường có 1 ngành đào tạo cao học (Quản lý Văn hóa) và 16 ngành đào tạo Đại học chính quy tập trung (Quản lý Nhà nước, Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành, Giáo dục Mầm non, Ngôn ngữ Anh, Công tác Xã hội, Quản lý Văn hóa, Thông tin học, Việt Nam học (chuyên ngành Du lịch), Quản trị Khách sạn, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Thiết kế Thời trang, Đồ họa, Hội họa, Thanh nhạc, Quản lý TDTT); 9 ngành đại học liên thông chính quy, VLVH từ trung cấp, cao đẳng lên đại học (Quản lý Văn hóa, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Việt Nam học (chuyên ngành Du lịch), Thông tin học, Thiết kế Thời trang, Đồ hoạ, Quản trị Khách sạn, Thanh nhạc) và 4 ngành trung cấp năng khiếu (Thanh nhạc, Nhạc cụ, Hội họa, Sân khấu).
4.4. Công tác Nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế
- Nhà trường triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; xuất bản nhiều giáo trình và tập bài giảng cùng hàng trăm bài báo của các giảng viên Nhà trường công bố trên các tạp chí khoa học của Trung ương và địa phương.
- Trường không ngừng đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực: đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên, nghiên cứu khoa học với các đối tác quốc tế: Trường Đại học Zielona Gó ra - Ba Lan; Trường Đại học MinSCAT - Philippines; Trường Đại học Nakon Phanom – Thái Lan; đào tạo tiếng Việt, đại học, cao học cho Lưu học sinh và cán bộ của các tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn- Lào.